Sân bay Cam Ranh bán bánh hamburger đắt nhất thế giới
Thật tiếc đây không phải là kỷ lục vui! Nhiều du khách đi qua sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) đã kêu trời khi bị hoãn chuyến bay, phải ăn tạm đồ ăn trong sân bay với giá còn hơn... cắt cổ.
Chiều mùng 4 Tết Quý Tỵ vừa qua, tại nhà ga sân bay Cam Ranh - Khánh Hòa, chúng tôi chứng kiến nhiều hành khách phải “kêu trời” với giá cả ở khu cách ly và căng tin sân bay. Một ký xoài Cam Ranh được bán với giá 85 ngàn đồng. Một chai nước suối bên ngoài bán 4 ngàn đồng, ở đây là 15 ngàn đồng.
Một tô mì gói có thêm cái trứng gà 60 ngàn đồng. Một que kem 35 ngàn đồng. Nhưng “kinh hoàng” nhất là cái bánh ngọt nhỏ xíu giá 80 ngàn đồng và cái hamburger có giá 180 ngàn đồng.
Nhiều khách Việt kiều phải than rằng giá hamburger ở Cam Ranh đã đạt kỷ lục đắt nhất thế giới, vì họ đã đi nhiều sân bay của các quốc gia Á, Âu, Mỹ... thì giá hamburger đắt nhất cũng chỉ 5USD (tương đương 100 ngàn đồng) có kèm theo một phần nước uống.
Xin nói thêm, gia đình của người viết bài này trong mấy ngày Tết ăn sáng trên đường Bà Hạt (quận 10), với năm tô hủ tíu đặc biệt, năm phần nước uống cũng chưa bằng giá một cái hamburger ở Cam Ranh, dù TPHCM vẫn được coi là nơi đắt đỏ so với các địa phương khác.
Giá cả thì đắt gấp 3 đến gần 10 lần bên ngoài, nhưng chất lượng thức ăn quá tệ. Do lúc đó đã xẩm tối, chuyến bay giá rẻ của hãng VietJet bị trễ gần một giờ nên các cháu nhỏ đói quá đòi ăn, cha mẹ các em đành bấm bụng mua hamburger, bánh ngọt, kem, nước uống cho con.
Thế nhưng dù rất đói, các cháu cũng không thể nuốt nổi bánh; kem thì tàm tạm và chỉ có nước uống đóng chai là... giữ được chất lượng như bên ngoài. Thậm chí ngay cả trên máy bay của Viet Jet, một lon nước ngọt cũng chỉ 20 ngàn đồng, một tô mì cũng chỉ 40 ngàn đồng và được phục vụ rất lịch sự, chứ không như “phong cách” độc quyền ở nhà ga!
Giá cả đắt đỏ nhưng chất lượng thức ăn từ kém đến rất kém là “thương hiệu” phổ biến ở hầu hết các nhà ga sân bay. Có lần ở sân bay Phú Bài (Huế), một ông khách nói giọng Huế ngoài sáu mươi tuổi, sau khi nếm thử tô “bún bò” đã bực dọc thốt lên: “Thứ ni mà treo bảng là bún bò Huế thì đúng là... làm nhục Huế!”.
Còn “phở sân bay” từ lâu đã là thành ngữ chỉ những tô phở nhạt nhẽo, nhưng có giá gấp ba bốn lần bên ngoài. Thế nhưng hầu như ở nhà ga nào của ngành hàng không, món “phở sân bay” vẫn... ngày càng phát triển, vì khi đã vào phòng cách ly thì hành khách đã mất “quyền lựa chọn”!
Có lẽ nhiều thế hệ lãnh đạo của ngành hàng không chỉ chú tâm đến chuyện vĩ mô nên không để ý đến những chuyện “ăn uống vụn vặt” ở các sân bay. Nhưng với tâm lý của đại đa số hành khách, những “vụn vặt” đó làm người ta ấm ức, tạo ấn tượng mạnh, làm người ta nhớ rất lâu.
Ở nước ta tuy có nhiều hãng máy bay nhưng đều chung dịch vụ mặt đất. Nếu các hãng máy bay có riêng dịch vụ mặt đất để phục vụ hành khách của mình, chắc chắn các loại “phở sân bay”, “hamburger đắt nhất thế giới” sẽ không còn chỗ o ép khách hàng. Trong sân bay, có thể bán đắt hơn bên ngoài. Nhưng đắt ở mức độ hợp lý, hợp tình và chất lượng phải tương xứng. Còn những gì đang diễn ra, là biểu hiện của sự độc quyền!
Điều cuối cùng chúng tôi muốn nói là trong khi du lịch Malaysia, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc... đang giảm giá tour; trong khi các đối thủ trực tiếp của du lịch Khánh Hòa như: Đà Lạt, Phan Thiết, Vũng Tàu... đang ra sức chống nạn “chặt chém” để thu hút du khách, thì cửa ngõ hàng không Cam Ranh được xây dựng hiện đại, chỉ mới đưa vào sử dụng thời gian ngắn đã làm du khách phải buồn lòng vì giá cả quá đắt đỏ.
Mong rằng những “hạt sạn” như thế sớm được loại bỏ để khách đến với sân bay Cam Ranh nói riêng, đến với du lịch Khánh Hòa nói chung không phải ấm ức vì bị chặt chém quá đáng.