Rối loạn kinh nguyệt: một mối lo rất lớn của chị em
Khi chu kì kinh nguyệt có những thay đổi, chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của bạn. Những thay đổi này được gọi chung là rối loạn kinh nguyệt.
Chào bác sĩ. Em năm nay 24 tuổi, đã có gia đình nhưng chưa có em bé. 2 tháng trước em bị ho nhiều dẫn đến viêm họng. Em đã uống thuốc kháng sinh liều cao trong thời gian khá dài. Nhưng sau đó thì em thấy kinh nguyệt của em có nhiều thay đổi, thậm chí khí hư cũng ra nhiều hơn.
Hai tháng nay, kinh nguyệt của em đều bị trễ 4-5 ngày và máu kinh cũng có màu sẫm hơn. Em đi khám thì bác sĩ bảo đó là rối loạn kinh nguyệt. Sau khi hết kinh được hơn 1 tuần, em thấy khí hư xuất hiện. Nếu mọi tháng khí hư có màu trong thì 2 tháng nay chuyển sang màu vàng, hơi dính và khiến em cảm thấy ngứa.
Mỗi lần như vậy em đều vệ sinh rất sạch sẽ bằng nước ấm, nhưng khí hư vẫn ra cả ngày và kéo dài 2-3 ngày mới hết.
Em rất lo lắng, không biết mình có bị sao không. Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn! (Huyền My)
BS. Hoa Hồng tư vấn:
Bạn Huyền My thân mến,
Nếu như trước đây, kinh nguyệt và khí hư của bạn hoàn toàn bình thường, không gây khó chịu mà nay lại thay đổi theo chiều hướng xấu như vậy thì chắc chắn đã có sự thay đổi trong cơ thể bạn, và sự thay đổi đó có thể gọi chung là rối loạn kinh nguyệt.
Để có chu kì kinh nguyệt đều đặn mỗi tháng, cần phải có sự điều hòa bởi hệ thống thần kinh - nội tiết phức tạp bao gồm: vùng hạ đồi – tuyến yên – buồng trứng – tử cung. Bất kì một cơ quan nào trong số này gặp trục trặc cũng sẽ ảnh hưởng đến kinh nguyệt của người phụ nữ. Rối loạn kinh nguyệt cũng có thể dẫn đến sự thay đổi của khí hư, dễ gây viêm nhiễm và ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của người phụ nữ.
Rối loạn kinh nguyệt cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của người phụ nữ. Ảnh minh họa
Dùng thuốc kháng sinh với liều lượng vừa phải theo chỉ định của bác sĩ sẽ không có nhiều ảnh hưởng đến chu kỳ kinh, nhưng những căng thẳng trong khi điều trị bệnh lại có thể là nguyên nhân tác động đến vùng dưới đồi gây rối loạn kinh nguyệt. Ngoài ra, khi điều trị bệnh bằng thuốc kháng sinh, bạn cần nhớ một điều rằng phải dùng theo chỉ định của bác sĩ, không nên dùng lâu dài nếu không thực sự cần thiết để tránh tình trạng kháng thuốc về sau.
Khí hư là cách gọi dân gian để chỉ chất dịch tiết ra từ bộ phận sinh dục của người phụ nữ khi dậy thì, còn trong khoa học gọi là huyết trắng hay dịch tiết âm đạo. Khí hư là một dấu hiệu thể hiện sự phát triển và hoạt động của cơ quan sinh dục nữ và có liên quan đến bệnh lý đường sinh dục.
Khí hư cũng là một hiện tượng bình thường ở người phụ nữ, nó được hình thành do tác dụng của nội tiết tố sinh sản nữ estrogen. Số lượng và tính chất của khí hư thay đổi tùy theo từng giai đoạn trong chu kì kinh nguyệt. Ở giai đoạn trước và sau khi trứng rụng, khí hư thường ít và không dai. Ở thời điểm rụng trứng, khí hư thường nhiều, loãng và dai. Vào giai đoạn này, để một ít khí hư vào hai ngón tay có thể kéo dài ra được.
Khí hư "khỏe mạnh" là khi nó có màu trắng trong, có thể hơi ngả vàng nhưng không có mùi, không gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Nhưng khi có những biểu hiện như: khí hư ra bất thường, màu vàng sẫm, có mùi, ngứa ngáy ở âm đạo thì đó là dấu hiệu bị viêm nhiễm bởi một loại nấm.
Qua mô tả của bạn thì rất có thể bạn đang bị nhiễm nấm. Vì vậy, tốt nhất bạn nên đi xét nghiệm, soi tươi dịch tiết âm đạo để xác định là mình bị nhiễm loại nấm nào. Ngoài ra, bạn cũng nên duy trì thói quen vệ sinh bằng nước sạch và tránh dùng dung dịch vệ sinh hoặc xà phòng để vệ sinh.
Nếu để tình trạng rối loạn kinh nguyệt, viêm nhiễm âm đạo kéo dài có thể dẫn đến viêm cổ tử cung, viêm tử cung và nguy cơ dẫn đến ung thư cổ tử cung là rất cao.
Chúc bạn nhanh khỏi bệnh!
Nếu bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe tâm sinh lý giới tính cần được tư vấn xin gửi về email: suckhoe@afamily.vn |
Nếu như bị vô kinh "ghé thăm" thì chị em hãy áp dụng biện pháp điều trị đơn giản nhưng rất hữu ích dưới đây...