Rụng trứng thất thường - nguyên nhân khó có con chị em cần coi chừng
Nếu bạn để cơ thể bị thiếu dinh dưỡng, các cơ quan này hoạt động sẽ kém đi, giảm hiệu quả sản xuất trứng cũng như chất lượng trứng, nên khó có con.
Thưa bác sĩ, em kết hôn hơn 2 năm chưa có em bé. 5 tháng gần đây em đi khám thì mới biết có tháng có rụng trứng, có tháng không (em phải theo dõi liên tục mới biết được). Sức khỏe của em hoàn toàn bình thường, không bị bệnh gì. Bác sĩ khám cho em nói chính vì em rụng trứng thất thường như vậy nên mới khó có con. Em muốn hỏi, tại sao em lại bị như vậy? Em nên làm gì để khắc phục? (Hoàng Dung)
Trả lời:
Bạn Hoàng Dung thân mến!
Đúng như bạn nói, sự rụng trứng đều đặn và chất lượng trứng đóng vai trò quan trọng trong việc thụ thai thành công. Nếu người phụ nữ có sức khỏe bình thường thì trung bình mỗi tháng có một quả trứng chín, rụng và rơi vào vòi trứng. Nếu "quan hệ" đúng thời điểm rụng trứng, khả năng tinh trùng gặp trứng sẽ cao hơn, nên tỉ lệ thụ thai cũng tăng.
Tuy nhiên, chất lượng trứng ở người phụ nữ cũng có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều nguyên nhân, bao gồm tình trạng sức khỏe thể chất, tinh thần... Các yếu tố này ảnh hưởng đến nội tiết tố trong cơ thể người phụ nữ mà nội tiết tố lại chi phối toàn bộ quá trình chín và rụng của trứng.
Chế độ ăn uống cũng có tác động đến cơ quan sinh sản và hoạt động của buồng trứng. Nếu bạn để cơ thể bị thiếu dinh dưỡng, các cơ quan này hoạt động sẽ kém đi, giảm hiệu quả sản xuất trứng cũng như chất lượng trứng nên chị em sẽ khó có con.
Bất cứ rắc rối nào ở buồng trứng (suy buồng trứng, buồng trứng có vách ngăn) hoặc sự rối loạn nội tiết cũng có thể ảnh hưởng tới chất lượng của trứng, thậm chí khiến trứng không rụng và chị em sẽ gặp khó khăn trong việc có con. Bạn chỉ có thể nhận biết chính xác trứng rụng hay không thông qua việc đi khám (soi trứng). Nếu bạn rơi vào hoàn cảnh rụng trứng thất thường thì rất có thể chất lượng trứng của bạn không tốt, vì vậy, bạn cần tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ thăm khám (bạn nên đi khám ở những bệnh viện, cơ sở y tế chuyên sản phụ khoa có uy tín). Bên cạnh đó, bạn nên hạn chế đồ uống có cồn, giảm lượng cà phê tiêu thụ, tránh ăn nhiều đường, bổ sung thực phẩm giàu sắt và kẽm, hạn chế tiêu thụ nhiều chất béo transfat, ăn nhiều rau củ quả... và giữ cho mình luôn khỏe mạnh, tránh bị các bệnh phụ khoa để đảm bảo chất lượng cũng như hoạt động của buồng trứng tốt hơn, tăng khả năng thụ thai thành công.
Chúc vợ chồng bạn sớm có em bé!
Nếu có thắc mắc muốn được giải đáp liên quan đến các vấn đề sức khỏe sinh sản, sức khỏe giới tính, tình dục... bạn có thể gửi câu hỏi về cho chúng tôi tại email:suckhoe@afamily.vn. |