Quá trình chẩn đoán Covid-19 phức tạp ở Mỹ qua câu chuyện của nữ bác sĩ: Cả nhà 3 người đều có triệu chứng, ai mới thực sự nhiễm bệnh?

JAYDEN,
Chia sẻ

Người bố hàng ngày đi làm xa ở tâm dịch New York, người mẹ đặc biệt cẩn thận và cậu con trai vừa được đón về từ trường đại học. Cả ba đều có triệu chứng Covid-19, nhưng không dễ để xác nhận ai mới thật sự mang mầm bệnh.

Cậu thanh niên 20 tuổi liên tục cựa quậy trên băng ca ở Bệnh viện Greenwich, bang Connecticut vào ngày 14/3. Rất khó để bắt bệnh nhân nằm im khi cậu bị nhức đầu, miệng bỏng rát, hai bàn tay sưng tấy và cả cơ thể rệu rã.

Hai hôm trước, cậu trở về nhà do đại học ở ngoại ô Philadelphia đã đóng cửa để chống dịch Covid-19. Một số bạn học của cậu có triệu chứng, vì vậy nam thanh niên nghi mình cũng bị lây nhiễm.

Người con trai trở về nhà từ trường đại học

 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Khi người mẹ gặp lại con trai, bà biết ngay là cậu bị ốm. Khuôn mặt con tái nhợt và liên tục đổ mồ hôi, sau đó bị sốt. Người phụ nữ gọi điện đến tổng đài Covid-19 để tìm kiếm sự hướng dẫn. Lúc đó, bang Connecticut đã ghi nhận trường hợp nhiễm virus đầu tiên vào ngày 8/3, vì vậy mọi người cũng tỏ ra lo ngại hơn.

Tư vấn viên cho biết, xét thấy cậu thanh niên đã tiếp xúc với nhiều người tại trường đại học và hiện giờ bị sốt, cậu đủ tiêu chuẩn để làm xét nghiệm. Thời gian sớm nhất là vào 3 hôm nữa, ngày 15/3 có thể đến lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại điểm drive-through của địa phương (lấy mẫu bệnh phẩm ngay trên ô tô mà không cần bước xuống xe). Trong lúc chờ đợi, các thành viên trong gia đình phải tự cách ly.

Tuy nhiên, bệnh tình của nam thanh niên càng lúc càng nghiêm trọng. Một ngày sau khi trở về nhà (13/3), cậu chán ăn và bị phát ban xung quanh mũi, miệng và cằm. Sáng hôm sau, khi cậu bắt đầu nôn mửa thì được mẹ chở đến Bệnh viện Greenwich.

Cậu thanh niên không bị sốt ở phòng cấp cứu. Mọi bài kiểm tra khác đều cho kết quả bình thường, ngoại trừ các nốt đỏ trên mặt, tay và lưng. Chúng rất mềm và gây khó khăn cho bệnh nhân để có thể nói chuyện, ăn uống hay thậm chí là cầm nắm như bình thường. Do đó, các bác sĩ đồng ý cho cậu thanh niên nhập viện và làm kiểm tra Covid-19. Các nốt đỏ không phải là một triệu chứng thường thấy do virus corona chủng mới gây nên, dù y học vẫn chưa hiểu biết cặn kẽ về căn bệnh này.

Mặt khác, bác sĩ cho biết các nốt đỏ này giống với biểu hiện của bệnh tay chân miệng, một bệnh truyền nhiễm do virus Coxsackie, thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên. Trong lúc y tá đang giải thích cho bệnh nhân, người mẹ bỗng nhiên ho dữ dội. "Tôi đã cảm thấy ngứa họng từ mấy ngày nay" - bà giải thích với y tá. "Tôi thật sự lo ngại về tiếng ho đó" - nữ y tá đáp lại, đề nghị bà hãy trình bày với bác sĩ để được làm xét nghiệm Covid-19.

Người mẹ đặc biệt cẩn thận

Người phụ nữ không thể tin rằng bà có thể nhiễm virus corona. Bà đã vô cùng cẩn thận, luôn đeo khẩu trang và găng tay mỗi khi ra khỏi nhà từ cuối tháng 2. Dù mọi người xung quanh nhìn mình như kẻ quẫn trí, bà đều mặc kệ tất cả. Bà cũng tẩy trùng tất cả vật dụng và rửa tay thường xuyên.

Nếu thật sự nhiễm virus, đây là một tin tức khủng khiếp vì người phụ nữ đang chăm sóc cho mẹ già 91 tuổi. Cụ bà đã tự cách ly trong một căn hộ riêng biệt khi dịch Covid-19 tàn phá thành phố New York, cách tiểu bang Connecticunt chỉ đâu đó 100 km. Bà trông cậy vào con gái để được tiếp tế đồ ăn, thuốc men và mọi nhu cầu thiết yếu khác.

Người phụ nữ nghi ngờ chồng mình đã không giữ vệ sinh cẩn thận. Hàng ngày, ông vẫn bắt tàu điện ngầm đi làm xa ở New York. Ông không đeo khẩu trang, dù khẳng định luôn mang găng tay mỗi khi ra khỏi nhà. Tuy vậy, ông đã bắt đầu ho từ cách đây 1 tuần hoặc sớm hơn.

