Gánh nặng cuộc đời của cựu thanh niên xung phong, gần 70 vẫn phu gạch nuôi chồng khuyết tật, 2 con tâm thần

Nhã Hoàng,
Chia sẻ

Gần 70 tuổi nhưng bà Biền là lao động duy nhất trong gia đình, hàng ngày phu gạch kiếm tiền nuôi chồng câm điếc, mất sức lao động, hai đứa con mắc bệnh tâm thần trong cảnh thiếu thốn đủ bề.

Gánh nặng cuộc đời

11 giờ trưa, khi mọi người đã kết thúc công việc, chuẩn bị cơm trưa thì bà Hồ Thị Biền (67 tuổi, ngụ thôn 11, xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) vẫn đang tất bật với công việc phu gạch (táp lô). Đôi tay già nua, chai sạm của bà thoăn thoắt bê gạch từ bãi lên chiếc xe tải, để mặc mồ hôi ướt đẫm vạt áo sờn.

Gánh nặng cuộc đời của cựu thanh niên xung phong, gần 70 vẫn phu gạch nuôi chồng khuyết tật, 2 con tâm thần - Ảnh 1.

Gần 70 tuổi nhưng bà Biền là lao động duy nhất trong gia đình, hàng ngày phu gạch kiếm tiền nuôi chồng con.

Chiếc xe tải đã chất đầy gạch, bà Biền nhận được 10 nghìn tiền công. Bà nhét tiền cẩn thận vào túi quần rồi tất bật trở về nhà chuẩn bị cơm trưa cho người chồng câm điếc, mất sức lao động cùng hai đứa con bị tâm thần.

Gánh nặng cuộc đời của cựu thanh niên xung phong, gần 70 vẫn phu gạch nuôi chồng khuyết tật, 2 con tâm thần - Ảnh 2.

Bà Biền bên chồng con.

Bà Biền kể, ở cái tuổi đẹp nhất của thời con gái, bà phải sống trong cảnh bom đạn ác liệt của chiến tranh. Khi các thôn nữ khác theo nhau lấy chồng thì bà lại tham gia thanh niên xung phong tại chiến trường Quảng Bình với nhiệm vụ mở đường, vận chuyển lương thực thực phẩm cho tiền tuyến.

Ngày về, bà đã thành gái quá lứa lỡ thì. Qua mai mối, bà chấp nhận cùng ông Lê Văn Thành (68 tuổi, ngụ cùng địa phương), bị câm điếc bẩm sinh, mất sức lao động nên duyên vợ chồng.

Gánh nặng cuộc đời của cựu thanh niên xung phong, gần 70 vẫn phu gạch nuôi chồng khuyết tật, 2 con tâm thần - Ảnh 3.

Ông Thành bị câm điếc bẩm sinh, mất sức lao động.

Họ có với nhau 6 người con (3 trai, 3 gái) thì 2 người con trai là Lê Văn Cư (38 tuổi) và Lê Văn Đào (28 tuổi) bị tâm thần ngay từ nhỏ. Cô con gái thứ 5 là Lê Thị Hồng (SN 1988) không may bị đuối nước khi nhảy xuống sông cứu hai đứa nhỏ bị nước cuốn trôi.

Gánh nặng cuộc đời của cựu thanh niên xung phong, gần 70 vẫn phu gạch nuôi chồng khuyết tật, 2 con tâm thần - Ảnh 4.

Anh Cư bị tâm thần nặng, bỏ đi lang thang khắp nơi.

Gánh nặng cuộc đời của cựu thanh niên xung phong, gần 70 vẫn phu gạch nuôi chồng khuyết tật, 2 con tâm thần - Ảnh 5.

Anh Đào cùng bị tâm thần ngay từ lúc còn nhỏ, những lúc phát bệnh thường nói nhảm, tự cào cấu cơ thể mình.

"8 năm trước, trong một lần đi cắt rau cho lợn, con Hồng phát hiện có hai đứa trẻ hàng xóm đang chới với dưới sông. Dù không biết bơi nhưng con tôi vẫn liều mình nhảy xuống cứu.

Chiều cùng ngày, người dân phát hiện thi thể con gái tôi và hai đứa trẻ nổi trên ao", bà Biền kể lại trong nước mắt.

3 người con còn lại của bà Biền lần lượt yên bề gia thất nhưng đều khó khăn, vất vả. Căn nhà nhỏ chỉ còn lại vợ chồng bà cùng hai người con trai có lớn nhưng không có khôn.

