Rơi nước mắt cảnh mẹ già đi xin cơm từng bữa nuôi 2 con tâm thần cùng người chồng mù bệnh tật
Sinh ra 4 người con thì cả 4 đều mắc bệnh tâm thần, dù đã hơn 30 tuổi nhưng vẫn ngây dại như đứa trẻ khiến cuộc sống của bà Nguyễn Thị Thương (63 tuổi) chưa lúc nào bớt khổ. Từ khi đứa con gái chết đi, người chồng cũng hóa mù buộc bà phải gửi một đứa con tâm thần nhẹ cho người thân nuôi hộ.
"Có khùng điên cũng là con mình, sao mà bỏ được"
Nhiều năm nay, người dân ở phường 1, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh không còn xa lạ với hình ảnh một người đàn bà lớn tuổi, suốt ngày quần quật chăm sóc, tắm rửa cho hai đứa con khờ cùng người chồng già bệnh tật.
Bà Thương hiện đang sinh sống, chăm sóc cho hai người con tâm thần nặng tại TP Trà Vinh.
Mọi hoạt động ăn uống, tắm rửa của các con đều do bà Thương lo lắng.
Căn nhà tình thương được dựng tạm bợ trong con hẻm nhỏ thuộc Khóm 2 là nơi sinh sống của 4 người nhà bà Thương.
Loay hoay chuẩn bị bữa cơm chiều, bà Thương bới ra những tô cơm nhỏ, lần lượt đút cho hai con trai rồi đến chồng của mình. Vì mắc phải chứng bệnh tâm thần bẩm sinh nên cả hai người con của bà Thương chỉ biết ú ớ, cười nói suốt ngày, đến cả việc vệ sinh cũng không ý thức được.
Ngồi trên chiếc giường tre ọp ẹp, bà Thương vừa dỗ ngọt, đút cơm cho anh Quách Hồng Nam (32 tuổi) vừa cười đùa với anh Quách Hồng Danh (38 tuổi). Cách đó vài bước chân, ông Quách Hồng Lộc (68 tuổi, chồng bà Thương) nhíu đôi mắt không thấy đường, cố sờ soạng tìm đến hai đứa con như muốn phụ bà Thương chăm sóc.
Anh Nam đã 32 tuổi nhưng không nhận thức được chuyện gì.
Vẻ mặt ngây ngô, đau đớn của đứa con trai út bị tâm thần nặng của bà Thương.
Khẽ quệt những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má, bà Thương cho biết, sau khi kết hôn với ông Lộc, cuộc sống của hai vợ chồng sum vầy hạnh phúc khi lần lượt đón những đứa con chào đời. Trớ trêu thay, cả 4 người con của ông bà đều mắc phải chứng bệnh tâm thần, càng lớn bệnh càng nặng, suốt ngày chỉ biết la hét, quậy phá khắp nơi.
Nuốt nước mắt ngược vào lòng, hai vợ chồng bà Thương vẫn gắng gượng đi làm thuê, cuốc mướn để lo cho các con. Bà thì đi rửa chén, gánh nước thuê, ông thì ai kêu gì làm nấy, tằn tiện để 4 đứa con khờ có đủ cơm ngày ba bữa.
Vài năm trở lại đây, ông Lộc chồng bà Thương cũng bị mù khiến cuộc sống gia đình rơi vào bế tắc.
Chồng bệnh, con đau, tất cả gánh nặng đều đổ dồn lên đôi vai bà Thương.
"Có ai ngờ đâu ổng phát bệnh, đôi mắt hóa mù từ mấy năm nay, con Đào (31 tuổi, con gái bà Thương) vì không có tiền chữa bệnh nên cũng qua đời. Lúc đó bà chỉ muốn mua một liều thuốc để uống rồi chết cùng chồng con", bà Thương bật khóc.
Siết chặt đôi bàn tay của anh Nam, bà Thương kể tiếp: "Nhìn thấy 3 đứa con khờ đói ăn, chồng thì bệnh tật, vì không đủ gạo nấu cơm mỗi ngày nên bà phải gởi anh Quách Hùng (36 tuổi, tâm thần nhẹ) cho người thân nuôi hộ. Bà đau lòng lắm, không muốn xa con đâu nhưng biết tính sao bây giờ".
Anh Nam siết chặt lấy tay mẹ, âu yếm không muốn rời.
Bà Thương cho biết bình thường anh Nam rất ngoan, chỉ khi lên cơn mới la hét, quậy phá.
Sau khi ông Lộc ngã bệnh, một mình vừa làm mẹ, vừa làm cha, lại phải săn sóc chồng khiến bà Thương chưa giây phút nào ngơi nghỉ. Nhiều lúc chán nản, muốn bỏ cuộc, nghĩ đến chồng con bà Thương lại tự động viên mình cố gắng.
"Tụi nó khùng điên chứ có biết gì đâu mà mình hông thương. Con có điên, có dại cũng là con mình, sao mà bà bỏ được", bà Thương nghẹn ngào nói.
