Rối loạn tình dục nữ: bệnh của nhiều loại bệnh

Theo PNO,
Chia sẻ

Nguyễn Thị H. H. (28 tuổi, Q.3, TP.HCM) lập gia đình đã ba tháng nay, nhưng mỗi khi quan hệ với chồng, cô đều cảm thấy như cực hình, nên luôn tìm mọi cách tránh né. H. là một trong số nhiều phụ nữ bị rối loạn tình dục (RLTD).

Âm thầm chịu đựng

Tương tự trường hợp của chị H. sợ “gần chồng”, hơn một năm nay, chị Trần H. L. (35 tuổi, H. Hóc Môn) không màng đến chuyện vợ chồng, dù cả hai rất thương yêu nhau. L. từng bị quấy rối tình dục từ bé, nên mỗi khi được chồng âu yếm, những ám ảnh trong quá khứ lại hiện về khiến chị cảm thấy không thoải mái. Chị Lê Thị T. (30 tuổi, Q.1) sau sinh tám tháng vẫn không thể quan hệ vợ chồng, vì luôn căng thẳng với nỗi lo sợ rách vết may tầng sinh môn.

Theo các bác sĩ, RLTD nữ hiện ngày càng phổ biến ở người trẻ, nhưng chưa được quan tâm, phần nhiều bệnh nhân (BN) cứ âm thầm chịu đựng. BS Ngô Thị Yên, phụ trách Đơn vị Tư vấn tình dục (BV Từ Dũ) phân tích: đối với một số phụ nữ, các chấn thương từ lúc nhỏ như bị bạo hành, hiếp dâm có thể là nguyên nhân ảnh hưởng đến đời sống tình dục hiện tại. Ngoài ra, những vấn đề liên quan trong cuộc sống hôn nhân hay các mối quan hệ gia đình, xã hội cũng tác động không nhỏ đến đời sống tình dục của phụ nữ. Đặc biệt, sau sinh, các bà vợ thường bị RLTD. BS Yên cho biết: “Thực tế có một số bà mẹ sau khi sinh, cứ muốn dành trọn tình thương yêu cho con, nên chồng bị “ra rìa”, cũng có nhiều phụ nữ tự ti về vóc dáng sau khi sinh nên không còn ham muốn chuyện gối chăn”.

Bệnh nhân rối loạn tình dục cần đi khám sớm để có thể phát hiện những bệnh lý kèm theo (ảnh: Các bệnh nhân tư vấn tại BV Từ Dũ)


Ngoài những yếu tố tâm lý, các chuyên gia còn cho rằng, người chồng “yếu” cũng là một trong những nguyên nhân gây RLTD nữ. Nhiều bà vợ tìm đến Đơn vị Tư vấn tình dục than phiền “ổng mau quá, chưa gì đã xong, thà không có còn hơn, riết đâm chán”. Những ông chồng chưa gì đã xin “hưu” sớm, ngại gần vợ, chỉ thích lai rai với bạn bè, trồng hoa, nuôi cá, mê xem đá banh… lâu ngày cũng dẫn tới hậu quả bị vợ… ngại gần. Do vậy, theo các bác sĩ, song song với việc điều trị người vợ giảm ham muốn cũng cần phải xem lại “chất lượng” của người chồng.

BV Từ Dũ đã triển khai Đơn vị Tư vấn tình dục từ năm 2008 và số lượng khách hàng đến tư vấn ngày càng tăng, từ vài chục người (năm 2008) đến nay là hàng trăm khách mỗi năm. Theo một thống kê gần đây của TS-BS Lê Thị Thu Hà, Phó khoa Sản A (BV Từ Dũ): giảm ham muốn là dạng RLTD hay gặp nhất. Theo nhiều ghi nhận ở nước ngoài, tới 38% phụ nữ than phiền chán chuyện gối chăn. Tại Việt Nam, tỷ lệ này khoảng 43%.

Nên khám sớm để phát hiện các bệnh lý liên quan

Vì âm thầm chịu đựng RLTD nên nhiều phụ nữ không biết mình đã “sống chung” với những bệnh lý khác trong một thời gian dài. BS Lâm Văn Hoàng - Phó khoa Nội tiết (BV Chợ Rẫy), kể: “Không ít trường hợp BN nữ đến khám chỉ vì cảm thấy mệt mỏi, lừ đừ, da xanh xao, rụng lông tóc… nhưng qua khai thác tiền sử bệnh, gần 90% BN đều có vấn đề về RLTD trước đó rất lâu”. Theo BS Hoàng, BN nữ sinh nhiều con, bị băng huyết khi sinh hoặc đờ tử cung, vỡ tử cung, nhau cài răng lược… thường dẫn đến suy tuyến yên do thiếu máu sau này, hay còn gọi là hội chứng Sheehan. Biểu hiện của hội chứng này có thể nặng do suy cùng lúc tuyến giáp, tuyến thượng thận, tuyến sinh dục. Tuy nhiên, hầu hết triệu chứng thường rất âm thầm, ít được chú ý. Biểu hiện ban đầu của những BN bị suy tuyến yên thường là lãnh cảm, suy giảm ham muốn tình dục. Tình trạng này có thể kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm, cho đến khi BN đi khám vì người mệt, chậm chạp, không tập trung, giảm trí nhớ, phản ứng chậm, tăng cân... mới tìm ra bệnh.

Các bệnh lý có thể gây ra RLTD nữ cần lưu ý là viêm nhiễm âm đạo, âm hộ, phần phụ, mãn kinh, sẹo cắt tầng sinh môn… Viêm âm vật - âm hộ - âm đạo cũng là nguyên nhân thường gặp gây giảm ham muốn. Ngứa, rát, huyết trắng nhiều, hôi… ngoài việc gây khó chịu, đau đớn cho phụ nữ khi giao hợp còn gây tâm lý ngại ngùng, thiếu tự tin. Sa niêm mạc âm đạo hoặc sa tạng vùng chậu gây cản trở và giảm ham muốn đáng kể trong quan hệ tình dục.

Theo TS - BS Lê Thị Thu Hà, những biểu hiện của RLTD cần phải đến bệnh viện để khám sớm như: giao hợp đau, không hứng thú khi quan hệ hoặc cảm giác “sợ” chồng; thấy có huyết trắng, tiểu khó, sa thành âm đạo. Một trong những sai lầm là các bà vợ thường hay lấy nhiều lý do khác nhau để thoái thác việc quan hệ. Thậm chí, nhiều người còn tìm đủ cách để “trốn” chồng. Nhiều trường hợp đến khám quá muộn sẽ khó khăn cho việc tư vấn điều trị và đôi khi đã dẫn đến những ảnh hưởng nặng nề trong quan hệ vợ chồng, gây hậu quả đáng tiếc.

BS Lâm Văn Hoàng cảnh báo, sau sinh, nếu sản phụ bị mất kinh, thiểu kinh hoặc không có sữa cho con bú, phải được khám và theo dõi, kiểm tra nội tiết tố. Khi phát hiện tình trạng suy sinh dục, suy tuyến giáp do suy tuyến yên, việc bổ sung hormone thiếu hụt sẽ giúp cải thiện đời sống tình dục, các triệu chứng suy giáp cũng được cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho BN.
Chia sẻ