"Tôi chẳng sợ gì, chỉ sợ chết"

Dù gần 70 tuổi nhưng bà Biền là lao động duy nhất trong gia đình, vừa chăm sóc chồng và hai đứa con điên dại, vừa thờ phụng liệt si Lê Văn Trung (chú ruột của chồng) đã anh dũng hi sinh tại chiến trường.

Ngày còn sức khỏe, bà vẫn bươn chải ruộng đồng, làm thuê làm mướn khắp nơi. Nay già yếu, chẳng ai chịu thuê nữa, bà lại gắn bó với nghề phu gạch.

Ngày hai buổi, bà cùng một số người khác trực ở một số cơ sở sản xuất gạch, đợi xe tải đến rồi bốc gạch từ bãi lên xe. Số tiền công được chia đều cho những người phu gạch.

Bình quân mỗi ngày may mắn lắm bà cũng kiếm được 40 nghìn đồng tiền công, đủ để bà trang trải thức ăn, cuộc sống hàng ngày một cách tằn tiện.

Trong căn nhà xuống cấp trầm trọng của bà chẳng có gì giá trị ngoài những tấm huy chương của nhà nước trao tặng, được bà treo ngay ngắn trên tường.

Gánh nặng cuộc đời của cựu thanh niên xung phong, gần 70 vẫn phu gạch nuôi chồng khuyết tật, 2 con tâm thần - Ảnh 6.

Ngoài chăm sóc chồng con bệnh tật, bà Biền còn thờ phụng người chú là liệt sĩ.

Gánh nặng cuộc đời của cựu thanh niên xung phong, gần 70 vẫn phu gạch nuôi chồng khuyết tật, 2 con tâm thần - Ảnh 7.

. Trong nhà bà Biền không có gì đáng giá ngoài những tấm huy chương kháng chiến nhà nước trao tặng cho bà.

Nhắc đến hai con trai mắc bệnh tâm thần của mình, bà Biền lại thở dài buồn bã. "Thằng Cư bệnh nặng, bỏ đi lang bạt khắp nơi, bạ đâu ngủ đấy, có khi dăm bữa, nửa tháng mới tìm đường về. Cũng không ít lần công an từ khắp nơi như Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Trị điện thoại cho tôi bảo vào đưa con về. Những đồng tiền chắt chiu dự định sửa lại căn nhà đã dột nát cứ thế lần lượt đội nón ra đi sau những lần lặn lội tìm con.

Những lúc phát bệnh, nó thường la hét, xé rách quần áo, tự cào xé cơ thể mình đến chảy máu mới thôi".

Gánh nặng cuộc đời của cựu thanh niên xung phong, gần 70 vẫn phu gạch nuôi chồng khuyết tật, 2 con tâm thần - Ảnh 8.

Bà Biền trải lòng về cuộc đời bất hạnh của gia đình.

Anh Đào bị bệnh nhẹ hơn nhưng hàng ngày cũng chỉ quay quẩn quanh nhà. Những lúc bệnh tái phát thì nói nhảm, chửi bới lung tung, cào cấu cơ thể. Hiện hai người con trai của bà đang được hưởng trợ cấp xã hội hơn 400 nghìn đồng/ tháng.

Gánh nặng cuộc đời của cựu thanh niên xung phong, gần 70 vẫn phu gạch nuôi chồng khuyết tật, 2 con tâm thần - Ảnh 9.

Gia đình bà Biền thuộc hộ nghèo triền miên của xã.

Gánh nặng cuộc đời của cựu thanh niên xung phong, gần 70 vẫn phu gạch nuôi chồng khuyết tật, 2 con tâm thần - Ảnh 10.

Căn nhà xuống cấp trầm trọng của bà Biền.

Vật lộn với cuộc sống mưu sinh khiến bà Biền không có thời gian để than thở về cuộc đời. Thế nhưng, khi nhắc đến tương lai mịt mù của hai người con trai, lòng bà lại nặng trĩu.

"Tôi không sợ gì, chỉ sợ chết. Tôi mà chết rồi chồng con sẽ sống như thế nào đây? Chỉ mong ông trời thương tình cho tôi được sống khỏe mạnh để rau cháo qua ngày chăm sóc chồng con", bà Biền trải lòng trong nước mắt.

Mọi giúp đỡ cho gia đình bà Biền xin vui lòng gửi về địa chỉ: Bà Hồ Thị Biền, (thôn 11, xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), hoặc STK bà Biền: 3624205219826, ngân hàng Agribank, chi nhánh Hoàng Mai- Nghệ An, ĐT: 0389667739.


Chia sẻ