10 “chi tiết bí ẩn” về dịch COVID-19 vẫn đang được các nhà khoa học gấp rút lý giải
Gần 4 tháng kể từ khi ghi nhận ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên tại Trung Quốc vào tháng 12/2019 vẫn còn rất nhiều ẩn số về loại virus này.
SARS-CoV-2 là loại virus gây ra đại dịch COVID-19, gần 4 tháng qua COVID-19 đã thay đổi thế giới theo một cách bất ngờ và chưa có tiền lệ. Tính đến ngày 18/4, trên thế giới có 2.240.191 được thử nghiệm dương tính với virus và 153.822 ca tử vong.
Loại virus này cũng đặc biệt ở chỗ chúng ta không biết nó hoạt động như thế nào. Đến nay vẫn còn những lỗ hổng lớn giữa cách chúng ta nghĩ về virus và những gì chúng ta quan sát thấy từ các bệnh nhân.
Dưới đây là 10 điều bí ẩn về COVID-19 mà nhân loại chưa thể giải mã:
1. Tại sao những người trẻ, khỏe mạnh lại tử vong vì COVID-19?
Một trong những thông tin đáng quan tâm nhất của đại dịch là tỷ lệ tử vong ở người cao tuổi luôn lớn hơn những người trẻ, khỏe mạnh. Tuy nhiên trong thực tế, có khá nhiều người trẻ tuổi trên thế giới đã chết vì virus. Đây là một chi tiết mà đến nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm được nguyên nhân.
Theo hiểu biết hiện tại của chúng ta về đại dịch, đối tượng có sức khỏe tốt, ít tuổi thường không xuất hiện các triệu chứng COVID-19 nghiêm trọng. Tuy nhiên, có lẽ vẫn phải đặt một dấu chấm hỏi lớn về cách virus ảnh hưởng đến các nhóm người theo nhiều cách khác nhau, câu trả lời có ý nghĩa rất quan trọng trong việc ngăn chặn khả năng người trẻ tử vong quá nhiều vì COVID-19 trong tương lai.
2. Con người đã bị nhiễm corona chủng mới từ động vật?
Dù còn khá nhiều điều còn mơ hồ về đại dịch COVID-19 nhưng khả năng cao con người bị nhiễm virus corona chủng mới từ động vật. Đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi về nguồn gốc của COVID-19 chính xác từ loài động vật nào: tê tê, dơi và thậm chí cả gia cầm đang là nghi phạm tiềm năng.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được cách virus đột biến ở người đang lây truyền trở lại cho động vật. Đã có trường hợp một con hổ tại vườn thú Bronx, Mỹ được chẩn đoán bị nhiễm virus corona mới. Dù không ai biết chắc chắn về phương thức lây nhiễm nhưng dự đoán cho thấy có thể con vật lây bệnh từ một trong những nhân viên vườn thú bị nhiễm COVID-19 mà không có triệu chứng.
Nhưng nếu đúng như vậy, thì SARS-CoV-2 có lẽ đã phải được truyền cho các động vật khác. Nhưng sự thật là không có con thú nào khác trong vườn thú có bất kỳ triệu chứng nào. Như vậy, SARS-CoV-2 có thể ảnh hưởng đến hổ vì một số lý do nào đó.
3. Cấu trúc sinh học của COVID-19 là như thế nào?
Chủng SARS-CoV-2 đã được chứng minh là khó hiểu hơn nhiều so với chúng ta tưởng tượng. Các nhà khoa học vẫn đang đặt dấu hỏi lớn về cấu trúc sinh học cơ bản của virus.
Chúng ta biết rằng nó có hình dạng giống như một quả bóng với những chiếc gai để đột nhập vào tế bào sống. Tuy nhiên đến nay, vì sao SARS-CoV-2 lại lây lan nhanh đến vậy, điều gì khiến chúng trở nên nguy hiểm với con người và nó ảnh hưởng đến con người như thế nào vẫn là một bí ẩn.
4. Sự biến đổi của nó trong con người như thế nào?
Sinh học virus có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của nó, mặc dù vậy, vẫn còn câu hỏi về chủng SARS-CoV-2 lây nhiễm ở người như thế nào.
Loại virus SARS-CoV-2 dường như đã biết cách lây nhiễm và tiêu diệt ngay từ đầu vì nó đã không có thay đổi đáng kể nào kể từ khi đại dịch bùng phát. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nó không đột biến, mặc dù không có đột biến nào chiếm được ưu thế so với bản gốc. Chủng SARS-CoV-2 hiện tại không cần phải thay đổi bản thân để lây nhiễm nhiều vật chủ hơn vì nó đã có thể làm điều đó mà không cần nhiều nỗ lực.
5. Tại sao bệnh nhân đã thử nghiệm âm tính sau đó lại dương tính?
Trong khi đang phải vật lộn với hàng chục ngàn ca nhiễm COVID-19 mới trên khắp thế giới mỗi ngày, các bác sĩ hiện đang phải đối mặt với một vấn đề mới không thể giải thích được: Tại sao bệnh nhân đã thử nghiệm âm tính sau đó lại cho kết quả dương tính? Điều này đã tạo ra nghi ngờ về chính các phương pháp và công cụ mà chúng ta sử dụng để kiểm tra bệnh nhân.
