Rằm tháng 7 có nhất thiết phải cúng chay?
Nhiều người cho rằng rằm tháng 7 nhất thiết phải cúng cỗ chay, nhiều người khác nghĩ phải có cả cỗ chay, cỗ mặn mới đầy đủ, vậy cỗ cúng rằm tháng 7 thế nào mới đúng?
Rằm tháng 7 hằng năm là ngày xá tội vong nhân, cũng là ngày Vu lan báo hiếu, mang ý nghĩa sâu sắc trong đời sống văn hóa, tâm linh. Đây là dịp tưởng niệm đấng sinh thành, thân nhân đã khuất cũng như tỏ lòng từ bi với mọi chúng sinh.
Rằm tháng 7 có nhất thiết phải cúng chay?
Dâng cúng mâm cỗ chay là một phần của lễ Vu lan. Theo quan điểm của đạo Phật, việc cúng chay mang ý nghĩa thanh tịnh và tinh khiết, hiếu sinh, tránh gây tổn thương cho muôn loài. Dâng cỗ chay trong lễ Vu lan, xá tội vong nhân chính là thể hiện tâm nguyện muốn hồi hướng công đức, cầu siêu giải thoát cho vong hồn.
Món chay thường được làm từ các nguyên liệu thực vật như rau củ, nấm, đậu hũ... và không sử dụng thịt động vật, không chỉ thể hiện sự giản đơn, thanh tịnh mà còn cho thấy tâm thành kính và từ bi, hạn chế sát sinh, mang lại hòa bình và tình thương cho mọi sinh linh.
Tuy nhiên, rằm tháng 7 không nhất thiết phải cúng chay. Tùy theo quan niệm, tín ngưỡng, truyền thống địa phương hoặc gia đình, người dân có thể cúng mặn, hoặc dâng cả cỗ chay và cỗ mặn ở các ban thờ khác nhau.
Việc dâng cúng các món mặn như gà, lợn, xôi, rượu… cũng xuất phát từ lòng thành hướng về tổ tiên, thân nhân đã khuấy, thể hiện niềm tri ân, tôn kính bằng những món ăn quen thuộc, gần gũi mà hằng ngày vẫn dùng trong bữa cơm gia đình, hoặc những món ăn mà vong linh thích thưởng thức khi còn sống. Với quan niệm "trần sao âm vậy", nhiều người cho rằng linh hồn người đã khuất cũng muốn được dâng mâm cỗ phong phú như lúc sinh thời.
Trong việc cúng lễ, điều quan trọng nhất không nằm ở việc cúng chay hay cúng mặn, mà ở tấm lòng thành kính, sự tri ân và tưởng nhớ thật sự từ tâm. Cúng lễ không phải hình thức khoe khoang, mà là dịp để mỗi người tự nhìn lại bản thân, báo hiếu và làm việc thiện, tích đức cho mình và gia đình.
Mâm cúng rằm tháng 7 gồm những gì?
Để lễ cúng rằm tháng 7 đầy đủ và phù hợp với truyền thống của người Việt, gia chủ cần chú ý chuẩn bị mâm cỗ cúng gia tiên và mâm cúng chúng sinh, Phật tử còn có thêm mâm cúng Phật.
Mâm cúng Phật
Các gia đình không cần chuẩn bị mâm cỗ cúng Phật không cần quá cầu kỳ, điều quan trọng là lòng thành kính của gia chủ. Gia đình chỉ cần dâng lên ban thờ Phật một mâm cúng chay hoặc đĩa trái cây tươi là đủ để thể hiện sự tôn kính. Mọi người nên cúng vào ban ngày, sau đó gia đình sẽ thụ lộc tại nhà.
Mâm cúng gia tiên
Một mâm cúng gia tiên thông thường gồm các món sau:
Gạo và muối: Đây là hai nguyên liệu thiết yếu không thể thiếu trong mâm cúng. Gạo tượng trưng cho sự no đủ, còn muối đại diện cho sự mặn mà của cuộc sống.
Ngũ quả: Ngũ quả gồm 5 loại quả tươi ngon, thường là những loại quả nằm trong mùa như chuối, cam, bưởi, lựu, và táo. Mỗi loại quả mang một ý nghĩa riêng, tượng trưng cho sự sung túc, may mắn và phúc lộc.
Hương, nến: Đốt hương, thắp nến tạo nên không gian trang trọng và thiêng liêng trong nghi lễ.
Bánh kẹo: Là sản vật để dâng lên gia tiên và các vị thần linh cầu mong những điều tốt đẹp.
Trầu cau: Tượng trưng cho lòng thành kính và tôn trọng đối với tổ tiên.
Rượu: Một chén rượu dâng lên thể hiện sự tri ân, lòng kính trọng với người đã khuất.
Một mâm cơm chay hoặc cơm mặn: Tùy thuộc vào từng gia đình, mâm cơm có thể là những món chay thanh tịnh hoặc cơm mặn với các món ăn đặc trưng như xôi, gà luộc, giò lụa, canh măng…
Mâm cúng cô hồn
Mâm cúng cô hồn hay còn gọi là cúng thí thực, để dâng lên những vong hồn không nơi nương tựa, gồm các lễ vật sau:
Muối và gạo: Được rải xung quanh sau khi cúng để tiễn các linh hồn
Cháo trắng: Để các linh hồn được no lòng
Bánh kẹo: Dành cho các vong linh là trẻ em
Ngô, khoai, sắn: Các loại củ quả phổ biến và dễ tìm
Tiền vàng mã
Nến, hương.