Quán chè Trần Hưng Đạo 40 năm nổi danh đắt đỏ, 60.000 đồng/cốc mà vẫn nườm nượp khách

Lynk, ảnh: Mai Lân,
Chia sẻ

Chỉ với đậu, đỗ, thạch, cốm, và những nguyên liệu giản đơn khác, bà Mai đã biến tấu ra thực đơn hơn 40 món chè, điểm xuyết những nốt hương vị lạ lùng khiến bao người Hà Nội say mê, tạo nên thương hiệu "chè cũ 1976" lừng danh.

Tầm này năm ngoái, Hà Nội chẳng khác gì chảo lửa. Nắng chói chang, oi nồng, nóng nực, chẳng ai muốn bước chân ra đường. Thế nhưng năm nay, khắp phố thị đón tháng 5 thật dịu dàng. Vẫn là nắng thôi, nhưng ngọt ngào và khiến người ta chỉ muốn thong dong trên những con đường ngập tán cây, tận hưởng các buổi chiều cuối tuần êm ả, vô tư lự.

Thời tiết này, nếu được ăn một cốc chè mát lạnh thì thật tuyệt. Chè ở Hà Nội thì bạt ngàn, từ cửa hiệu to đùng cho đến gánh hàng rong, đâu đâu cũng có. Chắc hẳn ai cũng có hàng chè yêu thích riêng, nhưng nếu là người sành ăn thì bạn không thể bỏ qua món chè có tuổi đời 40 năm, tọa lạc ở con ngõ nhỏ xinh gần đầu phố Trần Hưng Đạo.

Quán chè Trần Hưng Đạo 40 năm nổi danh đắt đỏ, 60.000 đồng/cốc mà vẫn nườm nượp khách - Ảnh 1.

Con ngõ không tên có một hàng chè nổi danh được nhiều người yêu thích.

Con ngõ cụt nơi có quán chè cũ ấy cũng chẳng có tên, nhưng cứ đi chầm chậm tới đoạn số 72 Trần Hưng Đạo, để ý có một lối rẽ khá rộng, thì đâm lên vỉa hè, ngó nghiêng xíu thôi là sẽ thấy căn nhà 5 tầng trưng biển màu vàng khá nổi bật. Trời nóng nực đến mấy thì bước chân vào ngõ lúc nào cũng mát rượi, mùi thơm của chè phảng phất giữa không gian, xen lẫn với cảm giác gì đó rất Hà Nội khi trông thấy dòng chữ "Chè thập cẩm cũ 1976".

Quán chè Trần Hưng Đạo 40 năm nổi danh đắt đỏ, 60.000 đồng/cốc mà vẫn nườm nượp khách - Ảnh 2.

Tấm biển đơn sơ đã được thay qua đổi lại vài lần, nhưng vẫn vẹn nguyên tinh thần món quà chiều quen thuộc.

Hàng chè cũ này lạ lắm, đứng ngoài nhìn lên thấy căn gác 2 lửng lơ, những vị khách thảnh thơi ngó xuống dưới qua cái khe lan can nhỏ, tầng 1 thì vỏn vẹn vài bộ bàn ghế con con nép sát vào tường. Những quán chè khác trên phố cổ thường ngồi ghế nhựa thấp, và đông đúc chen nhau, nhưng ở đây, đông khách đến mấy vẫn có cảm giác thoải mái, chẳng ngại ngùng sốt ruột, và cũng chẳng cần vội vã đứng dậy nhường chỗ cho ai.

Ở cái ghế ngay góc bàn thu ngân, có một bà cụ tóc bạc thường hay ngồi trầm ngâm, nhưng cứ có khách đến là mỉm cười, nói giọng miền trong vừa dịu dàng vừa thân thương: "Mời cô cậu vào ăn chè". Nhiều vị khách chỉ gật đầu đi qua, nhưng cũng có người nán lại trò chuyện với bà. Tôi cũng tò mò ngồi ngắm cụ hồi lâu, đồ rằng ấy là bà chủ quán.

Quả nhiên, bà chính là người khai sinh ra cửa tiệm có tuổi đời hơn 4 thập kỷ này. Giữa Hà thành, nơi tồn tại biết bao thương hiệu chè nổi tiếng như chè xoài Hàng Than, chè Mười sáu, chè 4 mùa Hàng Cân... thì tiệm chè của người phụ nữ gốc miền Trung này mang trong mình cả một câu chuyện dài và hấp dẫn, với thực đơn hơn 40 món có hương vị độc đáo, khác biệt do chính tay bà sáng tạo ra.

Quán chè Trần Hưng Đạo 40 năm nổi danh đắt đỏ, 60.000 đồng/cốc mà vẫn nườm nượp khách - Ảnh 3.

