Sán ngọ nguậy ở ngực của cô gái mà nguyên nhân xuất phát từ thói quen ăn uống cũng rất nhiều người mắc phải

Tiểu Nguyễn,
Chia sẻ

Cô gái đến từ Sơn La (30 tuổi) phát hiện vùng ngực phải có nốt đỏ, đau nhói và ngứa, khi nặn ra thấy một sinh vật sống đang ngọ nguậy. Thói quen ăn đồ tái sống là nguyên nhân dẫn đến bệnh tình của cô.

Tưởng mọc mụn ở ngực, cô gái phát hoảng khi biết đó là con sán ngọ nguậy

2 tuần trước khi bị ngứa ở nốt nhỏ trên ngực, bệnh nhân đến phòng khám tư kiểm tra, bác sĩ nghi ngờ bị viêm tuyến vú. Về nhà, nghĩ là mụn, chị nhờ người nặn ra và phát hiện một sinh vật khá lớn trồi lên cử động. Bệnh nhân hoảng sợ, đến Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương khám. Sau khi xét nghiệm, bác sĩ xác định con vật sống trong nốt mụn của bệnh nhân là sán lá gan lớn (Fasciola).

Sán ngọ nguậy ở ngực của cô gái mà nguyên nhân xuất phát từ thói quen ăn uống cũng rất nhiều người mắc phải - Ảnh 1.

Bệnh nhân đang điều trị tại Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn Trùng TƯ.

Đây là trường hợp sán lạc chỗ rất hiếm gặp, bởi lẽ thông thường sán lá gan chủ yếu trú ngụ trong gan, nếu lạc chỗ cũng chỉ đến khu vực cơ thẳng gần bụng, cơ tim, phổi. Bệnh nhân này sán lá gan lại đi lạc lên vú.

Sán ngọ nguậy ở ngực của cô gái mà nguyên nhân xuất phát từ thói quen ăn uống cũng rất nhiều người mắc phải - Ảnh 2.

Sau khi xét nghiệm, bác sĩ xác định con vật sống trong nốt mụn của bệnh nhân là sán lá gan lớn (Fasciola).

Khi được hỏi thăm, bệnh nhân tiết lộ có thói quen ăn lẩu, ăn các loại rau thủy sinh, trồng dưới nước như rau cần, rau ngổ... Theo bác sĩ Thọ, thói quen này là yếu tố nguy cơ nhiễm bệnh cao, do ấu trùng sán bơi trong nước sau đó tìm một cá thể để ký sinh như ốc, hoặc bám vào rau trồng thủy sinh.

Thói quen ăn đồ tái sống và nguy cơ nhiễm giun sán, không chỉ có mỗi sán lá gan!

Sán lá gan lớn là loại sán có kích thước 3-4 cm x 1cm. Sau khi đi vào cơ thể người, sán ký sinh trong gan mật, trường hợp bất thường sán có thể ký sinh trong cơ, dưới da (ký sinh lạc chỗ). Tùy vào số lượng sán và vị trí ký sinh trùng khu trú mà bệnh nhân nhiễm sán có những biểu hiện điển hình hoặc không điển hình.

Điều đáng lưu ý là sán lá gan lớn ngoài ký sinh ở gan, còn bất thường sán non có thể di chuyển và ký sinh trong cơ bắp, phúc mạc, đại tràng, khớp gối, tuyến vú, dưới da, tim, phổi, màng phổi, ổ mắt, thành bụng, ruột thừa, tuỵ, lách, hạch bẹn, hạch cổ, mào tinh hoàn... gây nên những khối u nơi ký sinh rất khó chẩn đoán. Đặc biệt, tại Việt Nam đã gặp ca bệnh sán lá gan lớn ký sinh ở dưới da ngực, tuyến vú, bắp chân và khớp gối.

Sán ngọ nguậy ở ngực của cô gái mà nguyên nhân xuất phát từ thói quen ăn uống cũng rất nhiều người mắc phải - Ảnh 3.

Người hay ăn sống thực vật thủy sinh như rau ngổ, rau cải xoong, rau muống nước, rau cần hay uống nước lã có ấu trùng... sẽ bị nhiễm bệnh.

