Rét nàng Bân đang tràn về miền Bắc, ai cũng biết điều đó, nhưng nàng Bân thực ra là ai?

Min,
Chia sẻ

Có ai thắc mắc, nàng Bân là ai mà được dùng để đặt tên cho hiện tượng thời tiết lạnh lẽo "trái tính trái nết" vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 âm lịch này không?

Sống ở miền Bắc, chắc có lẽ không ai là không biết tới câu "Tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc, tháng ba rét nàng Bân". Theo như dự báo thời tiết, giữa những ngày miền Bắc gần như đã nóng trở lại thì cơn rét nàng Bân đang chợt ùa về. Nay mai nữa thôi, có lẽ người dân nơi đây sẽ được thỏa thích sống trong bầu không khí se lạnh cuối cùng trước khi bước chân vào mùa hè oi ả.

Nhưng có bao giờ mọi người tự hỏi, nàng Bân là ai mà được dùng để đặt tên cho hiện tượng thời tiết lạnh lẽo "trái tính trái nết" vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 âm lịch này không?

Thật ra, đợt rét cuối cùng trước khi miền Bắc trở nên nóng điên đảo này gắn liền với một câu chuyện cổ tích. Nàng Bân lại chính là nữ nhân vật chính trong câu chuyện đó. Nàng cũng chính là con gái của Ngọc Hoàng đại đế trên thiên đình. Tương truyền, Ngọc Hoàng có nhiều người con, nhưng khác với các anh chị em của mình, nàng Bân lại là một cô gái vô cùng vụng về và chậm chạp. Chính đức tính này đã gây ra cho nàng và mọi người xung quanh không ít phiền toái.

Rét nàng Bân đã tràn về miền Bắc nhưng có mấy ai thật sự biết nàng Bân chính là cô con gái vụng về của Ngọc Hoàng - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Thế rồi, vì thương con gái bé nhỏ cứ chậm chạp vụng về, Ngọc Hoàng và Hoàng Hậu mới bàn nhau là lấy chồng cho nàng Bân, để nàng có thể làm quen với việc tề gia nội trợ, biết đâu sẽ cải thiện được tính vụng về của mình. Chồng nàng Bân cũng là một người trên Thiên cung, hai vợ chồng yêu thương nhau hết mực, dù cho đây chỉ là một cuộc hôn phối được sắp bày từ người lớn.

Rồi khi mùa thu gần như đã đi qua, nàng Bân thấy rét mùa đông chuẩn bị kéo đến bèn quyết tâm đan cho chồng một chiếc áo len chống rét, phần nào thể hiện tình yêu và sự đảm đang của một người vợ. Nhưng không may thay, với bản tính chậm chạm, vụng về chưa thay đổi được, việc đan áo của nàng Bân gặp khá nhiều vất vả. Nàng lấy chỉ thì quên mất kim, nàng tìm kim thì chỉ lại lạc đâu mất… chưa kể có những lúc đan hỏng phải đan lại.

Cứ thế, dù nàng không nản chí nhưng ngày qua ngày, mùa đông trôi qua, mùa xuân gõ cửa mà nàng Bân chỉ mới đan được một đôi cổ tay. Nên ca dao có câu:

"Nàng Bân may áo cho chồng

May ba tháng ròng mới trọn cổ tay".

Rét nàng Bân đã tràn về miền Bắc nhưng có mấy ai thật sự biết nàng Bân chính là cô con gái vụng về của Ngọc Hoàng - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Cuồi cùng, đến hết tháng Giêng, tới tháng hai rồi nàng mới thực sự đan xong chiếc áo cho chồng. Lúc này, nàng Bân chưa kịp vui mừng vì thành quả của mình ngày đêm làm được thì nhận thấy trời đã hết rét. Chiếc áo nàng làm ra suy cho cùng cũng không còn giá trị sử dụng trong thời điểm đó. Nàng Bân buồn lắm, nàng bật khóc, tiếng khóc ai oán thấu tận trời xanh và tới tai Ngọc Hoàng.

Biết chuyện này, Ngọc Hoàng bèn nghĩ ra một cách để làm vui lòng con gái cưng của mình. Đó là Ngài ra lệnh cho thiên đình và nhân gian trở rét thêm vài ngày vào tháng 3 âm lịch để nàng Bân có thể đưa chồng mặc thử chiếc áo nàng vừa đan xong. Từ đó thành lệ, hằng năm vào khoảng cuối tháng hai, đầu tháng ba âm lịch, tuy mùa rét đã qua, mùa nóng đã tới nhưng có lúc tự nhiên rét lại mấy hôm. Người ta gọi cái rét đó là rét nàng Bân.

Thật ra, câu chuyện trên cũng có một dị bản khác, cũng cùng ra một kết quả nhưng tính cách của nàng Bân trong dị bản này hoàn toàn đối lập. Truyện kể rằng, nàng Bân là con gái của Ngọc Hoàng, nàng vốn có tính cách tỉ mỉ, chu đáo, làm cái gì cũng phải kiểm tra đi, kiểm tra lại cho thật kỹ. Đến khi nàng lấy chồng, tính cách này cũng không hề thay đổi.

Rét nàng Bân đã tràn về miền Bắc nhưng có mấy ai thật sự biết nàng Bân chính là cô con gái vụng về của Ngọc Hoàng - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa)

Nàng lấy chồng vào đầu đông, khi ấy thấy chồng thiếu áo ấm để mặc nàng Bân bèn quyết định may cho chồng một chiếc áo ấm thật đẹp, thật dày để giữ không cho gió lạnh làm chồng nàng ốm. Thế là nàng bắt tay ngay vào việc, nàng may tới đâu đều làm ra những đường kim mũi chỉ thật đẹp, sợi len đều tăm tắp, không chệch choạc đoạn nào. Nhưng vì quá chăm chú và tỉ mỉ nên công việc đan áo của nàng tốn rất nhiều thời gian.

Và rồi đến khi nàng đan xong áo thì mùa đông đã đi qua, mùa xuân cũng gần như là đi đến đoạn kết. Nàng Bân vì quá buồn khi chiếc áo mình ra đã qua cái dịp để chồng có thể dùng nên nàng khóc. Tiếng khóc của nàng đã làm lay động Ngọc Hoàng, thế nên ông liền cho thêm vài ngày rét vào tháng 3 âm lịch để chồng nàng Bân được dịp mặc thử chiếc áo nàng vừa đan xong.

Thật ra, dù là hai câu chuyện cổ tích với hai nàng Bân có tính chất đối lập nhau nhưng suy cho cùng, kết quả cũng có một. Nàng Bân vì lý do gì đó, hoặc là vụng về đan áo lâu, hoặc là tỉ mỉ quá nên đan áo chậm rãi nên cuối cùng, Ngọc Hoàng vua cha đã cho thêm tháng 3 âm lịch vài ngày rét để chiếc áo của nàng có thể mang ra sử dụng. Vậy suy cho cùng, cái tên "rét nàng Bân" cũng từ nàng mà ra, đúng hơn là nàng chính là nguồn cơn sản sinh là cơn rét "trái tính trái nết" nhưng đầy thú vị ở miền Bắc này.

(Nguồn: Cổ tích Việt Nam)

Chia sẻ