Bà Trần Thị Phúc Mai - nữ chủ nhân đáng mến của tiệm chè lâu đời nhất nhì Hà Nội.

Càng nhìn kỹ, càng thấy bà cụ toát lên khí chất thu hút lạ kỳ. Tóc bà kẹp một nửa, sợi bạc sợi đen, mái vấn kiểu phụ nữ cuối thế kỷ trước, những nếp nhăn xô nhau trên gương mặt hiền hòa. Bà bảo năm nay đã 80 rồi mà chẳng ai tin, vì trông bà vẫn còn minh mẫn nhanh nhẹn lắm, như mới ngoài 60 vậy. Bà có cái tên rất đẹp - Trần Thị Phúc Mai, sinh ra và lớn lên trong một gia đình địa chủ ở vùng ven biển Phú Khánh xưa, nay là Cam Ranh, Khánh Hòa.

"Cụ thân sinh nhà tôi ngày xưa làm ăn buôn bán thời Pháp thuộc, cũng giỏi giang thức thời nên có của ăn của để. Tuổi thơ tôi cũng êm đềm, chẳng mấy biến cố, dù đi qua 2 cuộc chiến tranh. 18 tuổi, tôi theo lệnh tập kết ra Bắc, đi học Y tá ở trường của một bệnh viện cũ những năm 50, rồi về nhà máy dệt Nam Định, chuyên phục vụ đoàn cho các chuyên gia Liên Xô, Pháp, Mỹ, Trung Quốc... Ngày đó tôi vừa đen, vừa xấu, vừa lùn, nhưng mọi người quý mến lắm, vì nhanh nhẹn, hoạt bát. Cứ đến nhà máy hỏi y tá Mai thì hồi ấy ai cũng biết.

Quán chè Trần Hưng Đạo 40 năm nổi danh đắt đỏ, 60.000 đồng/cốc mà vẫn nườm nượp khách - Ảnh 4.

Quá nửa cuộc đời sống ở Hà Nội, nhưng bà Mai vẫn giữ nguyên chất giọng miền Trung, mến thương đến lạ.

19 tuổi tôi lấy chồng. Sớm quá hả, xưa vậy là con gái tới lứa tới thì rồi. Chồng tôi người Huế, rất tốt bụng. Ông đẹp trai, điềm đạm, khéo léo, giỏi lắm, từng làm chủ nhiệm trong nhà máy xe lửa Gia Lâm, vì ông nên tôi mới sống ở Hà Nội và mở ra tiệm chè này. Nhưng ông đi trước tôi từ mấy năm nay rồi. Người thân trong gia đình giờ cũng thành thiên cổ hết, còn mình tôi với tiệm chè hưởng tuổi già bên con cháu thôi.

Năm 1976, tại chính căn nhà này, tôi mở bán chè để kiếm kế sinh nhai, nuôi 4 đứa con gái. Tôi vẫn nhớ những ngày đầu tiên vắng khách lắm, mà lại ở trong ngõ nên cứ lo không biết sẽ trụ được đến bao giờ. Nhưng thời gian trôi qua, từ vài người quen hay ghé qua ăn thử, nhà tôi đông khách dần dần, giờ thì chẳng ai bảo ai, ngày nào cũng nườm nượp như này đó".

Quán chè Trần Hưng Đạo 40 năm nổi danh đắt đỏ, 60.000 đồng/cốc mà vẫn nườm nượp khách - Ảnh 5.

Thực đơn thỏa mãn mọi nhu cầu của khách hàng, chè gì cũng có.

Cựu nữ y tá ngày nào nay đã thành cụ bà 80, đi qua biết bao thăng trầm cuộc đời. Bà chỉ gắn bó với bệnh xá trong khoảng thời gian rất ngắn, rồi vì mưu sinh mà chuyển sang bán chè, nhưng bà Mai luôn cảm thấy hạnh phúc. Có lẽ sự khéo léo dịu dàng của người con gái Khánh Hòa hợp để làm chủ căn bếp hơn. Bà bảo, chưa bao giờ hối hận vì đã từ bỏ nghề y tá, thời thế đổi thay khiến cho công việc ấy không còn thích hợp với bà, cũng vì sự nghiệp của chồng nên bà lặng lẽ lui về hậu phương. Nhưng nhờ đó mà bà tìm thấy được đam mê thực sự của mình, với nồi niêu muôi thìa và những công thức nấu chè, pha trộn nguyên liệu.