Người phụ nữ cũng bị ho kéo dài, bắt đầu vài ngày trước khi đưa con trai đến khoa cấp cứu Bệnh viện Greenwich hôm 14/3. Cách đây 1 tuần, bà bị nhức đầu giống như viêm xoang. Bà đi bộ đến phòng khám vào ngày 10/3, được kê thuốc kháng sinh. Khi tình hình vẫn chưa thuyên giảm, bà quay lại phòng khám và được cho liều kháng sinh thứ hai nhưng cũng không giúp ích gì được. Hiện giờ, khi nữ y tá đề nghị làm xét nghiệm Covid-19, cô đã nói hộ một nỗi sợ mà người mẹ không dám đối mặt.

 - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Sáng hôm sau, 15/3, người phụ nữ gọi đến tổng đài tư vấn Covid-19, lần này cho bản thân mình. Bà nhắc về cơn đau đầu, ho khan và con trai mình cũng đang nằm điều trị. Đầu dây bên kia kiên nhẫn giải thích rằng bà không đạt tiêu chuẩn để làm xét nghiệm, ngay cả nếu con trai nhiễm Covid-19. Điều nên làm lúc này là hãy tự cách ly 14 ngày.

Người phụ nữ cảm thấy thất vọng sau cuộc điện thoại. Bà muốn biết chắc chắn mình có nhiễm virus hay không, để còn sắp xếp chu đáo cho con trai đang nằm viện và người mẹ già đang cách ly.

Vậy là bà gọi điện một lần nữa, gặp được một tư vấn viên khác trả lời. Người mẹ vẫn mô tả các triệu chứng và về con trai của mình. Tổng đài viên lại hỏi bà có bị sốt hay không. Người phụ nữ do dự, bà không muốn che giấu điều gì nhưng sợ rằng mình lại bị từ chối. "Có, tôi bị sốt" - bà nói trong điện thoại. Tổng đài viên sắp xếp cho bà làm xét nghiệm ở thành phố Waterbury.

Người bố có triệu chứng nặng

Cậu con trai ở lại bệnh viện chỉ 3 ngày, được xuất viện hôm 17/3. Dù vẫn chưa có kết quả xét nghiệm nhưng bác sĩ cho biết đây không phải là Covid-19 mà là bệnh tay chân miệng. Triệu chứng của nó cũng bao gồm cảm nhẹ, và điển hình hơn là các mụn nước đỏ, chúng sẽ vỡ ra và lành lại sau vài ngày.

Những nốt phát ban này thường chỉ giới hạn ở miệng nhưng cũng có thể lan tới tay, chân, trong một số ít trường hợp còn có ở vùng thân trên hay mông. Nó khá dễ lây nhiễm nhưng người lớn ít khi mắc bệnh, dù chưa rõ nguyên nhân vì sao. Một vài ngày sau, kết quả xét nghiệm đã xác nhận cho các giả thiết của bác sĩ: bệnh nhân âm tính với virus corona nhưng dương tính với virus Coxsackie (gây bệnh tay chân miệng).

Khi con trai trở về nhà, ưu tiên của người mẹ vẫn là... tránh mặt con càng xa càng tốt, cho đến khi bà biết mình có mắc Covid-19 hay không. Bà cũng tự cách ly bản thân với chồng.

Thế nhưng điều bất ngờ là người bố lại xuất hiện các dấu hiệu bệnh nặng. Ngày 18/3, ông cho biết sẽ đi đến phòng cấp cứu do bị khó thở. Ông tự gói ghém đồ đạc, phòng trường hợp phải nhập viện.

 - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Kết quả đúng là như vậy. Người bố có nồng độ oxy trong máu khá thấp, hình ảnh chụp X-quang cho thấy ông bị viêm cả 2 bên phổi. Các bác sĩ đã gần như chắc chắn ông nhiễm Covid-19 và chuyển sang khu vực cách ly. Hôm sau (19/3), cả hai vợ chồng đều nhận về kết quả xét nghiệm: họ dương tính với virus corona. Người chồng phải nằm điều trị 1 tuần. Sau khi xuất viện, do bà xã quá lo lắng nên ông dọn đến căn hộ nhỏ của gia đình ở trong thành phố.

Về phần người vợ, bà dần thoát khỏi cơn nhức đầu và ho dai dẳng. Bà chưa từng bị sốt trong suốt thời gian phát bệnh. Người phụ nữ dám chắc mình đã bị chồng lây nhiễm Covid-19, dù ông ấy khẳng định bị ho sau vợ nhiều ngày. Họ sẽ không bao giờ biết được mình "dính" virus từ ai và ở đâu, khi nào.

Về người con trai, nếu cậu phát bệnh tay chân miệng vào một khung thời gian khác, các bác sĩ sẽ chẩn đoán được ngay lập tức. Tuy nhiên giữa một đại dịch gây nên bởi virus chủng mới và đang lây lan quá nhanh, mọi thứ đều có vẻ giống như Covid-19.

* Câu chuyện được ghi lại bởi Lisa Sanders. Bà là một bác sĩ kiêm giáo sư tại trường y Yale danh tiếng. Từ năm 2002, bà bắt đầu viết mục "Chẩn đoán" cho báo New York Times, kể lại các ca bệnh và cả một số trường hợp y khoa bí ẩn.

(Theo NY Times)

Chia sẻ