Rét kỷ lục: Bệnh nhân là người già, trẻ nhỏ tăng đột biến

Minh Ngọc,
Chia sẻ

Liên tiếp hai ngày rét đậm cũng là thời điểm số lượng bệnh nhân gồm cả người già và trẻ nhỏ nhập viện tăng đột biến.

Ùn ùn kéo đến viện

Theo khảo sát của PV ngày 26/1, tại nhiều bệnh viện, số bệnh nhân đến khám bệnh và nhập viện rất đông, đặc biệt là bệnh nhi và người già.

Có mặt vào buổi chiều cùng ngày, dù đã rất muộn nhưng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, chúng tôi quan sát được rất nhiều lượt người lớn đang tất tưởi ẵm con trẻ trên tay đến khám bệnh.

Chị Trần Thị Hương, quê Phú Thọ tỏ ra lo lắng cho hay: “Dù hôm nay thời tiết rất lạnh nhưng vì con tôi bị ho liên tục nên vợ chồng tôi vẫn quyết định đưa con đi bệnh viện. Hàng xóm gần nhà tôi cũng có vài đứa bị ho khan cũng phải đi khám và đã nhập viện. Chắc là do lạnh quá nên trẻ dễ nhiễm bệnh”. 

rét
Bệnh nhân nhi nhập viện tăng trong những ngày rét.

rét
Trong tiết trời giá lạnh, nhiều cha mẹ vẫn phải lặn lội đường xa đưa trẻ đến viện thăm khám.

Tại Bệnh viện Bạch Mai cũng diễn ra tình trạng bệnh nhân nhi đến khám đông hơn mọi ngày. Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, số lượng bệnh nhi đến khám tăng mạnh từ những ngày mưa rét vừa qua. Trong số đó, có tới một nửa là bệnh nhi bị mắc các bệnh: Viêm đường hô hấp, sốt cao và có biến chứng viêm phổi. 

PGS TS Dũng giải thích: “Khi hít thở, không khí được niêm mạc mũi - họng sưởi ấm, làm ẩm và lọc sạch một phần trước khi đi vào khí quản. Khi thời tiết quá lạnh, niêm mạc mũi - họng không thể sưởi ấm đủ cho luồng không khí như lúc bình thường. Không khí hít vào có nhiệt độ thấp làm hệ thống hô hấp hoạt động kém và dễ gây các bệnh mũi - họng, nặng hơn là viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi. 

Ở trẻ nhỏ, do trọng lượng cơ thể thấp, khả năng sinh nhiệt để duy trì nhiệt độ cơ thể cũng hạn chế nên càng dễ bị các biến chứng do nhiễm lạnh”.

rét
PGS. TS Dũng đang thăm khám cho bệnh nhân nhi.

Trong khi đó, tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế VinMec, bác sĩ  Mai Kiều Anh – Phó Trưởng Khoa Nhi cho hay, trong đợt rét này các bệnh nhân nhi đến khám và nằm viện tăng mạnh.

“Số lượng giường bệnh kín đến hơn 90%. Nguyên nhân do vừa kết thúc dịch sốt xuất huyết và thời tiết lạnh đột ngột các bé dễ bị các vấn đề về đường hô hấp, trời mưa độ ẩm cao dẫn đến việc các bé dễ bị nhiễm virus cúm mùa, rhino virus, RSV…”, bác sỹ Kiều Anh thông tin.

Các bác sỹ đưa ra lời khuyên phòng chống bệnh ngày rét đậm

Theo khuyến cáo của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, với trẻ nhỏ khi trời lạnh nên hạn chế tối đa việc cho trẻ ra ngoài trời. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, cần hết sức chú ý cho mặc ấm, tránh gió thổi trực tiếp vào người. 

Ở trong nhà, cũng cần đóng kín các cửa, khe hở, tránh gió lùa. Tuy nhiên, cần lưu ý không nên giữ ấm quá mức. 

“Nhiều bố mẹ mặc quá ấm cho trẻ, khi trẻ chạy nhảy nóng bức, chảy mồ hôi phía lưng, ngực dễ thấm ngược vào cơ thể gây viêm đường hô hấp. 

Có gia đình dùng điều hòa nhiệt độ nhưng để nhiệt độ cao, nên khi trẻ ra khỏi phòng, sự chênh lệch nhiệt độ trong và ngoài nhà quá cao sẽ dễ bị bệnh, nên nếu dùng điều hòa nóng chỉ nên để nhiệt độ khoảng từ 20 - 250C”, bác sĩ Dũng khuyên.

Ngoài ra, hiện đang là mùa của dịch bệnh do virus sởi, tiêu chảy, thủy đậu. Sốt virus có thể gây nguy hiểm vì nhiều trẻ bị sốt cao, co giật ảnh hưởng đến thần kinh. 

