Cuộc sống về khuya của những "người vận chuyển" trong đêm Hà Nội 8 độ rét thấu xương
Đêm xuống, khi người Hà Nội say ngủ cũng là lúc những người dân lao động ấy bắt đầu công việc của mình. Những "người vận chuyển" và người bán hàng rong, quán nước đêm lục tục mưu sinh, vì một cái Tết ấm no đủ đầy.
Còn 15 ngày nữa là đến Tết nguyên đán - dịp lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt. Những ngày này, Hà Nội cuối đông rét ngọt, từng đợt không khí lạnh ùa về ngày một rét buốt khiến bất kỳ ai cũng phải xuýt xoa, than phiền. Những buổi sáng sớm, đến giờ đi làm, đi học, mọi người ùa ra đường với những tấm áo choàng che kín mặt mũi, tay chân…
Đêm qua, nhiệt độ ngoài trời ở Hà Nội đo được đã tụt xuống mức kỷ lục: 8 độ C. Đa phần người Hà Nội quấn chặt trong những chiếc chăn ấm áp, ngủ say sau một ngày học tập, làm việc. Nhưng ban đêm, cùng với không khí lạnh cũng là lúc trở dậy của những "người vận chuyển" - đội ngũ bốc vác thuê ở các chợ đầu mối cũng như một số người bán hàng rong đêm, hàng nước...
Họ là những người dân lao động, đa phần ở ngoại tỉnh lên thủ đô mưu sinh, miệt mài đổ mồ hôi giữa bốn bề gió lộng để mong có một cái Tết ấm no cho gia đình, để mua được cho con cháu manh áo mới, có tiền đóng học trong năm mới...
11h đêm, khi hầu hết mọi người chìm vào giấc ngủ với chăn ấm đệm êm, đó là lúc những người lao động tại khu vực chân cầu Long Biên bắt đầu công việc của mình
Trong số họ đa phần là những "người vận chuyển", nhận việc bốc vác hoa quả thuê, dỡ hàng từ xe ra các quầy bán buôn. Không ít người quần quật, bám trụ ở khu xóm chợ này từ sáng sớm đến tận đêm khuya.
Trước khi bắt đầu công việc, một số người thân quen rủ nhau lót dạ bằng vài ba miếng xôi nóng.
. Bữa ăn trong lúc giao giờ, gọi là bữa ăn khuya cũng đúng, mà là bữa đầu tiên trong ngày cũng chẳng sai.
Bấy nhiêu đây chính là năng lượng để họ đối đầu với cái lạnh đêm Hà Nội 8 độ C.
Trời đã lạnh, lại gần sông nên trời ngày càng buốt giá hơn. Tranh thủ nghỉ cho xuôi bụng, họ cùng nhau trò chuyện, tâm sự những chuyện trên trời dưới bể, chuyện Tết này sẽ sắm gì, ăn Tết ra sao, năm mới cầu vọng gì.
Dù có lạnh đến mấy, nghĩ đến Tết, họ cũng tươi rói vì háo hức.
Đêm nay là đêm rằm tháng Chạp - rằm cuối cùng của năm Đinh Dậu, công việc bán buôn của các vựa cũng tấp nập hơn, nên những người vận chuyển cũng kiếm thêm được chút đỉnh.
Trời lạnh thêm lạnh, nhưng đa phần những phụ nữ này không mặc áo khoác dày. Họ bảo, áo dày chỉ gây vướng víu, khó hoạt động, chỉ dùng lúc đi về nhà trọ thôi. Còn khi làm việc, mặc áo mỏng là tốt nhất, vừa thấm mò hôi, vừa gọn gàng.
Công việc lao động nặng nhọc khiến cơ thể nóng lên, vẫn đổ mồ hôi như thường.
Tuy nhiên, cái giá buốt của đêm Hà Nội cũng sẵn sàng đánh gục những người chủ quan. Cánh đàn ông thường chọn cách khoác thêm tấm áo mưa mỏng bên ngoài để tránh gió.
Có vất vả đấy, nhưng phần vì đã quen, phần vì háo hức những ngày giáp Tết, 0h đêm, họ vẫn miệt mài với công việc của mình.
Những "người vận chuyển" đi lại nhộn nhịp một góc đường.
Phía trong chợ, những người bán hàng đã sẵn sàng đón tiếp khách mua.
Những cô, chị ngồi bán hàng nhưng miệng vẫn không quên chuyện trò, bình luận chuyện giá cả lên xuống, nhận xét bộ phim này, chương trình kia.
Những lúc rảnh rỗi, họ tìm một góc nào đó kín gió để nép mình chờ khách, bàn tán chuyện Tết nhất sắp đến.
Trên dọc đường Long Biên, đoạn gần chợ, thi thoảng lại xuất hiện một vài quán bán nước. Dù khách chẳng đông, nhưng ngồi bán hàng đã là thói quen, là công việc hàng ngày của họ.
Hà Nội về đêm tĩnh lặng, đường vắng tênh. Nhưng lâu lâu vẫn thấy một vài người đạp xe qua lại để bán hàng ăn đêm, thường là bánh khúc, xôi nóng cho những người lao động về đêm.
Ở một góc khác, những người công nhân hàn xì cũng đang hăng say với công việc. Người đàn ông này bảo, ông sẽ cố làm việc đến 29 Tết, rồi có tấm có món mang về cho vợ sắm. "Bây giờ tiện rồi, nhoằng cái là đủ đồ chứ không như ngày xưa. Rồi tôi sẽ ở nhà đến qua rằm tháng Giêng mới trở lại làm".
Những hối hả ngày cuối năm dường như đã át đi cái rét...
... và dù trời có lạnh hơn đi nữa, tay họ cũng không ngưng nghỉ, môi vẫn không tắt nụ cười, vì cố thêm một tí là ấm thêm một tí, Tết đến nơi rồi mà!