Quay clip bạo lực, giết người đăng lên mạng xã hội bị xử lý thế nào?
Việc thản nhiên đứng quay clip các vụ bạo lực, giết người sau đó đăng tải lên mạng xã hội không chỉ thể hiện sự vô cảm mà còn đang vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật.
Chỉ trong buổi tối 24/10 đã xảy ra 2 vụ giết người dã man vì mâu thuẫn tình cảm tại Bắc Ninh và Hải Phòng, song đây cũng chỉ là 2 trong số nhiều vụ dùng bạo lực, sát hại người khác để giải quyết những mâu thuẫn “tình, tiền” xảy ra trong thời gian gần đây.
Những vụ việc này khiến dư luận xã hội hoang mang, lo lắng về sự tàn bạo, vô cảm của hung thủ, song càng cảm thấy đáng sợ hơn nữa, khi có nhiều người có thể thản nhiên chứng kiến hành vi giết người dã man, quay clip và đăng tải lên mạng xã hội.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật Kết nối đã có trao đổi với phóng viên VOV.VN về nội dung này.
PV: Thưa ông, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành, thậm chí sát hại để giải quyết các mâu thuẫn tình cảm, ông nghĩ sao về thực trạng đáng báo động này?
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Mặc dù các vụ án xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm có liên quan đến việc ghen tuông đã được các cơ quan pháp luật đưa ra xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, thậm chí nhiều vụ án mạng mà người gây án đã phải chịu hình phạt cao nhất đến tử hình nhưng thực tế vẫn không có dấu hiệu suy giảm. Đây là một thực tế đáng báo động trong việc ứng xử giải quyết các mâu thuẫn trong quan hệ tình cảm. Nếu không có sự kiềm chế, ứng xử đúng mực trong quan hệ tình cảm thì hậu quả sẽ khôn lường.
Pháp luật đã nghiêm cấm sử dụng bạo lực để giải quyết bất kỳ mâu thuẫn nào trong xã hội, kể cả trong quan hệ tình cảm, hôn nhân gia đình. Mọi hành vi tước đoạt quyền sống người khác trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đây cũng là một tình trạng rất đáng báo động về văn hóa ứng xử, cách cư xử, tình cảm vợ chồng, các đôi đang có tình cảm yêu đương trong giai đoạn hiện nay. Thay vì việc lựa chọn các giải pháp giải quyết mâu thuẫn trên cơ sở tình cảm gia đình, sự khuyên răn, đối thoại mà các đối tượng lại lựa chọn giải pháp rất tiêu cực là sát hại nhau, xâm phạm tính mạng, sức khỏe người khác. Đây đều là những hành vi có tính chất côn đồ, coi thường tính mạng sức khỏe của người khác được pháp luật bảo vệ.
Hầu hết các vụ án đối tượng đều ở trạng thái mất kiểm soát về tinh thần, cả giận mất khôn, chỉ vì một phút thiếu bình tĩnh mà đối tượng nhẫn tâm sát hại người mình yêu. Số lượng các vụ án gia tăng, tính chất, mức độ hành vi ngày càng phức tạp, nguy hiểm và gây ra rất nhiều hệ lụy trong xã hội, nhất là giới trẻ, những người đang có quan hệ tình cảm yêu đương, hoặc đã kết hôn.
Tại sao tình trạng giết người vì tình lại tăng đột biến? Thứ nhất, xét dưới góc độ xã hội, việc đạo đức xã hội xuống cấp, văn hóa, lối sống con người không coi trọng giá trị tình cảm, đạo đức. Thậm chí, có nhiều bạn trẻ chạy theo xu hướng lối sống buông thả, thích thụ hưởng, chấp nhận cuộc sống là người thứ ba, yêu người có gia đình, chỉ mong được trợ cấp, chiều chuộng, mua sắm mọi thứ mà không cần quan tâm đến hạnh phúc gia đình người khác, không quan tâm đến bất cứ hậu quả nào có thể xảy ra với họ. Xu hướng về tình trạng ngoại tình gia tăng, không chỉ ở giới trẻ mà có cả người trung niên, những người có điều kiện về kinh tế.
Thứ hai, về yếu tố tâm lý tội phạm, khi các yếu tố phim ảnh, thông tin, hình ảnh bạo lực phổ biến, tiêm nhiễm vào tiềm thức của mọi người. Đối với những người dễ bị mất kiểm soát, hay nổi nóng, ích kỉ, cái tôi lớn thì xu hướng sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề sẽ bị tiêm nhiễm, ảnh hưởng bởi các yếu tố, hình ảnh bạo lực.
