Rút BHXH một lần: Lợi trước mắt, thiệt thòi về lâu dài

HẠ VŨ,
Chia sẻ

Bảo hiểm xã hội không chỉ mang lại lương hưu cho người lao động khi về già mà còn có thêm nhiều chính sách về bảo hiểm y tế, chế độ tử tuất. Thế nhưng, 2 năm trở lại đây, tỷ lệ người lao động rút BHXH 1 lần lại tăng cao.

Theo quy định, sau một năm nghỉ việc, người lao động không tìm được việc làm mới, không phát sinh đóng bảo hiểm xã hội sẽ đủ điều kiện làm thủ tục nhận trợ cấp một lần. Người lao động sẽ nhận tiền qua tài khoản sau 7 ngày hoàn thành hồ sơ.

Những ngày vừa qua, khi đi ngang trước trụ sở Bảo hiểm xã hội các địa phương tại TPHCM sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh hàng người xếp hàng, nằm, ngồi vạ vật... để chờ rút BHXH 1 lần. Vậy việc rút BHXH một lần có lợi và có hại ra sao với người lao động?

Người lao động có nên rút BXH 1 lần? - Ảnh 1.

Vì sao nhiều người đổ xô đi rút bảo hiểm xã hội một lần?

Tình trạng người dân xếp hàng từ rạng sáng, chờ rút bảo hiểm xã hội và làm các thủ tục liên quan đến bảo hiểm xã hội đã diễn ra từ tháng 4/2022 cho đến nay. Tuy nhiên, vào quý cuối năm, lượng người đổ về các trung tâm bảo hiểm xã hội ngày một đông, tình trạng này xảy ra vì nhiều lý do khác nhau.

Tính chung cả năm 2021, trước diễn biến phức tạp và kéo dài của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư khiến tình hình lao động việc làm năm 2021 gặp nhiều khó khăn hơn. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2021 hơn 1,4 triệu người, chiếm 3,22%. Trong khi đó, theo quy định, sau một năm nghỉ việc, người lao động không phát sinh đóng bảo hiểm xã hội sẽ đủ điều kiện làm thủ tục nhận trợ cấp một lần. Chính vì vậy, đến nay là thời điểm tròn 1 năm những lao động mất việc làm từ năm 2021 đủ điều kiện hưởng chế độ.

Cùng với đó, những lao động cố gắng cầm cự nhưng tình hình bấp bênh, không ổn định, khó khăn trong tìm việc làm nên họ cũng quyết định rút BHXH để giải quyết vấn đề tài chính trước mắt.

Người lao động có nên rút BXH 1 lần? - Ảnh 2.

Ngoài ra, theo quy định mới nhất, người dân có thể nộp hồ sơ làm thủ tục rút BHXH một lần ở bất cứ đơn vị BHXH nào (trước đây chỉ có thể rút tại đơn vị nơi đăng ký BHXH) nên các đơn vị BHXH ở các thành phố lớn - nơi tập trung nhiều lao động cũng sẽ đông đúc hơn.

Đặc biệt, một trong những lý do có thể kể đến tình trạng người dân ồ ạt đi rút bảo hiểm xã hội một lần là do người lao động lo ngại trong thời gian tới, chính sách bảo hiểm xã hội có thể thay đổi đặc biệt là đề xuất rút ngắn thời gian tính lương hưu và mỗi người lao động chỉ được rút 8% một lần.

Dù đến quý III 2022, tình hình kinh tế - xã hội nói chung và tình hình lao động việc làm nói riêng tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Nhưng những tháng vừa qua, sản xuất của nhiều doanh nghiệp giảm sút do tác động của tình hình thế giới. Số liệu của Tổng liên đoàn Lao động thống kê tại 44 tỉnh thành, chủ yếu từ giữa năm đến nay, cho thấy 472.000 công nhân bị ảnh hưởng, trong đó 41.500 người mất việc. Lãnh đạo Tổng liên đoàn lo ngại về làn sóng rút bảo hiểm xã hội một lần có thể gia tăng.

Người lao động có nên rút BXH 1 lần? - Ảnh 3.

Có nên rút bảo hiểm xã hội 1 lần không?

