Ra Tết lấy chồng
1. Bao giờ cô Lý lấy chồng cho anh ăn cỗ? - người cười cười trêu.
Lý cười lại:
- Hẳn rồi. Ra tết em lấy chồng.
Người tròn mắt:
- Lấy ai thế?
- Lấy người anh không biết đâu. Một người tốt.
2 - Nhà Lý nghèo. Người ta bảo nghèo từ trong trứng nghèo ra. Ừ! Chẳng oan, nghèo thật. Không nghèo sao bố Lý phải đi làm bảo vệ cho trường cấp III tận trên thị xã, cũng chẳng xa là mấy nhưng vài ba tháng bố mới được về một lần. Mẹ mong ngóng mãi đấy nhưng bố về chẳng hờn giận nửa câu. Mới hôm qua bố lại về. Sáng về, bố đưa mẹ ít tiền bảo để tiêu tết. Mẹ tần ngần cho vào túi áo không rõ nghĩ gì. Chiều, bố đi.
- Sao vội đi thế? Để sáng mai hẵng đi. Mẹ tất tả đi như chạy theo bước chân bố đi khắp nhà.
- Ở nhà thì ai trông trường. Phải 30 mới về được. Tôi về đưa mẹ nó ít tiền sắm sửa các thứ trước thôi. Tìm cho tôi cái can, cho 5 lít vào.
- Lại rượu à? Sao ông không báo trước. Tôi mới cất được có 5 lít bán tết, người ta cũng đặt cả rồi.
- Thì bây giờ bà cất mẻ khác cũng kịp mà. Các sếp cứ gióng bảo tết này thích uống rượu nếp quê. Chả nhẽ mình không biết ý - bố gắt.
Mẹ thở hắt ra không nói gì nữa, khom người cầm can xuống bếp. Bố nhìn theo mẹ, khẽ thở dài.
Chiều bố đi rồi, mẹ ngồi với Lý. Mẹ móc trong túi áo ra số tiền bố đưa. Mẹ kéo phẳng các góc tiền quăn, bảo:
- Đây là tiền người ta trả công bố con xa mẹ đấy. Bao nhiêu ngày tháng là bấy nhiêu tiền. Vậy mà cũng bằng hai lần 5 lít rượu chứ mấy.
Lý thương mẹ nhiều hơn. Trước Lý cũng phải đi làm thuê trên thành phố. Lần nào Lý về đưa tiền mẹ cũng bảo thế: “Đây là người ta trả công mẹ con mình xa nhau đấy”. Tiền của Lý đưa mẹ chẳng đụng một đồng nào. Mẹ bảo để sau này mua cho Lý cái dây chuyền về nhà chồng gọi là có một tí, người ta không coi thường mình được. Lý bảo mẹ cứ dùng lo cho các em, Lý sau này thì sao cũng được. Nhưng mẹ không chịu mẹ bảo: “Thân con gái đàn bà không lo thì cũng cơ cực lắm”.
Rồi Lý cứ đi làm, làm mãi, đến khi mẹ gọi về bảo đừng đi làm nữa thì đã hai mươi nhăm mất rồi. Mẹ bảo về thôi, không làm nữa, chẳng nói để làm gì. Nhà chủ tiếc Lý ngoan giữ lại, bảo tăng lương cho. Nhưng mẹ Lý không chịu. Mẹ bảo thế nào cũng phải về. Thế là Lý về.
Lý chào mọi người trong nhà, chào cụ Lê. Cụ là người mà Lý đã chăm nom cả mười năm nay. Cụ bị bại liệt, mọi sinh hoạt của cụ đều do Lý lo liệu. Cụ cũng chẳng thể nói được nhưng sống cùng lâu, cụ ú ớ thôi Lý cũng hiểu cụ nói gì. Các con cụ nói chuyện với mẹ còn phải qua Lý phiên dịch. Lý cũng biết cụ thương Lý lắm. Khi Lý chào cụ thì cụ nhìn Lý thật lâu rồi phẩy tay ú ớ. Lý hiểu cụ bảo Lý về đi đừng lo cho cụ. Lý gạt nước mắt vâng dạ.
