Quặn lòng nỗi đau trong gia đình 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi

B.THANH – N.THIỆN,
Chia sẻ

Vụ án Hồ Duy Hải đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Những ý kiến trái chiều và những tranh luận ngay sau phán quyết y án trong phiên Giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hiện vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Không chỉ trên báo chí, mạng xã hội, về tận nhiều vùng quê, đi đâu cũng nghe dư luận bàn tán.

Cũng như bao người lặng lẽ theo dõi những diễn tiến mới nhất liên quan đến vụ án, những ngày qua, thân nhân của 2 nạn nhân xấu số lại thêm một lần trái tim bị chà xát. Tiếp xúc với họ, PV Báo CAND cảm giác vết thương lòng ấy đang rỉ máu, chưa biết bao giờ mới nguôi ngoai…

 - Ảnh 1.

Cha mẹ nạn nhân Nguyễn Thị Thu Vân.

Vụ việc xảy ra tại Bưu điện Cầu Voi (ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) đã hơn 12 năm rồi. Nạn nhân là hai nữ nhân viên bưu điện Nguyễn Thị Ánh Hồng và Nguyễn Thị Thu Vân. Thủ phạm cho đến thời điểm này vẫn được xác định là Hồ Duy Hải.

Chúng tôi tìm tới gia đình nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng vào giữa  trưa, nắng như đổ lửa xuống khu phố Nhơn Cầu, phường Tân Khánh, TP Tân An, tỉnh Long An. Nghe chúng tôi thưa chuyện, bà Nguyễn Thị Ngọc Thắm (63 tuổi) mời chúng tôi vào nhà.

Xin phép gia đình, chúng tôi thắp cho Hồng nén nhang. Nhìn di ảnh cô gái xấu số bị sát hại dã man ở tuổi 20, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Nghẹn ngào trước di ảnh con, bà Thắm kể về Hồng và hoàn cảnh gia đình mình trong giàn giụa nước mắt.

Ông bà sinh được 4 người con gái. Hồng là lớn. Sau Hồng là cô em gái tật nguyền, nay đã 35 tuổi vẫn nằm một chỗ, mọi sinh hoạt, ăn uống phải có người thân lo. Bà Thắm nghẹn ngào, nếu như không xảy ra chuyện đau lòng đêm hôm đó, và nếu duyên số đến sớm, giờ chắc con bà cũng yên bề gia thất, con bế con bồng.

Gia cảnh bà Thắm hiện không ít khó khăn. Nhà chỉ có 2 công đất đang trồng dừa. Con đứa tật nguyền, đứa đang đi học, để có tiền nuôi con vợ chồng bà Thắm phải vất vả làm thuê, làm mướn. Chồng bà Thắm - ông Sáu Mần hiện đi làm thuê ở nhà máy xay xát lúa. Giờ sức khỏe của ông đã lao dốc nên "hôm làm hôm nghỉ, thu nhập chẳng bao nhiêu...".

Bà Thắm kể, cuộc đời Hồng hầu như chưa được sung sướng ngày nào. Học xong phổ thông, Hồng muốn thi đại học nhưng mẹ không cho vì nhà nghèo, em nhỏ. Vậy là Hồng đành gác lại giấc mơ giảng đường để ở nhà đi làm kiếm tiền phụ giúp cha mẹ nuôi em.

"Hồng thường về nói với vợ chồng tui, con cố gắng dành dụm tiền lương cho em đi học, một phần lo cho ba má có tiền chợ, may sắm quần áo. Điều mong ước hết sức giản dị như vậy mà không bao giờ thành sự thật", bà Thắm nói trong nước mắt.

Bà Thắm đưa chúng tôi ra thăm hai phần mộ của cô gái xấu số nằm cạnh nhau phía sau vườn. Ông Mần không đi cùng mà nói với theo: "Cô chú thắp nhang cho cháu rồi ra, đừng chụp hình đưa lên báo nghen, chỉ buồn chứ không vui gì đâu".

Quãng thời gian qua, với vợ chồng bà Thắm dài đằng đẵng. "Mỗi lần đám giỗ tụi nó hoặc ai tới nhà nhắc tên là tôi chỉ biết khóc. Giờ vụ án được đem ra xem xét, lại phải nhắc tới tên chúng nó. Đau lắm!", bà Thắm nói và cho biết, càng nghĩ tới con, bà càng cảm thấy ân hận. "Phải chi cho nó đi học thì đâu đến nỗi nó phải làm việc ở đó, đâu bị người ta giết hại".

