Rét đậm, hanh khô tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc kéo dài đến bao giờ?
Thời tiết hanh khô tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc sẽ tiếp tục kéo dài trong những ngày tới. Hình thái thời tiết này cũng gây ra nhiều yếu tố ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe, người dân cần lưu ý.
Miền Bắc hanh khô kéo dài
Các tỉnh miền Bắc đang trải qua đợt không khí lạnh tăng cường mạnh nhất từ đầu mùa. Nền nhiệt thấp nhất vùng núi từ 11-14 độ, vùng núi cao có nơi dưới 10 độ, trời rét đậm, nhiều nơi rét hại. Tại khu vực đồng bằng, nhiệt độ thấp nhất từ 14-17 độ, trời rét. Tuy nền nhiệt ở mức thấp nhưng thời tiết khá thuận lợi, đêm không mưa, ngày nắng, trời khô ráo, đặc biệt cảm giác hanh khô khá rõ rệt.
Cơ quan khí tượng dự báo, hình thái thời tiết này còn duy trì tại các tỉnh miền Bắc trong nhiều ngày tới:
Từ ngày 19 - 24/11: Khu vực Bắc Bộ phổ biến ít mây, đêm không mưa, ngày trời nắng. Đêm và sáng trời rét, vùng núi cao đề phòng khả năng xảy ra sương muối.
Khu vực Hà Nội: Từ ngày 19 - 24/11: Phổ biến ít mây, đêm không mưa, ngày trời nắng. Đêm và sáng trời rét. Với những hình thái thời tiết này, người dân sẽ cảm nhận khá rõ tình trạng hanh, khô.
Ngoài ra, thời tiết hanh khô khiến chất lượng không khí Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc những ngày qua ở mức không tốt cho sức khỏe.
Theo dự báo trên ứng dụng IQAir, trong những ngày tới, chất lượng không khí Hà Nội chỉ ở mức trung bình, có những ngày chỉ số chất lượng không khí (AQI) và ô nhiễm không khí PM2.5 ở mức không tốt cho sức khỏe.
Trong khi đó, thời tiết khu vực Trung Bộ cũng dần ổn định sau đợt mưa lớn kéo dài.
Khu vực Bắc Trung Bộ: Từ ngày 19 - 22/11: Phổ biến ít mây, đêm không mưa, ngày trời nắng. Đêm và sáng trời rét. Từ ngày 23 - 24/11: có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông. Đêm và sáng trời rét.
Khu vực Trung và Nam Trung Bộ: Từ ngày 19 - 22/11: có mưa rào và dông vài nơi.
Trung Bộ kết thúc mưa lớn
Các tỉnh miền Trung vừa trải qua một đợt mưa lớn trên diện rộng gây ra đợt mưa lũ phức tạp. Đến ngày 18/11, về cơ bản mưa lớn tại các tỉnh miền Trung đã kết thúc, mực nước trên các sông ở Thừa Thiên Huế và sông Kôn (Bình Định) đang xuống. Đợt mưa lớn những ngày qua tại các tỉnh miền Trung được đánh giá là phức tạp và bất thường, nước lũ lên mức kỷ lục trong vòng 10 năm qua.
Theo thống kê từ cơ quan khí tượng, khu vực từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa và phía đông Tây Nguyên với lượng mưa phổ biến 200-400mm, có nơi trên 500mm; riêng khu vực Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 300-600mm, có nơi trên 1.000mm.
Trong đợt lũ này, Thừa Thiên Huế bị ảnh hưởng nặng nhất do tâm mưa lớn nhất nằm ở khu vực này. Mực nước tại các trạm Kim Long và Phú Ốc đều trên BĐ3 và thống kê cho thấy đây là mực nước lớn nhất trong 10 năm gần đây và lớn thứ 5 trong khoảng 30 năm gần đây.
Các hồ chứa đã liên tục điều tiết để giảm lũ và ngập lụt hạ du. Bên cạnh đó, về ngập lụt, ngập úng diện rộng tại khu vực hạ du các sông thuộc các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, trong đó ngập nặng nhất ở khu vực hạ lưu sông Hương.
Nam Bộ đón triều cường trở lại
Theo thông tin từ cơ quan khí tượng, triều cường Vũng Tàu đang ở mức cao, kết hợp với ảnh hưởng của sóng lớn và nước dâng do gió mạnh, nên trong ngày 19/11, mực nước tại ven biển phía Đông Nam Bộ có xu hướng tăng, độ cao lớn nhất tại trạm Vũng Tàu có thể đạt 4,10- 4,20m.
Do ảnh hưởng của triều cường, các vùng trũng, thấp, ven sông, vùng ngoài đê bao khu vực ven biển phía Đông Nam Bộ có khả năng ngập úng trong khoảng thời gian sáng sớm và buổi chiều làm tăng nguy cơ xâm nhập mặn trên các sông ở khu vực phía Đông Nam Bộ.