Ra đến cửa buồng lại nghe tiếng cụ ú ớ. Ra là cụ gọi Lý vào, chỉ tay vào gối. Lý mở gối móc ra một cuộn tiền. Cụ ra hiệu ý cho Lý. Lý lắc đầu khóc: “Các cô chú cho con tiền rồi. Bà thương con con biết nhưng con không dám nhận đâu”. Cụ Lê càng kêu to, tay càng khoắng mạnh. Lý nhận tiền cho vào túi mới thôi.
Lý về, chẳng làm gì. Mẹ khuyên Lý năng đi chơi cho người nó khỏe khoắn. Lý bảo thôi, Lý ở nhà cất rượu đỡ mẹ. Mẹ gắt: “Bảo đi chơi thì cứ đi”. Lý ngẩn người. Mẹ thở dài: “Lành quá hóa đần”. Lý lại càng không hiểu. Tối Lý kể với em trai, nó thủng thẳng: “Thì là đi để người ta còn để mắt đến chứ. Chị định không lấy chồng à? Hai nhăm tuổi rồi còn gì nữa. Chứ không mẹ gọi về làm gì”. Lý đờ người. Lý chẳng nghĩ đến chuyện lấy chồng. Mà không! Từ hôm đó Lý cũng nghĩ đến rồi. Nhưng nghĩ thì cũng đến thế. Lý về hồi tháng năm, giờ đã cuối tháng mười hai, chẳng có ai hay nhìn Lý, chẳng có ai dò ý mẹ.
Khi Lý đi qua, người làng thì thào: “Ế rồi!” đủ cho nhau nghe, đủ cho Lý nghe. Lý vẫn đi tiếp, bước chân không đều nhau nữa. Làng Lý con gái hai mươi thôi là đã bắt đầu lo rồi. Còn Lý, em trai Lý hay bảo: “Người ta chỉ có một nỗi lo. Chị thì dư thêm 1/5 nỗi lo nữa”. Lý cười cười quay đi, miệng méo xệch. Em Lý còn trẻ, ăn nói tuếch toác, Lý không chấp, nhưng lời nó thật. Lý buồn.
3 - Nhà người ấy cạnh nhà Lý, kề lưng nhau nhưng khác ngõ. Người ấy bảo: Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn (*). Chẳng có giậu mồng tơi, chỉ có một bức tường cũ kỹ từ đời nào. Từ hồi bé đến giờ chẳng để tâm đến cái tường bao giờ, thế nhưng gần đây Lý bỗng thấy nó thật vướng víu. Lý biết người ấy đọc vậy thôi nhưng Lý vẫn hát vui cả ngày. Thỉnh thoảng thừ người, Lý khóc.
Em trai Lý bảo: “Thế là yêu rồi đấy. Là y, là ê, là u đấy”. Lý bảo: “Vớ vẩn!”. Em trai lại bảo: “Để em bảo mẹ dò ý”. Lý há hốc miệng: “Thế vô duyên chết”. Em trai xua tay: “Còn lo duyên nữa à?”. Lý ngẩn người.
Người ấy lấy vợ, cô dâu không phải là Lý. Nhà bên ấy có mời nhưng Lý kêu ốm không sang.
Lý đi qua, người làng thì thầm: “Tội nghiệp!” đủ cho nhau nghe, đủ cho Lý nghe. Lý bước đi, bước chân đều nhau, chắc nịch: “Thà rằng chẳng nói cho xong. Mình có cùi hủi đâu mà cưới chạy, cưới vội”.
Lý kéo cái nón, ngước lên trời: “Ra tết lấy chồng? Lấy một người tốt? Là ai thế?”.