Điều đặc biệt về thương cảng đầu tiên của Việt Nam, nơi ngày nay là điểm nhấn của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

Minh Dương,
Chia sẻ

Là biểu tượng của sự gắn kết và khao khát vươn lên của người Việt, thương cảng Vân Đồn đã khắc ghi một thời kỳ thịnh vượng của nước nhà.

Thương cảng Vân Đồn từng là trung tâm giao thương lớn và quan trọng của Việt Nam tồn tại từ giữa thế kỷ XII đến thế kỷ XVIII. Thương cảng này đã đánh dấu một thời kỳ vinh quang và phát triển của đất nước. Từ nhiều thế kỷ trước, người Việt ta đã biết tận dụng vị trí địa lý độc đáo của Vân Đồn để xây dựng một cảng biển sầm uất, là nơi giao thương sôi động giữa Đông và Tây.

Thương cảng đầu tiên của Đại Việt

Nhìn về quá khứ, Vân Đồn từng là trung tâm của sự phát triển kinh tế và văn hóa. Với vị trí gần biển và rừng, việc hình thành con đường hải vận đã giúp việc thông thương trở nên thuận lợi và an toàn hơn nhiều so với đường bộ hiểm trở giữa rừng núi trập trùng ngày ấy.

Thương cảng Vân Đồn thời ấy không phải chỉ có một bến cảng mà bao gồm hệ thống các bến thuyền cổ phân bố trên các đảo ven bờ vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, kéo dài từ Quảng Yên đến Móng Cái.

Khi đó, người Việt ta hay người các nước muốn đến qua lại với phương Bắc và phương Nam bằng đường thuỷ đều phải qua Vân Đồn. Cuốn Lĩnh ngoại đại đáp của Chu Khứ Phi đời Tống có ghi: "Từ Châu Khâm đường đi hướng Tây - Nam một ngày đến Châu Vĩnh An, theo trại Đại Bàn (đảo Kế Bào ngày nay) tới Vĩnh Thái, Vạn Xuân (vùng Vạn Kiếp sông Lục Đầu), liền tới Thăng Long, thuyền đi mất 5 ngày"

Vì Vân Đồn có vị trí đắc địa như vậy, từ năm 1006, Duyên Biên An phủ sứ Thiệu Việp từng dâng vua Tống bản đồ hải vận từ Ung Châu đến Châu Giang với ý đồ "muốn lấy nước ta" - theo Đại Việt sử ký toàn thư.

Điều đặc biệt về thương cảng đầu tiên của nước Đại Việt, nơi ngày nay trở thành vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc - Ảnh 1.

Ảnh tư liệu

Đại Việt sử ký toàn thư viết, thương cảng Vân Đồn được thành lập vào năm 1149 dưới thời vua Lý Anh Tông. Thuyền buôn ba nước Trảo Oa, Xiêm La, Lộ Lạc khi xưa (nay là Indonesia, Thái Lan) tiến vào Hải Đông (Quảng Ninh ngày nay) xin ở lại buôn bán. Vua đã cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn, dùng làm nơi mua bán hàng hóa quý, dâng tiến sản vật địa phương. Mỗi khi "khách thương đến buôn bán, lớp này đến lớp khác đem đồ dâng cống" - Nguyễn Trãi toàn tập có ghi như vậy. Nơi này cũng từng được danh nhân Nguyễn Trãi tả lại vẻ đẹp rằng: 

"Lộ nhập Vân Đồn sơn phục sơn

Thiên khôi địa thiết phó kỳ quan"

(Đường tới Vân Đồn lắm núi non

Trời cao đất rộng, đúng kỳ quan - bản dịch của Lê Cao Phan)

Thời nhà Lý đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích ngoại thương nên giao thương thời kỳ này rất phát triển. Các sản vật tự nhiên được giao thương tại đây vô cùng phong phú, như trầm hương, ngọc trai, ngà voi, vỏ quế, sừng tê giác, vàng, bạc, đồng, diêm tiêu... Hàng hoá nhập từ nước ngoài vào là gấm vóc lụa là. Các hoạt động ngoại thương này chỉ do nhà nước đảm trách, người dân không được tham gia buôn bán với người nước ngoài.

Để bảo vệ an ninh quốc gia, tàu thuyền nước khác dù gần hay xa đã vào cảng đều phải neo ở Vân Đồn, không được tiến sâu vào nội địa. Còn người nước ngoài cũng chỉ được phép buôn bán ở một số địa điểm nhất định và chịu sự kiểm soát của nhà nước.

Đến thời nhà Trần, thương cảng Vân Đồn càng trở nên tấp nập khi thị trường hương liệu thế giới trở nên sôi động. Con đường hàng hải xuyên biển từ Trung Quốc đến Ai Cập hình thành đã thúc đẩy giao thương quốc tế phát triển mạnh hơn. Thương cảng Vân Đồn mở rộng thêm với nhiều nước như Nhật Bản, Mông Cổ, Philippines và châu Âu. Lúc bấy giờ, Vân Đồn trở thành thương cảng quan trọng nhất Đại Việt. 

Việc giao thương và trấn giữ Vân Đồn thời nhà Trần được giao cho các thân vương, trong đó có Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư. Thương cảng lúc ấy được dựng rào gỗ quanh nơi buôn bán và bãi biển xung yếu của đảo. Trần Khánh Dư lệnh cho quân lính tại Vân Đồn đội nón Ma Lôi (loại nón được sản xuất từ hương Ma Lôi, Hồng Lộ - nay thuộc Hải Dương) để phân biệt được quân Đại Việt, đồng thời ngăn chặn quân Trung Quốc trà trộn vào.