Trong bối cảnh nếu không may NLĐ thất nghiệp, chính sách bảo hiểm xã hội 1 lần cho phép người lao động linh hoạt lựa chọn giải pháp tài chính phù hợp với điều kiện sức khỏe, kinh tế của bản thân và gia đình.

Hạn chế nhiều quyền lợi

Tuy nhiên, theo cơ quan bảo hiểm, khi rút bảo hiểm xã hội một lần, quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với tham gia bảo hiểm xã hội cho đến khi đủ điều kiện hưởng lương hưu. Ví dụ nếu đóng đủ đến khi về hưu, người lao động không chỉ được hưởng một mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ sẽ được điều chỉnh tăng.

Trong 2 năm qua, dù tình hình kinh tế của nước ta khó khăn do dịch bệnh nhưng lương hưu đã được điều chỉnh với mức chung là 7,4% từ ngày 1/1/2022. Điều này cho thấy, chính sách của nhà nước rất quan tâm đến thu nhập của người hưởng lương hưu.

Người lao động có nên rút BXH 1 lần? - Ảnh 4.

Rút BHXH 1 lần, có nghĩa là bạn đã tách mình ra khỏi hệ thống an sinh xã hội

Một khi chọn rút BHXH một lần, người lao động sẽ không được Quỹ BHXH đóng bảo hiểm y tế (BHYT) và không được chi trả chi phí khám chữa bệnh theo quy định của luật BHYT. Trừ trường hợp nếu sau này người lao động đã rút một lần tiếp tục tham gia BHXH thì tiếp tục được hưởng quyền lợi trên, tuy nhiên sẽ ở mức thấp hơn tương ứng với thời gian tham gia BHXH.

Một trường hợp khác, nếu người lao động đã rút BHXH một lần không may mất (trong thời gian không tham gia BHXH), nhân thân của người lao động sẽ không được hưởng các khoản trợ cấp mai táng và tử tuất, bao gồm:

- Trợ cấp mai táng: 10 lần mức lương cơ sở.

- Trợ cấp tử tuất: Tùy từng trường hợp mà được hưởng trợ cấp tử tuất hàng tháng hoặc một lần.

Mức trợ cấp tử tuất hàng tháng đối với mỗi thân nhân là từ 50% – 70% mức lương cơ sở. Số thân nhân được hưởng trợ cấp tử tuất hằng tháng không quá 04 người.

Thống kê hết tháng 4, hơn 302.000 lao động rút bảo hiểm xã hội một lần. Người rút ngày càng trẻ hóa, phần lớn 20-30 tuổi và ngoài khu vực nhà nước. 97% người chọn rút một lần là lao động sau một năm nghỉ việc không đóng bảo hiểm xã hội.

Nếu tất toán bảo hiểm xã hội 1 lần, người lao động sẽ mất đi các quyền lợi đi kèm lương hưu này.

Có thể thấy, rút bảo hiểm xã hội 1 lần sẽ đem đến nhiều thiệt thòi cho người lao động, vì lợi ích trước mắt mà người lao động sẽ bỏ lỡ cơ hội được hưởng lương hưu để trang trải cuộc sống về già, cũng như được hưởng chế độ bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe khi về già.

Ngoài ra, nếu nhận BHXH một lần, sau này khi NLĐ tham gia lại BHXH sẽ không được cộng nối thời gian đóng BHXH, mà tính thành thời gian đóng BHXH mới. Dù khi nghỉ hưu vẫn đủ thời gian được hưởng lương hưu nhưng do thời gian đóng BHXH ít, nên số tiền lương hưu sẽ thấp, mất nguồn tài chính hỗ trợ và ổn định cuộc sống lâu dài khi bị suy giảm khả năng lao động, hết tuổi lao động.

Rút bảo hiểm xã hội 1 lần sớm, có nghĩa là bạn đã tách bản thân ra khỏi chính sách an sinh xã hội, mất đi nhiều quyền lợi và lợi ích trong tương lai. Về lâu dài rút BHXH 1 lần sẽ không có lợi cho người lao động. Vì thế, người lao động cần cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định có nên rút bảo hiểm 1 lần hay không.

Để hiểu hơn về pháp luật và các tình huống pháp lý phổ biến: Xem thêm các bài PHÁP LUẬT KHÔNG PHỨC TẠP.

Chia sẻ