Bà cũng từng suy nghĩ rất nhiều rằng, làm sao để tạo nên sự khác lạ so với những quán chè cổ quanh Hà Nội. Bà không cạnh tranh với họ, điều duy nhất bà tâm niệm và theo đuổi suốt 40 năm qua đơn giản chỉ là muốn mang đến cho mọi người những món ăn mát lành, sạch sẽ, kết hợp giữa chè truyền thống và sự sáng tạo riêng.

"Làm từ cái tâm, thì người ta tự khắc mến yêu, nhớ đến mình. Tôi ăn chay trường 30 năm nay rồi, vừa khỏe người, vừa sống an yên, tịnh tâm thanh bạch. Tôi luôn nghĩ rằng buôn bán do duyên mà thành, do danh mà toại, xưa lúc phân vân mở quán, tôi cũng quyết định không làm đồ ăn mặn vì không muốn sát sinh".

Quán chè Trần Hưng Đạo 40 năm nổi danh đắt đỏ, 60.000 đồng/cốc mà vẫn nườm nượp khách - Ảnh 6.

Món nổi tiếng nhất ở quán bà Mai là chè thập cẩm, rất đầy đặn với gần 10 loại nhân.

Quán chè Trần Hưng Đạo 40 năm nổi danh đắt đỏ, 60.000 đồng/cốc mà vẫn nườm nượp khách - Ảnh 7.

Chỉ với trân châu, thạch, đỗ, hoa quả... mix khác đi một chút là ra hàng chục món chè khác nhau.

Quán chè Trần Hưng Đạo 40 năm nổi danh đắt đỏ, 60.000 đồng/cốc mà vẫn nườm nượp khách - Ảnh 8.

Một cốc chè giản đơn nhưng chứa đựng bao tâm huyết của người phụ nữ tài hoa.

Căn bếp nơi bà Phúc Mai hàng ngày vẫn đứng nấu chè nằm gọn gàng một góc phía trong, bước vào quán có thể nhìn thấy ngay. 40 năm qua, trừ mấy ngày Tết, còn lại bà chẳng nghỉ ngày nào, những người con của bà cũng lớn lên bằng mùi đậu xanh đậu đỏ từ căn bếp hiền hòa của mẹ.

Bây giờ, bà đã quá tuổi thất thập cổ lai hy, nên dần dần truyền hết bí quyết lại cho con cháu, còn bà ngồi trông tiệm chè như một pho sử sống, chứng kiến bao mùa nắng mưa đi qua con ngõ nhỏ, bao thế hệ người Hà Nội đã ghé qua đây ăn. Và rồi, chẳng biết tự bao giờ, nếu nhắc đến những hàng chè trứ danh đất Tràng An mà không kể tên "Chè cũ 76" thì quả là thiếu sót vô cùng.

Quán chè Trần Hưng Đạo 40 năm nổi danh đắt đỏ, 60.000 đồng/cốc mà vẫn nườm nượp khách - Ảnh 9.

Căn bếp này đã gắn bó với bà Phúc Mai từ ngày đầu tiên mở quán.

Không phải ngẫu nhiên mà chè cũ 1976 nổi danh giữa một rừng chè thập cẩm hao hao giống nhau. Bà Mai cũng pha trộn các loại nguyên liệu truyền thống với nhau thôi, một lớp đỗ xanh mịn màng, đậu đỏ nguyên hạt ăn vào tan ngay nơi đầu lưỡi, vài cục khoai deo dẻo, cùi nhãn ngọt thanh, lớp nước cốt dừa thơm ngậy trên cùng... Nhưng nếu tinh ý, nếm từng thìa chè một cách từ tốn chậm rãi, sẽ phát hiện ra nét độc đáo cho chính bà chủ sáng tạo ra.

Quán chè Trần Hưng Đạo 40 năm nổi danh đắt đỏ, 60.000 đồng/cốc mà vẫn nườm nượp khách - Ảnh 10.

Đỗ xanh ở đây nấu rất ngon, được trộn với dừa, vừng trắng, vừng đen để cho vào hạt trân châu.

Quán chè Trần Hưng Đạo 40 năm nổi danh đắt đỏ, 60.000 đồng/cốc mà vẫn nườm nượp khách - Ảnh 11.

Cốm non - một trong những điểm nhấn của chè 1976.

Quán chè Trần Hưng Đạo 40 năm nổi danh đắt đỏ, 60.000 đồng/cốc mà vẫn nườm nượp khách - Ảnh 12.

Ngoài chè, ở quán bà Mai còn có các loại thạch, sữa chua hoa quả rất ngon mắt, hấp dẫn.

