Quán cháo mực 40 năm 1 hương vị gợi nhớ ký ức của nhiều thế hệ sinh viên kiến trúc, người giờ thành đạt vẫn tìm về... "trả nợ"

Anh Thư,
Chia sẻ

"Ngày xưa nhiều bạn sinh viên khó khăn cô vẫn cho ăn thiếu tiền. Sau này thành đạt rồi các bạn quay lại trả nhưng cô không nhận, chỉ mong tụi nó quay lại là mình vui", cô Thanh chủ quán.

Nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, ngay trước cổng Đại học Kiến trúc TPHCM, nơi đây không chỉ níu chân thực khách bởi hương vị thơm ngon đặc trưng mà còn bởi những ký ức về thời sinh viên đáng nhớ. Quán cũng là điểm đến quen thuộc của người dân Sài Gòn suốt hơn 4 thập kỷ qua.

Quán cháo mực 40 năm 1 hương vị gợi nhớ ký ức của nhiều thế hệ sinh viên kiến trúc, người giờ thành đạt vẫn tìm về... "trả nợ" - Ảnh 1.

Cháo mực Thanh Sơn - cái tên gợi nhớ ký ức thời sinh viên

Từ 5 giờ sáng, khi thành phố còn chìm trong sương sớm, cô Thanh - chủ quán đã tất bật chuẩn bị nguyên liệu cho món cháo mực trứ danh. Hình ảnh cô đứng múc từng phần cháo bên chiếc xe cũ kỹ đã trở nên quen thuộc với thực khách nơi đây.

Nhớ về những ngày đầu tiên mở quán, cô Thanh chia sẻ: "Cô bán được 40 năm rồi. Lúc đó gia đình khó khăn quá, cô sáng kiến ra bán cháo mực thử xem sao. Dần dần khách ăn được rồi truyền tai nhau rồi đến giờ luôn".

Quán cháo mực 40 năm 1 hương vị gợi nhớ ký ức của nhiều thế hệ sinh viên kiến trúc, người giờ thành đạt vẫn tìm về... "trả nợ" - Ảnh 2.

Ban đầu, quán chỉ là một góc nhỏ sát vỉa hè với một nồi cháo trên chiếc xe đẩy và vài cái bàn đơn sơ. Giá mỗi tô cháo khi ấy chỉ có 500 đồng, rồi dần tăng lên 2 nghìn, 5 nghìn đồng.

Cách đây 40 năm, quán cháo mực Thanh Sơn dường như được xem là "độc nhất vô nhị". Bởi thời điểm đó, rất ít nơi bán món cháo mực với giá cả bình dân nhưng hương vị lại đặc biệt khiến nhiều người "thèm thuồng" khi nhắc đến.

Nhiều thực khách đã từng là sinh viên nghèo, thường xuyên lui tới quán để "cứu cánh" cho những bữa ăn kham khổ. Cô Thanh chia sẻ, ngày xưa nhiều bạn sinh viên khó khăn cô vẫn cho ăn thiếu tiền. Sau này có điều kiện các bạn quay lại trả tiền, cô đều vui vẻ không nhận và dặn dò các em chỉ cần quay lại ủng hộ là cô vui rồi.

Quán cháo mực 40 năm 1 hương vị gợi nhớ ký ức của nhiều thế hệ sinh viên kiến trúc, người giờ thành đạt vẫn tìm về... "trả nợ" - Ảnh 3.

Trải qua hơn 4 thập kỷ, quán cháo Thanh Sơn đã có nhiều thay đổi về không gian và giá cả. Quán được mở rộng, khang trang hơn, giá cả cũng tăng lên để phù hợp với mặt bằng chung.

Tuy nhiên, hương vị món cháo mực vẫn luôn được giữ nguyên, là điểm níu chân thực khách cũ và thu hút thực khách mới. "Thời đó cô bán đắt như tôm tươi vậy đó, sinh viên ghé ăn nhiều lắm. Các cháu nói cháo mực ở đây ngon, đậm đà nên các cháu thích", cô Thanh nói.

40 năm, một hương vị

Khác với sự sôi động, náo nhiệt của Sài Gòn hiện đại, quán của cô Thanh luôn mang đến một cảm giác bình dị, mộc mạc. Nồi cháo mực nghi ngút khói, bên trên là tấm bảng hiệu "Thanh Sơn Cháo Mực" được vẽ bằng tay bởi người họa sĩ xưa đầy hoài niệm.

Lúc trước, mỗi ngày cô Thanh bán hết 2 nồi cháo lớn. Nhưng hiện tại, vì có nhiều hàng quán cạnh tranh, đồng thời giá thành của quán cháo mực Thanh Sơn tăng giá theo mặt bằng chung nên lượng khách có phần giảm so với trước.

"Hồi trước khách ăn chật quán luôn, sau dịch Covid – 19 lượng khách giảm đi một nửa. Nhưng khách quen của cô vẫn đến thường xuyên, họ nói ăn ở đâu cũng không bằng cháo mực Thanh Sơn", cô Thanh chia sẻ.

Quán cháo mực 40 năm 1 hương vị gợi nhớ ký ức của nhiều thế hệ sinh viên kiến trúc, người giờ thành đạt vẫn tìm về... "trả nợ" - Ảnh 4.

Khi đến quán, thực khách chỉ cần gọi một tô cháo đặc biệt với giá 60 nghìn đồng là sẽ no bụng cho một bữa ăn. Bởi lẽ, tô cháo tại quán luôn nóng hổi, đầy ắp khô mực, tiết, da heo, tôm khô, quẩy tạo cảm giác no đủ cho thực khách.

Phần cháo được nấu kỹ, hạt cháo mềm mịn quyện trong vị ngọt thanh của mực, tôm khô, da heo và huyết. Từng nguyên liệu bên trong nồi cháo được chủ quán chuẩn bị hàng tươi mới mỗi ngày. Phần mực khô được nướng lên chín vừa phải, rồi cô Thanh mới nấu cùng với cháo. Theo lời chủ quán, mỗi phần cháo sẽ được ăn cùng gừng tươi xắt nhuyễn, để giúp cho thực khách cảm thấy ấm bụng, thơm ngon hơn.

Ngoài ra, món trứng bắc thảo ăn kèm tại quán cũng được nhiều thực khách ưa chuộng. Phần trứng bắc thảo được chủ quán chan lên một ít cháo tạo cảm giác hoài hòa, không bị ngấy khi ăn.

Đến quán ăn từ thời học sinh, nhưng đến nay chị Yến (ngụ Gò Vấp) vẫn thường xuyên đến quán dùng bữa vì nhớ hương vị xưa. "Mình ăn ở đây từ năm 16 tuổi, dù lâu rồi nhưng nay vị của cháo vẫn vậy, vẫn ngon đậm đà. Rất hợp khẩu vị của mình", chị Mai Hoa (ngụ Gò Vấp) chia sẻ.

Dù trải qua bao thay đổi về không gian, giá cả nhưng quán cháo mực Thanh Sơn vẫn luôn giữ vững hương vị đặc trưng, trở thành điểm đến không thể bỏ qua cho những ai yêu thích ẩm thực Sài thành và muốn tìm về hương vị xưa, ký ức xưa.

Chia sẻ