Con khờ la hét, quậy mẹ vì đói ăn
Ngồi cạnh hai đứa con khờ trong lúc bà Thương đi nhận thức ăn được hàng xóm cho, khẽ xoa đầu con, ông Lộc tâm sự: "Mấy năm nay ông bị mù, không thấy gì cả, đến cả ăn uống, đi vệ sinh cũng phải nhờ bà chăm sóc. Ông thương bà lắm mà không biết làm sao cả, bệnh ông ngày một nặng, chỉ mong có thể sớm chết đi để bà đỡ khổ".
Ông Lộc thương vợ, thương con nhưng chẳng biết làm sao để phụ giúp khi ông đã mù, sức khỏe lại giảm sút.
Anh Danh hay đi lang thang khắp nơi, bà Thương nhiều lúc phải vất vả đi tìm.
Từ phía ngoài đầu ngõ, nghe tiếng bước chân của bà Thương, anh Nam và anh Danh vội ú ớ, la hét thể hiện sự vui mừng. Bỏ vội bịch đồ ăn xuống bếp, bà Thương chạy đến bên hai người con, vừa ôm, vừa hun hít khắp người.
Múa đôi tay chệnh choạng, anh Nam vừa cười với mẹ, vừa ngơ ngác lắng nghe tiếng ú ớ của người anh cả. Chốc chốc, hai anh em lại phá lên cười ngây dại rồi bi bô từng tiếng như trẻ lên ba.
Theo bà Thương, từ nhỏ hai người con đã không được bình thường, anh Danh thì bị đao bẩm sinh, hay đi lang thang khắp xóm, có lần đi lạc mấy ngày bà phải nhờ người đi kiếm về. Riêng anh Nam trầm tính, vừa bệnh đao vừa tự kỷ, lúc nào giận lên thì la hét, quậy phá mẹ.
Đôi bàn tay bị bong tróc da do liên tục tắm rửa, dọn dẹp nhà cửa của bà Thương.
Hai cha con anh Nam ngồi trò chuyện với nhau trong căn nhà tình thương được xây tặng.
"Mấy lần nhà hết gạo, cơm nấu không đủ ăn, thằng Nam lại la hét, giận dỗi ghê lắm. Bà buồn lắm, làm mẹ mà không lo được cho con một bữa cơm đàng hoàng", bà Thương bật khóc.
Theo bà Thương, ngoài số tiền trợ cấp hơn 1 triệu đồng của hai đứa con bệnh tật, lúc trước bà còn khỏe thì bà đi rửa chén, gánh nước thuê cho các quán ăn. Mấy năm trở lại đây, bà mắc bệnh tuổi già, ông Lộc lại mù lòa, bà phải nghỉ ở nhà để chăm sóc cho chồng con nên cuộc sống càng thêm chồng chất khó khăn.
Dù con bị bệnh nhưng được nhìn thấy con sống khỏe mỗi ngày là niềm hạnh phúc to lớn với bà Thương.
Hai mẹ con âu yếm bên nhau.
"Mình nghèo khổ, có được cơm ăn đã mừng, đâu cần ăn ngon đâu, đồ đạc quần áo của cả nhà đều được bà con ở đây thương tình cho cả. Chỉ sợ đến một ngày bà nằm xuống, không biết hai đứa con khờ sẽ sống ra sao", bà Thương ngấn nước mắt.
Thấy gia đình bà Thương khổ cực, người dân xung quanh cũng thường xuyên lui tới, lâu lâu lại cho lon gạo, mớ rau và khuyên đưa hai người con vào bệnh viện tâm thần cho đỡ cực nhưng bà không nỡ.
"Nó là con của bà, sao nỡ đưa nó vào trại cơ chứ. Bà còn sống ngày nào thì bà phải chăm sóc cho tụi nó. Giờ chỉ cần xa tụi nó một ngày là bà không chịu nổi. Bà tính khi mà mình chết đi sẽ đưa chồng con theo cùng, chỉ mong lúc còn sống, gia đình không còn đói ăn, thiếu mặc là bà mừng lắm rồi", bà Thương xúc động nói.
Anh Danh đã 38 tuổi nhưng chỉ biết cười nói, ú ớ cả ngày.
Hi vọng gia đình bà Thương sẽ được mọi người quan tâm, giúp đỡ.
Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà Thương khi một mình bà phải chăm sóc cho hai người con tâm thần cùng người chồng bệnh tật. Chúng tôi tha thiết kêu gọi quý độc giả gần xa quan tâm, ủng hộ để gia đình bà có đủ cơm ngày ba bữa, ông Lộc được điều trị bệnh của mình.
Mọi đóng góp xin vui lòng liên lạc số điện thoại bà Thương: 0962614526.
Hoặc thông qua số tài khoản ngân hàng BIDV: 73510000561716.
Chủ tài khoản: Nguyễn Thị Thương, chi nhánh ngân hàng BIDV tỉnh Trà Vinh.
Xin chân thành cảm ơn!