Đến thời Lê sơ, hoạt động giao thương của Vân Đồn đã có phần sụt giảm và kìm hãm do ảnh hưởng Nho giáo, triều đình ban hành Quốc triều hình luật có nhiều chính sách khắt khe với ngoại thương.

Thời nhà Mạc tiếp tục mở cửa thương mại nên hoạt động giao thương tại Vân Đồn hưng thịnh trở lại. Nhà Mạc cho xây dựng chùa và thành luỹ để phòng thủ. Thời Lê Trung hưng, giao thương tại thương cảng này vẫn được phát triển. Nhà Lê còn xây dựng thêm đình làng để làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh cho cư dân biển như đình Cống Cái, đình Cái Làng thuộc Quan Lạn. 

Cho đến cuối thế kỷ XVII, các thuyền buôn được vào sâu trong nội địa buôn bán, bến Nứa của Kẻ Chợ (Thăng Long), Phố Hiến (Hưng Yên), Hội An (Quảng Nam) đã vươn lên trở thành các trung tâm giao thương mới. Thương cảng Vân Đồn đã không còn giữ vai trò trung tâm thương mại kinh tế nữa. Đầu thế kỷ XIX, Vân Đồn cũng đi vào giai đoạn suy thoái và không còn hoạt động.

Dấu tích xưa còn lại gì?

Không chỉ có vị trí giao thương đặc biệt, Vân Đồn còn có vị thế độc đáo giữa dòng chảy lịch sử của Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng. Nơi đây xuất hiện chứng tích về nền văn hóa Hạ Long được phát hiện trên các đảo của vịnh Hạ Long cũng như dọc bờ biển từ Móng Cái đến Vân Đồn.

Di tích thương cảng Vân Đồn gồm các bến thuyền cổ trên phạm vi khoảng 200km2 trong vịnh Bái Tử Long, có các bến: Cống Đông, Cống Tây, Cái Làng, Cống Cái, Con Quy, Cống Hẹp thuộc các xã Thắng Lợi, Ngọc Vừng, Quan Lạn, Minh Châu của huyện đảo Vân Đồn.

Các dấu tích của thương cảng xưa do thay đổi của trầm tích và bồi lắng của biển cả nay chỉ còn lại hàng triệu mảnh sành sứ, nền cũ, tiền cổ trong lòng đất cạnh bờ vụng của các bến thuyền. Năm 2003, ở bến Cống Đông, Cống Tây (xã Thắng Lợi) và bến Cái Làng (xã Quan Lạn) được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia tại Quyết định số 59/2003/QĐ-BVHTT.

Điều đặc biệt về thương cảng đầu tiên của nước Đại Việt, nay trở thành vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc - Ảnh 2.

Ảnh: Viettour3mien

Vân Đồn của hiện tại

Thương cảng Vân Đồn xưa đã chứng kiến sự giao thoa của nhiều nền văn hóa, từ người Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ cho đến những thuyền buồm của các thương nhân từ các quốc gia châu Âu. Từ thương cảng có vị trí quan trọng bậc nhất Đại Việt đến khi lụi tàn, những di tích lịch sử ẩn sau những dãy đá và biển xanh ở Vân Đồn giờ đây là kho tàng vô giá, đưa chúng ta trở lại với quá khứ rực rỡ của mảnh đất này.

Vân Đồn của hiện tại đã nắm giữ vị trí chiến lược quan trọng đối với Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung. Vân Đồn nằm trong xếp hạng tăng trưởng nhanh, với quy hoạch phát triển vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ, tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và trong chuỗi đô thị quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng. 

Bên cạnh đó, huyện đảo Vân Đồn nằm trên đường trung chuyển khu vực Đông Á xuống Đông Nam Á, ASEAN - Trung Quốc, nằm trong kế hoạch hợp tác "Hai hành lang một vành đai" kinh tế Việt - Trung, hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore và khu vực hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng.

Được quy hoạch thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí, Vân Đồn là cửa ngõ giao thương quốc tế tạo ra những khác biệt hiện đại đồng thời nơi đây cũng là đô thị biển đảo xanh, thông minh và bền vững về an ninh - quốc phòng.

Điều đặc biệt về thương cảng đầu tiên của Việt Nam, nơi ngày nay là điểm nhấn của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ - Ảnh 3.

Từ những bến thuyền cổ, bãi triều đầy sú vẹt của thế kỷ XII, thương cảng xưa đã trở thành Cảng hàng không quốc tế có nhiều chuyến bay đi các nước. Năm 2022, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đi vào khai thác, hoàn thiện hành lang đường cao tốc Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN, tiếp tục khẳng định vị thế bứt phá của Vân Đồn trong định hướng phát triển của Quảng Ninh. Không chỉ là thương cảng sầm uất của quá khứ, Vân Đồn nay đã trở mình và mở lòng nối dài giao thương, mang lại nhiều giá trị kinh tế, văn hóa biển đặc sắc từ thời cha ông.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng vừa ký quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích lịch sử Quần thể Thương cảng Vân Đồn và di tích kiến trúc - nghệ thuật đình Trà Cổ, thuộc tỉnh Quảng Ninh. Tại quyết định, Phó Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có di tích được xếp hạng trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Thương cảng Vân Đồn xưa là biểu tượng của sự gắn kết và khao khát vươn lên của người Việt. Từ ngày hôm nay, những dấu vết của quá khứ huy hoàng ấy vẫn còn đọng mãi, là nguồn cảm hứng kiên cường cho thế hệ mai sau tiếp tục kế thừa, phát huy những giá trị cha ông để lại. Để sau này, câu chuyện về một thương cảng xưa đẹp đẽ, nơi con người tìm kiếm hạnh phúc và thịnh vượng, nối kết nền văn hóa đa dạng của thế giới vẫn được mỗi người dân Việt Nam nhớ về và tự hào.

Chia sẻ