Rợn người vụ án "Quỷ hoa hồng": Danh tính sát nhân 14 tuổi được giữ kín 18 năm lại được tiết lộ theo cách chẳng ai ngờ
"Chỉ khi tôi giết người, tôi mới được giải phóng khỏi sự thù hận triền miên mà tôi phải chịu đựng và tôi mới có thể đạt được hòa bình. Chỉ khi gieo nỗi đau cho người khác, tôi mới nguôi ngoai nỗi đau của chính mình", lời nhắn hung thủ để lại sau khi gây án.
Nếu đã từng có cơ hội tìm hiểu qua về những tội ác lớn và gây chấn động đất nước Nhật Bản, chắc hẳn bạn không còn lạ lẫm với câu chuyện về một tên sát nhân vị thành niên, phân xác rồi treo phần thi thể của một cậu bé tiểu học bên ngoài trường học. Tuy nhiên, không dừng lại ở việc giết người, thủ phạm còn đặt một mảnh giấy vào miệng cậu bé đã chết như một lời thách thức.
"Đây chỉ là phần khởi đầu của trò chơi, các anh cảnh sát hãy ngăn tôi lại nếu có thể. Tôi rất muốn thấy nhiều người phải chết". Bên cạnh những dòng chữ đầy thách thức, kẻ giết người còn sử dụng biểu tượng hình chữ thập gợi nhớ đến phong cách giết người của "sát nhân cung Hoàng đạo" ở San Francisco, Mỹ vào cuối những năm 1960. Ngoài ra, xác hai con mèo không toàn vẹn cũng được tìm thấy tại hiện trường vụ án xảy ra.
Tội ác xảy ra ở Kobe, Nhật Bản vào năm 1997 đã cướp đi sinh mạng của cả Jun Hase, 11 tuổi, nạn nhân bị phân xác và Ayaka Yamashita, 10 tuổi, cũng là nạn nhân của tên sát nhân 14 tuổi tự gọi mình là Seito Sakakibara (tạm dịch là Tông đồ của Quỷ hoa hồng). Tên thật của thủ phạm đã không được tiết lộ vì luật pháp Nhật Bản bảo vệ danh tính đối với tội phạm vị thành niên. Các tài liệu pháp lý gọi kẻ sát nhân là "cậu bé A".
Tại sao hắn ta lại giết cậu bé Jun Hase một cách tàn bạo như vậy và tại sao hắn ta lại muốn cảnh sát và truyền thông chú ý đến vậy?
Vào ngày 27/5/1997, thi thể của Jun Hase, học sinh trường tiểu học Tainohata được tìm thấy trước cổng trường. Hase bị kẻ giết người ra tay quá sức tàn bạo khi thi thể không còn nguyên vẹn. Ngày 6/6, một lá thư được gửi đến tòa soạn báo Kobe Shimbun, trong đó Sakakibara một lần nữa thách thức cảnh sát khi đe dọa sẽ giết thêm 3 người mỗi tuần. Trong cơn hoảng loạn, truyền thông Nhật Bản ban đầu đã gọi nhầm cái tên "Sakakibara" thành "Onibara" – "Quỷ hoa hồng". Bực mình vì điều này, Sakakibara tiếp tục gửi đến những thông điệp mới, đe dọa nếu còn gọi nhầm tên, hắn sẽ còn giết thêm nhiều người nữa.
Những tưởng rằng, Sakakibara là một tên sát nhân trưởng thành quẫn trí, điên loạn nào đó, nhưng Nhật Bản một lần nữa rúng động khi kẻ coi sinh mạng như trò chơi kia hóa ra chỉ là một đứa trẻ vị thành niên. Một nghi phạm là học sinh trung học 14 tuổi đã bị bắt ngay sau đó, được cảnh sát gọi tên là "cậu bé A". Đứa trẻ này thú nhận đã sát hại Ayaka Yamashita, 10 tuổi vào ngày 16/3, cũng như tấn công 3 bé gái khác vào cùng khoảng thời gian.
Giải mã tội phạm
Đi tìm nguyên nhân khiến Sakakibara sát hại trẻ em một cách dã man như vậy, các chuyên gia nhận thấy rằng hồ sơ tính cách của thiếu niên 14 tuổi này là một trường hợp điển hình của hội chứng "hikikomori" – tự giam cầm trong phòng, không giao tiếp với bất kỳ ai và nảy sinh những suy nghĩ lệch lạc.
Trong một phân tích về vụ án, nhà báo Gamal Nkrumah đã viết: "Điều tồi tệ nhất về vụ án Sakakibara là người ta có thể đã ngăn chặn được nó. Tuy nhiên, cả gia đình thủ phạm cũng như Nhật Bản không chú ý đến những dấu hiệu báo trước. Trẻ em Nhật Bản phải đối mặt với một kỳ thi cực kỳ khó khăn ở tuổi lên 6. Thành tích vào một trường tiểu học tốt sẽ quyết định toàn bộ tương lai của chúng".
