Rút BHXH 1 lần là từ bỏ 5 quyền
Người rút BHXH 1 lần tức là đã từ bỏ 5 quyền: nhận lương hưu, vay tín dụng, tham gia BHYT miễn phí... cùng nhiều lợi ích an sinh xã hội khác.
Trẻ bỏ BHXH, già nuối tiếc
Theo số liệu từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm nay, hơn 665 nghìn người đã rút BHXH 1 lần, tức là trung bình hơn 110 nghìn người mỗi tháng đã rời khỏi lưới an sinh xã hội này.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ là hai khu vực có số người rút bảo hiểm xã hội một lần nhiều nhất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có đến hơn 90% số người lĩnh bảo hiểm xã hội một lần đã tiêu hết số tiền có được sau 5 tháng. Đến nay, nhiều người đã nuối tiếc vì rút BHXH một lần xong họ chưa có cơ hội quay lại với hệ thống an sinh xã hội.
Chị Trang từng theo phong trào rút BHXH một lần với 74 triệu đồng cho gần 10 năm làm việc. Nhưng khi bước vào tuổi ngoài 40, chị bắt đầu lo lắng cho mình khi về già không có lương hưu nên giờ đây chị đang đóng BHXH tự nguyện với mức 1,5 triệu đồng/tháng. Số tiền BHXH một lần đã lĩnh tính ra chỉ đủ cho chị đóng 4 năm BHXH tự nguyện. Đây là điều tiếc nuối lớn nhất của chị.
Ảnh minh họa.
Giữ người lao động ở lại lưới an sinh
Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), có 2 phương án án sửa đổi quy định về chế độ BHXH một lần với nhóm lao động sau 12 tháng nghỉ việc. Dự thảo Luật cũng quy định về thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu là 15 năm, so với 20 năm như quy định hiện hành.
Khi giảm thời gian đóng BHXH để được hưởng chế độ hưu trí, từ đó, hạn chế việc rút BHXH một lần. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cần tăng sự hấp dẫn của lương hưu để thu hút và giữ người lao động ở lại lưới an sinh này.
Mỗi tháng, trung binh có hơn 110.000 người đã rút BHXH 1 lần.
Sẽ có những thay đổi trong dự thảo Luật BHXH được Quốc hội xem xét trong kỳ họp đang diễn ra.
Kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam từng chia sẻ, Việt Nam là quốc gia duy nhất cho phép người tham gia rút khoản đóng góp vào bảo hiểm xã hội trước tuổi hưu. Có thể hiểu rằng mỗi người muốn rút bảo hiểm xã hội đều có những nhu cầu ngắn hạn và có lý do chính đáng khiến họ rút khoản đóng góp này.
Khi tuổi đời còn trẻ ai cũng nói lương hưu thấp nhưng khi về già có một khoản thu nhập ổn định hàng tháng sẽ giúp người cao tuổi sống an nhàn và tự chủ hơn. Chưa kể, việc rút BHXH 1 lần sẽ khiến người lao động mất đi cơ hội được tham gia bảo hiểm y tế miễn phí ..trong suốt thời gian hưởng lương hưu, không được hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe khi tuổi già, với mức được chi trả lên đến 95%. Việc rút bảo hiểm xã hội 1 lần là giải pháp tình thế, nhưng sẽ để lại hệ lụy lâu dài cho người lao động.
Dự thảo Luật BHXH sửa đổi sẽ được Quốc hội xem xét kỹ lưỡng trước khi thông qua góp phần tăng mức độ hấp dẫn của chính sách BHXH (trong đó có BHXH tự nguyện) người lao động sẽ có thêm động lực tiếp tục bảo lưu, tích lũy thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, góp phần bảo đảm an sinh xã hội bền vững cho người lao động.
Cùng lắng nghe trao đổi về vấn đề này với ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.