Sai lầm nhiều người mắc phải khi dùng kính áp tròng và hướng dẫn đến từ chuyên gia
Nếu không chú ý vệ sinh hộp đựng kính áp tròng thường xuyên, bạn có nguy cơ cao phải đối mặt với những vấn đề về mắt nghiêm trọng.
Hiệp hội Đo thị lực Hoa Kỳ (AOA) khuyên, mọi người nên vứt bỏ hộp đựng kính áp tròng sau 1-3 tháng sử dụng. Trên thực tế, rất nhiều người chỉ để ý tới việc thay kính thường xuyên và ít khi vệ sinh hộp đựng. Robert C. Layman, bác sĩ nhãn khoa kiêm người đứng đầu AOA cho biết, thói quen này khá phổ biến và có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe mắt. Dưới đây là một số sai lầm nhiều người mắc phải khi sử dụng và vệ sinh hộp đựng kính áp tròng:
Rửa kính áp tròng bằng nước máy
Bác sĩ Robert cảnh báo, không bao giờ được sử dụng nước máy để vệ sinh hộp đựng kính áp tròng vì điều này sẽ làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng. Loại nước này chứa rất nhiều vi khuẩn acanthamoeba. Khi tiếp xúc với mắt, chúng sẽ dẫn tới các vấn đề về mắt nghiêm trọng và khó thể điều trị.
Lau bằng cồn hoặc oxy già
Cồn hoặc oxy già thông thường không có khả năng loại bỏ lớp màng sinh học và vi khuẩn bám trên bề mặt hộp đựng. Khi không vệ sinh dụng cụ này kịp thời, bạn có nhiều khả năng phải đối mặt với nhiễm trùng giác mạc nghiêm trọng.
Theo bác sĩ Robert, vi khuẩn và màng sinh học có thể làm tăng nguy cơ viêm giác mạc do vi khuẩn và viêm giác mạc thâm nhiễm, thậm chí dẫn đến mất thị lực.
Đun sôi hoặc khử khuẩn bằng lò vi sóng
Bác sĩ Robert cho biết, lò vi sóng không phải là lựa chọn tốt vì mỗi loại khác nhau, từ công suất cho tới thời gian làm nóng. Nói cách khác, không giống với nồi hấp tiệt trùng trong các cơ sở y tế, lò vi sóng không được thiết kế để tiêu diệt vi khuẩn và màng sinh học. Do đó, mầm bệnh vẫn có thể tồn tại sau khi bạn sử dụng thiết bị này để vệ sinh hộp đựng kính áp tròng. Điều này cũng tương tự với việc dùng nước sôi để khử trùng.
Một số việc cần làm khi dùng kính áp tròng
Vệ sinh hộp đựng kính áp tròng đúng cách
Ngoài việc thay hộp đựng sau 1-3 tháng sử dụng, mọi người cũng cần khử trùng dụng cụ này để giảm sự phát triển của vi trùng và mầm bệnh gây hại cho mắt. Dưới đây là các bước vệ sinh hộp đựng:
- Rửa tay bằng xà phòng và lau khô tay kỹ lưỡng trước khi bắt đầu.
- Lấy kính áp tròng ra khỏi hộp đựng.
- Chà và rửa sạch vỏ hộp bằng dung dịch khử trùng.
- Lau hộp đựng bằng khăn giấy sạch rồi để khô tự nhiên, đặt vỏ và nắp úp xuống một bề mặt sạch.
- Tránh để hộp đựng trong môi trường ẩm ướt, thích hợp cho mầm bệnh phát triển như phòng tắm.
- Vệ sinh hộp đựng thường xuyên sau mỗi lần sử dụng.
Có cần làm sạch hộp đựng nếu chỉ thỉnh thoảng đeo kính áp tròng?
Ngay cả khi không có thói quen đeo kính áp tròng mỗi ngày, bạn nên làm theo lời khuyên của AOA. Mầm bệnh vẫn có thể phát triển và dẫn tới các bệnh nhiễm trùng mắt. Trên thực tế, hộp đựng để càng lâu thì càng có nhiều vi khuẩn trú ngụ trên bề mặt.
Kính áp tròng có thể để được bao lâu trong nước?
Câu trả lời tùy thuộc vào loại nước ngâm kính áp tròng bạn đang sử dụng. Theo bác sĩ Robert, một số loại có thể bảo quản trong một ngày hoặc 24 giờ. Trái lại, các loại dung dịch tốt hơn có khả năng tăng tuổi thọ của kính áp tròng tới một tháng. Mọi người nên lưu ý làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất và lựa chọn loại nước ngâm kính áp tròng phù hợp nhất. Đồng thời, bạn đừng ngại ngần hỏi ý kiến của các chuyên gia nếu gặp phải vấn đề khi sử dụng sản phẩm này.
(Nguồn: Livestrong)