Cha mẹ của Sakakibara cũng không ngoại lệ. Họ gây áp lực cho đứa con đầu lòng của mình phải trở thành học sinh xuất sắc ở trường, mặc dù chuyên gia cảnh báo rằng Sakakibara không ổn định về mặt tinh thần. Sakakibara thường xuyên hành hạ và giết hại động vật như một "sở thích". Từ động vật, đứa trẻ này bắt đầu tấn công các bé gái trên đường đến trường.
Ngoài góc độ "hikikomori", các nhà phân tích và nhà tâm lý học đã tìm thấy một số điểm tương đồng đáng lo ngại giữa Sakakibara với kẻ giết người hàng loạt Tsutomu Miyazaki. Giống như "sát nhân Otaku" năm 1989, Sakakibara rõ ràng đã hướng đến con đường bạo lực ngay từ đầu. Sakakibara mang theo vũ khí từ khi còn học tiểu học. Năm 12 tuổi, Sakakibara thể hiện sự tàn nhẫn với động vật như cắt xén xác mèo và giết bồ câu.
Sau cuộc tấn công bé gái ngày 16/3, Sakakibara viết trong nhật ký của mình rằng, "bản thân đã thực hiện các thí nghiệm thiêng liêng để xác nhận con người mong manh đến nhường nào". Ngoài ra, cảnh sát cũng tìm thấy trong phòng của Sakakibara hàng ngàn tập truyện tranh và các video, phim hoạt hình, khiêu dâm, khiến cho giới chính trị nước Nhật phải kêu gọi hạn chế văn hóa phẩm người lớn.
Hậu quả
Ở Nhật Bản vào thời điểm đó, người dưới 16 tuổi không thể bị buộc tội như người trưởng thành và được bảo vệ danh tính. Chính vì vậy, Sakakibara hay "cậu bé A" không phải chịu bất kỳ bản án nào và được gửi đến trường giáo dưỡng đặc biệt dành cho những người phạm tội vị thành niên ở Fuchu, phía Tây Tokyo, vào tháng 10/1997 để được tư vấn và điều trị tâm thần.
Cách xử lý một kẻ giết người điên loạn ở tuổi vị thành niên đã gây ra những tranh cãi ở Nhật Bản. Trong khi luật sư bào chữa của "cậu bé A" đề nghị dư luận không nên làm ầm ĩ sự việc vì điều đó khiến cho đứa trẻ này khó tái hòa nhập với xã hội. Trong khi đó, gia đình của các nạn nhân đã hối thúc Chính phủ cung cấp cho họ thông tin về hung thủ. Một số người thân của nạn nhân đặt câu hỏi rằng liệu đứa trẻ sát nhân kia có thực sự biết hối lỗi hay không. Năm 2000, trường hợp của Sakakibara đã khiến Nhật Bản phải hạ tuổi chịu trách nhiệm hình sự từ 16 xuống 14.
Trong một động thái bất ngờ vào ngày 11/3/2004, Bộ Tư pháp Nhật Bản tuyên bố, Sakakibara, 21 tuổi, sẽ được trả tự do sau 6 năm quản thúc ở trường giáo dưỡng. Dư luận ngay lập tức dấy lên sự lo ngại khi một kẻ giết người như Sakakibara được tự do ngoài xã hội. Nhiều ý kiến đã đề nghị "cậu bé A" này khi đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự cần được chuyển đến nhà tù.
Trước một phần sức ép của dư luận, cũng như tính chất cực đoan của tội ác, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện một số biện pháp giám sát nghiêm ngặt. Việc trả tự do cho Sakakibara đã được công bố công khai cho công chúng và gia đình của nạn nhân sẽ được thông báo định kỳ về nơi ở của kẻ sát nhân này.
Tuy nhiên, quá trình giám sát "cậu bé A" chỉ kéo dài đến ngày 31/12/2004. Ngay sau khi không còn phải báo cáo tình hình với người giám sát, Sakakibara chuyển nơi ở hai lần liên tiếp và sau đó không còn ai biết tung tích hắn ở đâu. Với danh tính giấu kín, Sakakibara sống cuộc đời ẩn dật trong sự lo sợ của người dân Nhật Bản.
Vào tháng 6/2015, Sakakibara, khi đó 32 tuổi, đã bất ngờ phát hành một cuốn tự truyện có tựa đề Zekka (Khúc ca tuyệt vọng), bày tỏ sự hối tiếc về tội ác của mình và kể lại các vụ giết người một cách chi tiết. Bất chấp nỗ lực của gia đình nạn nhân nhằm ngăn chặn việc phát hành, cũng như một chuỗi cửa hàng sách lớn đã từ chối đưa lên kệ, cuốn sách vẫn nhanh chóng lọt vào danh sách bán chạy nhất của Nhật Bản.
Một lần nữa, cái tên Sakakibara năm xưa lại trở thành đề tài gây hoang mang. Bất bình trước điều này, tờ báo Shukan Post đã công khai tên thật của Sakakibara là Shinichiro Azuma, cũng như nghề nghiệp, chỗ ở của hắn cho công chúng Nhật Bản. Shinichiro Azuma có thể không bị trừng phạt vì tội ác của mình nhưng cuộc sống của hắn sau này cũng sẽ không thể bình yên.
(Nguồn tổng hợp)