Đáng lẽ, trong hoàn cảnh này họ cần được quan tâm, chia sẻ, động viên tinh thần, chia sẻ quan điểm về cuộc sống, giúp họ có những lời khuyên răn để họ có thể bớt nóng nảy, có hành vi ứng xử chuẩn mực hơn. Nhưng với xã hội hiện đại, mọi người tránh va chạm, không thích tham gia vào việc gia đình, cá nhân người khác, ai biết nhà đấy thì sự giúp đỡ về tinh thần, tháo gỡ căng thẳng là không có nhiều. Với những yếu tố trên, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý tội phạm, khả năng xảy ra hành vi phạm tội, hay nói cách khác tình trạng sử dụng vũ lực, giết người để giải quyết mâu thuẫn trong chuyện tình cảm gia tăng như trong thời gian vừa qua.
Thứ ba, phương pháp giáo dục con nhỏ của người lớn có vấn đề nghiêm trọng. Khi cuộc sống đầy đủ về vật chất, nhiều gia đình có xu hướng nuông chiều con cái bằng mọi giá, chạy theo cảm xúc, mong muốn, yêu cầu của con nhỏ. Các gia đình muốn bảo vệ con cái, nhưng lại vô tình cổ súy cả những hành vi sai trái, ích kỷ ngay từ nhỏ.
Thứ tư, mối liên kết xã hội, cộng đồng, khu dân cư ngày càng rời rạc, ít sự quan tâm lẫn nhau. Trước đây hầu hết mâu thuẫn gia đình đều được hóa giải, cảm hóa bằng các yếu tố tình cảm, gia đình hoặc cảm hóa của xã hội. Hành vi chỉ cần cãi vã, mâu thuân đã được hàng xóm, láng giềng đến can thiệp, khuyên ngăn. Tuy nhiên với sự phát triển của xã hội, các gia đình sống khép kín không muốn người ngoài biết về các mâu thuẫn gia đình.
Chính vì các yếu tố tương tác cộng đồng trong phạm vi nhỏ ít hơn thì, gia đình nào biết gia đình đó, tức là sự gắn kết rời dạc, tác động khuyên ngăn không còn nhiều, mọi người sống nội tâm, không chia sẽ và hệ quả là tích tụ các ức chế, cảm xúc, bức xúc ngày càng nhiều.
PV: Với vụ việc tại Bắc Ninh xảy ra mới đây, nạn nhân bị đánh đập, đâm nhiều nhát liên tiếp vào người trong 1 căn nhà mặt đường, cửa kính, có nhiều người qua lại, nhưng không được giúp đỡ, thậm chí có người đứng quay lại toàn bộ sự việc và đăng tải lên mạng xã hội. Bên cạnh những bình luận lên án hành vi dã man của hung thủ, dư luận cũng không khỏi bức xúc bởi sự vô cảm của chính những người đứng ngoài quay clip, đăng lên mạng, ông có bình luận gì về vấn đề này?
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Chưa bao giờ, xã hội lại chứng kiến nhiều cá nhân lại vô cảm đến vậy, thản nhiên trước sự nguy hiểm, nỗi đau của đồng loại. Họ thản nhiên quay clip, đăng những clip kinh hoàng đó lên mạng. Một phần có lẽ do người ta trở nên e dè, ngại ngần khi phải làm việc tốt bởi có rất nhiều trường hợp làm ơn mắc oán, dễ thấy nhất là trong việc cứu giúp người bị tai nạn giao thông.
Vô cảm vì nhiều giá trị đạo đức trong xã hội bị đảo lộn. Căn bệnh vô cảm đã đến lúc báo động, nếu không có giải pháp sẽ gây ra nhiều hệ lụy còn đau lòng và nguy hại hơn rất nhiều.
Việc đăng tải, chia sẻ những thông tin kích động bạo lực sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của người xem, đặc biệt là giới trẻ. Những hình ảnh bạo lực này trên mạng sẽ kích thích, thúc đẩy ham muốn thực hiện các kiểu hành vi tương tự trong đời thực. Do đó, mỗi người dân cần thận trọng khi sử dụng mạng xã hội, tuyệt đối không đăng tải, chia sẻ những nội dung, video clip mang tính kích động bạo lực. Bên cạnh đó, bản thân mỗi người dân cũng cần có bộ lọc trong nhận thức của mình khi lựa chọn các nội dung trên không gian mạng.
PV: Việc đăng tải những clip, hình ảnh bạo lực dã man lên mạng xã hội bị xử lý ra sao trong các quy định hiện hành thưa ông?
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Hiện nay, Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, theo đó, tại Điều 101 Nghị định quy định về vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội. Cụ thể, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn.
Người vi phạm không chỉ bị phạt tiền theo quy định mà còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định trên.
Ngoài ra, khi đưa lên mạng những nội dung bạo lực, miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, cá nhân vi phạm có thể sẽ bị phạt tiền lên đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 07 năm.
PV: Xin cảm ơn ông./.