PGS TS Dũng cho biết thêm: “Tại Khoa đang điều trị cho bệnh nhi 13 tuổi bị viêm não với các triệu chứng rất điển hình: Co giật, li bì, bệnh nhân trong tình trạng nặng, phải thở máy liên tục. 

Chính vì vậy, cần cho trẻ đến bệnh viện ngay nếu trẻ bị sốt cao liên tục, li bì, nôn nhiều, đau đầu, co giật vì có thể đó là triệu chứng cảnh báo của viêm não. Bệnh tiến triển nhanh gây nguy hiểm khi trẻ đã trong tình trạng suy giảm tri giác”

rét
Bệnh nhân nhi đang được khám tại bệnh viện Vinmec.

Trong khi đó, bác sỹ Mai Kiều Anh – Phó Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện ĐKQT Vinmec cũng đưa ra lời khuyên, nếu thời tiết tiếp tục lạnh và mưa kéo dài, bố mẹ nên giữ ấm cho bé và tránh cho bé đi ra những chỗ đông người để ngăn ngừa việc lây lan của virus. 

Với người cao tuổi, bác sỹ Nguyễn Văn Chi - Phó khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai, cho hay, vào những ngày trời lạnh, những người già yếu, người bị tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, dễ dẫn tới các bệnh lý tim mạch như rối loạn nhịp tim, cơn tăng huyết áp gây tai biến mạch máu não... 

“Trong lúc cơ thể phải tăng cường cao độ để chống chọi với cái lạnh mà lại sử dụng chất kích thích, thuốc lá, rượu bia quá độ, thì cơ thể sẽ quá tải và đổ bệnh. Vì vậy, không chỉ người già yếu mà cả người khỏe mạnh nếu chủ quan cũng dễ mắc bệnh trong thời tiết lạnh giá này”, bác sỹ Nguyễn Văn Chi cảnh báo.

rét
Bệnh  nhân cao tuổi cần đề phòng thời tiết quá lạnh

Theo bác sỹ Đỗ Doãn Lợi - Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, muốn phòng chống đột quỵ, người già và những người có nguy cơ cao (tăng huyết áp, bệnh tim mạch) cần chú ý kiểm soát huyết áp của mình, ngưng hút thuốc lá, tránh uống rượu bia, ăn thức ăn ít mỡ và kiểm tra mỡ trong máu định kỳ. 

“Cần lưu ý, trời lạnh khi ra ngoài phải mặc ấm, đủ khẩu trang, mũ, tất chân tất tay, không nên ra khỏi nhà vào ban đêm và tập thể dục vào sáng sớm. Nếu luôn giữ cơ thể đủ ấm, ăn uống đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý sẽ giữ được sự khỏe mạnh chống chọi với thời tiết lạnh khắc nghiệt này”, bác sỹ Đỗ Doãn Lợi khuyên.

Bệnh viện chống rét cho bệnh nhân

Chủ động trước đợt rét đậm rét hại kéo dài, Bệnh viện Bạch Mai đã có công văn gửi các khoa phòng tăng cường công tác phòng chống rét cho cả bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

rét
Công văn của Bệnh viện Bạch Mai gửi các khoa phòng

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó giám đốc BV Bạch Mai cho biết: "Trước đợt rét đậm rét hại kéo dài này, bệnh viện đã phải tăng cường công suất máy biến áp, mua thêm máy sưởi ấm, lắp thêm điều hòa hai chiều, mua thêm chăn ấm, quần áo cho người bệnh. 

Ngoài ra, với người nhà chăm sóc bệnh nhân, theo quy định thì không được mang chăn chiếu vào bệnh viện nhưng trước đợt rét mạnh này, bệnh viện đã "nới" quy định, cho người nhà mang chăn bông ấm".
 
Theo ông Hiền, công tác chống rét được đặc biệt chú trọng tại các phòng sơ sinh, phòng bệnh của trẻ em dưới 6 tuổi, phòng đẻ, mổ, hồi sức tích cực, cấp cứu...
 
"Mùa đông thì tăng cường chống rét, mùa hè thì phải tăng cường hệ thống quạt làm mát cho bệnh nhân. Việc chăm sóc người bệnh là trách nhiệm của bệnh viện, nhưng quả thực, chúng tôi chỉ mong mỏi điện đừng tiếp tục tăng giá. 

Bởi giá điện tăng, bệnh viện vẫn phải trang bị nhiều thiết bị sưởi ấm, quả thực là một gánh nặng cho bệnh viện", ông Hiền cho hay.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo các biện pháp chính cần thực hiện chống rét:

- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu
 
- Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Hạn chế đến những chỗ đông người.
 
- Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. 

Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm/sản phẩm từ gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm.
 
- Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà…).
 
- Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, giữ ấm nhà cửa.
 
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
 
- Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.


Chia sẻ