Theo bà Thắm, Hồng và Vân là hai chị em con chú con bác. Nhà ở cạnh bên nên hai chị em thân nhau từ bé. Lớn lên, hai đứa cùng học chung trường, sau đó cùng nộp đơn xin vào làm chung trong Bưu cục Cầu Voi. Khi được nhận vào làm, cả hai thường khoe đi làm cùng nơi để chị em dễ đùm bọc lẫn nhau, chẳng ai dám ức hiếp. Những ngày Hồng và Vân đi làm, bà Thắm thường ghé thăm nơi con làm việc.

 - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Mần - cha nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng.

Đều là con gái, lại phải trực đêm, bưu cục lại nằm nơi vắng vẻ, nhà tắm lại nằm bên ngoài,… nên bà từng căn dặn con đủ điều. Bà Thắm kể, trong đầu bà, bà cũng từng nghĩ đến tình huống Hồng và Vân bị người ta lợi dụng, sàm sỡ nên bà cũng không ít lần căn dặn: "Tụi con phải giữ thân. Tối trước khi đi ngủ, cẩn thận cửa nẻo...". Chẳng ngờ, điều mà bà lo lắng ấy lại đến. Và kết cục thật khủng khiếp...

Bà Thắm vẫn nhớ như in, trước ngày Hồng và Vân bị sát hại (ngày 13-1-2008 tức ngày 6 tháng Chạp). Hồng có điện thoại về hẹn cùng mẹ đi chợ mua đồ sắm Tết. Ngờ đâu...!

Nhà của nạn nhân Nguyễn Thị Thu Vân cạnh nhà của Hồng. Cũng như bà Thắm, bà Đinh Thị Điểu, mẹ Vân cũng nước mắt ngắn dài than trách: "Con tôi chết lâu rồi, sao kẻ giết người vẫn chưa đền tội. Vong linh của con tôi bao giờ mới được siêu thoát đây...?".

Ông Nguyễn Văn Hộ, cha Vân kể, khi Hải thực nghiệm hiện trường, ông cũng được chứng kiến. Ông Hộ nói, nếu không phải thủ phạm, sao Hải lại tường tận mọi thứ trong bưu cục? Rồi không có tội, sao gia đình Hải phải tới lạy lục van xin gia đình nạn nhân tha thứ...? Trước khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra, gia đình Hải cũng tới gia đình ông xin "3 chữ". "Khi đó, họ cũng không nói đó là 3 chữ gì. Tôi nói luôn, ra tòa rồi tính", ông Hộ kể. Từ khi Hải bị tuyên án tử hình, gia đình Hải không một lần quay lại nhà ông.

Vợ chồng ông Hộ kể về thời thơ ấu của Vân; kể về những ngày đằng đẵng khóc con, mong sao kẻ thủ ác sớm phải đền tội... Hai ông bà kể về chiếc xe máy, giờ là vật kỷ niệm của con, khi hàng ngày nó vẫn hiển hiện cùng gia đình suốt hơn 12 năm nay. "Ngày hôm đó, tôi mượn chiếc xe máy của nó đi đám cưới. Về tới nhà, tôi đem xe ra rửa, chờ con về lấy đi làm. Nhưng rồi hôm đó, nó bị sát hại!", ông Hộ khóc tức tưởi. Với vợ chồng ông, nỗi ám ảnh về cô con gái út xấu số đến giờ vẫn chưa tan.

Có một điểm chung mà chúng tôi được nghe kể, trong những lúc đau đớn quá, người thân của hai nạn nhân tự cho rằng, là do Hồng, Vân "ngắn số". Với kẻ gây tội ác, họ luôn mong muốn phải trả giá trước pháp luật.

Ngày 21-3-2008, Hồ Duy Hải bị bắt. Qua hai lần xét xử sơ thẩm (năm 2008, tại TAND tỉnh Long An) và phúc thẩm (năm 2009, tại TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh), Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về tội "giết người", 5 năm tù về tội "cướp tài sản", tổng hợp hình phạt là tử hình. Chủ tịch nước đã bác đơn xin ân xá của Hải. Nhưng gia đình kêu oan, Hải được tạm hoãn thi hành án vào những phút chót. Sau kháng nghị của VKSND Tối cao; TAND Tối cao quyết định đưa vụ án xét xử theo thủ tục Giám đốc thẩm. Ngày 8-5, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao thống nhất quyết định không chấp nhận nội dung kháng nghị của VKSND Tối cao.
Chia sẻ