Rau mồng tơi tốt nhưng những người này không nên ăn

NHƯ LOAN/ VTC News,
Chia sẻ

Rau mồng tơi từ lâu là món ăn quen thuộc trong mâm cơm của người Việt song không phải ai cũng nên sử dụng loại rau này.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 2), mồng tơi là loại rau giàu chất nhầy, chất xơ hòa tan, giúp nhuận tràng, hỗ trợ điều trị táo bón.

Đặc biệt, phụ nữ mang thai thường xuyên bị táo bón có thể sử dụng rau mồng tơi như một lựa chọn an toàn, thay thế cho các loại thuốc nhuận tràng.

Không chỉ tốt cho hệ tiêu hóa, rau mồng tơi còn hỗ trợ làm lành vết thương, trị rôm sảy, mụn nhọt, giúp đẹp da, mát gan.

Nước cốt từ rau mồng tơi còn được dùng để hỗ trợ làm dịu bỏng nhẹ. Ngoài ra, món mồng tơi hầm với chân giò cũng được nhiều người sử dụng để cải thiện tình trạng đau nhức xương khớp.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), mồng tơi chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu như canxi, sắt, natri, kali, protein và các vitamin A, B6, B12, C, D. Hoạt chất beta sitosterol trong rau có tác dụng chống oxy hóa, hỗ trợ phòng ngừa ung thư, nhất là ung thư đường tiêu hóa.

Một bát canh rau mồng tơi mỗi ngày có thể cung cấp đủ lượng vitamin A và sắt cho cơ thể.

Rau mồng tơi tốt nhưng những người này không nên ăn - Ảnh 1.

Mồng tơi là loại rau giàu chất nhầy, chất xơ hòa tan. (Ảnh minh hoạ)

Trong y học cổ truyền, mồng tơi được xếp vào nhóm thảo dược tính hàn, vị chua, không độc, tác động vào các kinh tâm, tì, can, đại tràng, giúp tán nhiệt, giải độc, lợi tiểu, trị rôm sảy và mụn nhọt. Tại một số quốc gia châu Á như Indonesia, Ấn Độ, Bangladesh, rau mồng tơi còn được sử dụng để hỗ trợ điều trị thiếu máu, viêm nhiễm, bệnh đường ruột.

Tuy phổ biến trong ẩm thực, nhưng người Việt ít dùng mồng tơi làm thuốc. Tuy nhiên, nếu biết tận dụng đúng cách và phù hợp với thể trạng từng người, rau mồng tơi không chỉ là món ăn mát lành mà còn là "vị thuốc" tự nhiên giúp nâng cao sức khỏe.

Những ai không nên ăn mồng tơi?

Dù có nhiều lợi ích, nhưng bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ khuyến cáo rằng, rau mồng tơi chứa hàm lượng axit oxalic và purin khá cao. Việc tiêu thụ quá nhiều có thể khiến canxi oxalate tích tụ, tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.

Axit uric trong rau có thể làm tăng nguy cơ bệnh gout. Vì vậy, người đang bị sỏi thận hoặc gout cần hạn chế ăn mồng tơi.

Do có tính hàn và tác dụng nhuận tràng, nên rau mồng tơi không phù hợp với người đang bị tiêu chảy, đại tiện phân lỏng.

Lời khuyên

Một bát canh mồng tơi mỗi ngày, đặc biệt trong những ngày nắng nóng, không chỉ giúp thanh nhiệt mà còn góp phần hỗ trợ hệ tiêu hóa, làm đẹp da và tăng cường sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, người có bệnh lý nền cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thường xuyên để đảm bảo an toàn.

Chia sẻ