Trên thực tế, virus có thể không hoạt động trong một thời gian trước khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào vì vậy Tổ chức Y tế thế giới đã yêu cầu tất cả các bệnh nhân hồi phục kiểm tra âm tính với virus hai lần, với khoảng thời gian ít nhất là 24 giờ giữa các lần kiểm tra.
Theo một số chuyên gia, virus có thể có khả năng tự hủy kích hoạt và cũng tự kích hoạt lại bên trong vật chủ của nó (chính là con người). Tuy nhiên, không loại trừ khả năng bệnh nhân tái nhiễm vì lây từ các nguồn bệnh khác hoặc vì nhiều lý do khác nhau.
6. Tại sao một số bệnh nhân nhiễm COVID-19 không có bất cứ triệu chứng nào?
Nhìn lại các đại dịch trong quá khứ mới thấy sự nguy hiểm của corona chủng mới không đến từ tỷ lệ lây lan hoặc gây tử vong cao bởi trước đây nhân loại đã xử lý rất nhiều dịch bệnh nguy hiểm hơn như dịch hạch, cúm Tây Ban Nha.
Điểm kỳ lạ ở dịch COVID-19 là ở chỗ: Nhiều bệnh nhân chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc thậm chí không có triệu chứng nào, như vậy SARS Cov-2 sẽ tiếp cận được nhiều người hơn bất kỳ loại bệnh nào.
Tuy nhiên, đến nay các nhà khoa học vẫn không biết có bao nhiêu trường hợp nhiễm COVID-19 có triệu chứng như vậy. Những trường hợp bệnh nhân bị nhẹ hoặc không có triệu chứng chỉ được xét nghiệm dương tính với virus khi được kiểm tra.
7. Vì sao trẻ em chống chọi với SARS Cov-2 rất tốt?
Người cao tuổi có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 cao hơn được giải thích rằng họ có khả năng miễn dịch yếu. Tuy nhiên, vì sao dịch COVID-19 lại ít ảnh hưởng đến trẻ em?.
Trong thực tế, trẻ em thường có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, như cúm thông thường... Thêm vào đó, một số người khỏe mạnh, có cơ chế chống lại virus tốt hơn trẻ em lại tử vong. Những điều này đã cho thấy vì sao trẻ em nhiễm COVID-19 thường ở thể nhẹ, dễ hồi phục vẫn đang là một điều bí ẩn.
8. Bệnh nhân hồi phục như thế nào?
Đến nay, điều chúng ta vẫn hoàn toàn không hiểu được là làm thế nào bệnh nhân nhiễm COVID-19 có thể hồi phục?
Thông thường đối với các bệnh khác, bệnh nhân hồi phục bằng cách phát triển các kháng thể. Các kháng thể đó không chỉ giúp chống lại căn bệnh đó, mà còn bảo vệ cơ thể họ trước các cuộc tấn công trong tương lai bởi một chủng tương tự. Khả năng miễn dịch có thể không vĩnh viễn, như trong trường hợp virus cúm, mặc dù cơ thể vẫn lưu một số dấu hiệu đã chiến đấu với căn bệnh này. Nhưng điều đó không đúng với số lượng lớn bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục, hiện các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm cách để hiểu lý do.
Trong một nghiên cứu được thực hiện ở Trung Quốc, hầu hết các trường hợp hồi phục đã phát triển các kháng thể đặc biệt đối với chủng SARS Cov-2. Tuy nhiên, 30% bệnh nhân không có dấu hiệu của những kháng thể đó hoặc bất kỳ kháng thể nào khác, vì vậy vẫn không rõ cơ thể họ đã hồi phục như thế nào.
9. Tại sao lại có những con đường lây nhiễm vô hình?
Điều đáng lo ngại hiện nay là: Chúng ta vẫn thấy khá nhiều bệnh nhân từ khắp nơi trên thế giới không có bất kỳ con đường lây nhiễm cụ thể nào.
Ví dụ, một đứa trẻ mới biết đi ở Gujarat (Ấn Độ) đã bị nhiễm bệnh và chết mặc dù không có trường hợp nào khác được ghi nhận trong toàn khu vực đó. Một người đàn ông ở California đã trở thành người Mỹ đầu tiên nhiễm virus mà không tiếp xúc với bất kỳ vật chủ tiềm năng nào...
10. SARS-CoV-2 lây lan như thế nào?
Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy, chúng ta biết rất ít về SARS-CoV-2 và chúng ta sẽ phải liên tục phát triển các kỹ thuật phòng ngừa. Bí ẩn lớn nhất của đại dịch COVID-19 là chúng ta không biết chắc chắn nó lây lan như thế nào, tất cả những gì chúng ta nói về nó chỉ là "dự đoán".
Trước đó, người ta tin rằng SARS Cov-2 chỉ có thể lây lan qua giọt bắn của người bệnh, nhưng một số nghiên cứu mới cho thấy virus có thể tồn tại trong không khí lâu hơn chúng ta nghĩ. Đến nay, vẫn chưa rõ về tất cả các cách mà SARS-CoV-2 có thể lan truyền.
Nguồn: Listverse