Dấu hiệu của người bị bệnh sán lá gan mệt mỏi, biếng ăn, gầy sút. Sốt thất thường, có thể sốt cao, rét run hoặc sốt chỉ thoáng qua rồi tự hết, đôi khi cơn sốt kéo dài. Đặc biệt, da xanh, niêm mạc nhợt sẽ gặp ở các trường hợp nhiễm kéo dài đặc biệt ở trẻ em. Bệnh nhân thường đau vùng hạ sườn phải lan về phía sau hoặc vùng thượng vị-mũi ức. Tính chất đau không đặc hiệu, có thể đau âm ỉ, đôi khi dữ dội, cũng có trường hợp không đau. Bệnh nhân có cảm giác đầy bụng khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn. Một số bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng của các biến chứng như tắc mật, viêm đường mật, viêm tụy cấp, xuất huyết tiêu hóa...

Loại sán này chủ yếu ký sinh ở động vật ăn cỏ như trâu, bò, cừu, lạc đà... và có thể ký sinh gây bệnh ở người. Sán ký sinh trong hệ thống gan mật, chúng đẻ trứng theo dịch mật xuống ruột và theo phân ra ngoài môi trường.

Ở ngoài môi trường, trứng sán rơi xuống nước, nở ấu trùng lông chui vào ốc thích hợp phát triển thành ấu trùng đuôi bơi tự do trong nước và bám vào rau cỏ thủy sinh. Người hay ăn sống thực vật thủy sinh như rau ngổ, rau cải xoong, rau muống nước, rau cần hay uống nước lã có ấu trùng... sẽ bị nhiễm bệnh.

Sán ngọ nguậy ở ngực của cô gái mà nguyên nhân xuất phát từ thói quen ăn uống cũng rất nhiều người mắc phải - Ảnh 4.

Rau ngổ là thực phẩm có nguy cơ nhiễm sán lá gan cao.

Tiến sĩ Từ Ngữ (Tổng thư ký Hội dinh dưỡng Việt Nam) cho biết thêm, nếu phải phân ra những thực phẩm nào dễ bị nhiễm sán thì chắc chắn ăn thức ăn có nguồn gốc từ động vật dễ bị nhiễm sán hơn. Sán đến từ hai nguồn: một là thực phẩm đó có sán, hai là thực phẩm bị ô nhiễm và lây sán từ những nguồn khác.

"Trong các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, thực phẩm chế biến từ lợn có nguy cơ nhiễm sán cao hơn cả, sau đó mới đến gà, vịt… Trứng sán thường sẽ theo thức ăn hoặc nước uống chưa chín kỹ đi vào dạ dày và sinh sôi, nảy nở. Đó là lý do vì sao chúng ta không nên ăn thịt lợn chưa chín kỹ, còn tái hoặc ăn tiết canh, nội tạng lợn như lòng non, lòng già, dạ dày…", TS Từ Ngữ khẳng định.

Theo ông, môi trường đất đai trồng thực phẩm bị ô nhiễm cũng rất dễ khiến rau quả bị nhiễm sán, do đó rất khó để nhận định thực phẩm nào dễ bị sán hơn.

Sán ngọ nguậy ở ngực của cô gái mà nguyên nhân xuất phát từ thói quen ăn uống cũng rất nhiều người mắc phải - Ảnh 5.

Nếu phải phân ra những thực phẩm nào dễ bị nhiễm sán thì chắc chắn ăn thức ăn có nguồn gốc từ động vật dễ bị nhiễm sán hơn.

Người bị nhiễm sán nói chung thường có các biểu hiện như đau bụng từng cơn, mơ hồ, rối loạn tiêu hóa, đi ngoài phân lỏng, thiếu máu, móng tay biến dạng, người xanh xao, ngứa, mày đay, suy nhược cơ thể... Nếu có những dấu hiệu này, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế để khám chữa kịp thời.

Theo chuyên gia, để không ăn phải thực phẩm nhiễm sán, cần phải làm sạch thực phẩm trước khi chế biến, tuân thủ nguyên tắc ăn chín uống sôi; Không phân biệt đối tượng, cả gia đình cần tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần; Không ăn tiết canh, thịt lợn tái, nội tạng không đảm bảo, không rõ nguồn gốc; Tăng cường vệ sinh môi trường, giữ gìn nơi ở, vườn tược sạch sẽ; Quản lý phân rác chặt chẽ, tránh để lợn, gà, chó tha phân gây ô nhiễm môi trường.

Chia sẻ