Đó là viên trân châu với nhân vừng dừa lạ miệng, ăn giòn dai mà ngon đến vô cùng, chỉ muốn xúc ăn mãi nghe tiếng rộp rộp vui tai. Đó là những hạt cốm sữa non xanh mềm, do chính bà Mai tuyển lựa kỹ càng, đặt riêng ở mối quen. Đó là những miếng mãng cầu mỏng lét chua chua nhưng có sức mạnh đánh thức vị giác, thỉnh thoảng lại xuất hiện đâu đó trong cốc chè như một nốt tò mò khiến người ta có thể ngồi ăn hết sạch đến tận đáy cốc để khám phá từng thìa.

Mà đâu chỉ có mỗi chè thập cẩm, còn có sương sa hạt lựu, sen cốt dừa, nếp cẩm cốt dừa, và cả chục cái tên độc đáo như chè thốt nốt trân châu, thốt nốt cốt dừa, khúc bạch dâu cốt dừa, hạt é trân châu... đủ chiều lòng mọi sở thích của khách. Món nào cũng đầy đặn no căng, pha trộn như một tác phẩm nghệ thuật sắc màu đầy ngọt ngào hấp dẫn.

Quán chè Trần Hưng Đạo 40 năm nổi danh đắt đỏ, 60.000 đồng/cốc mà vẫn nườm nượp khách - Ảnh 13.

40 năm qua, ngày nào quán chè cũng tất bật phục vụ cả trăm khách.

Quán chè Trần Hưng Đạo 40 năm nổi danh đắt đỏ, 60.000 đồng/cốc mà vẫn nườm nượp khách - Ảnh 14.

Những ly chè thảo thơm được chuẩn bị chu đáo cẩn thận, chờ đến tay khách hàng.

Quán chè Trần Hưng Đạo 40 năm nổi danh đắt đỏ, 60.000 đồng/cốc mà vẫn nườm nượp khách - Ảnh 15.

Có rất nhiều vị khách đặc biệt tới ăn và đặt mua chè thường xuyên, bởi họ đã coi món quà vặt này là thói quen khó bỏ.

Quán chè Trần Hưng Đạo 40 năm nổi danh đắt đỏ, 60.000 đồng/cốc mà vẫn nườm nượp khách - Ảnh 16.

Không chỉ chè ngon, mà phục vụ cũng rất dễ thương, nhanh nhẹn.

Đối diện tôi, có hai em bé ngồi ôm cốc chè to như vại bia, bàn tay bé xíu cầm chiếc thìa dài cứ nhau nháu xúc ăn, cười đùa vui vẻ với mẹ ở kế bên. 2 nhóc giỏi thật, 10 phút thôi đã thưởng thức xong đến cạn cả đáy cốc. Ngắm những vị khách nhí vẫy tay chào ra về, bà Mai cười nhăn cả khóe mắt. Hạnh phúc của bà bây giờ, chỉ giản dị vậy thôi.

Quán chè Trần Hưng Đạo 40 năm nổi danh đắt đỏ, 60.000 đồng/cốc mà vẫn nườm nượp khách - Ảnh 17.

Món chè nào ở đây cũng có điểm vài chi tiết rất đỗi tinh tế, khó quên.

Quán chè Trần Hưng Đạo 40 năm nổi danh đắt đỏ, 60.000 đồng/cốc mà vẫn nườm nượp khách - Ảnh 18.

Phải thế mới đủ sức "quyến rũ" vị giác từ người lớn đến trẻ nhỏ.

Quán chè Trần Hưng Đạo 40 năm nổi danh đắt đỏ, 60.000 đồng/cốc mà vẫn nườm nượp khách - Ảnh 19.

Một ly chè to bự mà các bé cũng ăn hết, đủ biết hương vị của món chè ra sao.

Quán chè Trần Hưng Đạo 40 năm nổi danh đắt đỏ, 60.000 đồng/cốc mà vẫn nườm nượp khách - Ảnh 20.

Ăn chè xong lúc nào cũng có sẵn cốc trà nhài thơm nức tráng miệng, mùa hè ướp lạnh, mùa đông ấm nóng.

Nhiều khách lần đầu tới quán thường ngạc nhiên vì giá một cốc chè hơi cao, tận 45.000 - 60.000 đồng, gấp 3 lần so với những hàng chè khác ở Hà Nội. Nhưng nếu được ngồi hàn huyên với bà chủ quán dễ mến chỉ một lần thôi, bạn sẽ hiểu vì sao nó có giá ấy. Là tấm lòng, là tâm huyết, là tinh túy 40 năm gom lại, là sự trân quý sự khéo léo dành cho bà chủ đã pha trộn văn hóa ẩm thực miền Trung với ngoài Bắc, vừa lạ vừa quen. Chiều hè nắng dịu, chỉ một chút quà vặt thảo thơm vậy thôi cũng đủ vui tươi hết ngày.

Chia sẻ