Lý giải việc 163 bệnh nhân Hàn Quốc vừa phục hồi lại dương tính với virus corona: Liệu chúng ta có thể bị tái nhiễm Covid-19?

J.D,
Chia sẻ

"Covid-19 là dịch bệnh khó khăn nhất mà chúng ta từng đối mặt trong những thập kỷ gần đây" - ông Kwon Joon-wook, phó giám đốc KCDC nhận định. "Một kẻ thù rất mạnh và đầy thách thức."

Tại Hàn Quốc, hiện tại có một bí ẩn đang làm đau đầu các chuyên gia y tế. Đó là việc tại sao 163 bệnh nhân đã phục hồi, sau đó cho kết quả dương tính khi xét nghiệm lại Covid-19 theo xác nhận của KCDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc).

Những trường hợp tương tự cũng đã xảy ra tại Trung Quốc, dù không được ghi nhận trong các báo cáo chính thức. Và từ đây, nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu sau khi khỏi bệnh, chúng ta có thể bị tái nhiễm virus corona hay không?

Ở Hàn Quốc, tỉ lệ dương tính khi tái xét nghiệm là thấp: trong số 7829 người hồi phục, chỉ có 2,1% - số liệu do KCDC cung cấp ngày 17/4. Có bao nhiêu người trong số phục hồi được làm xét nghiệm thì không được nêu rõ. Dẫu vậy, việc người bệnh tiếp tục dương tính khi tái xét nghiệm đang gây hoang mang, nhất là tại những quốc gia đang dần kiểm soát được dịch bệnh.

"Covid-19 là dịch bệnh khó khăn nhất mà chúng ta từng đối mặt trong những thập kỷ gần đây," - ông Kwon Joon-wook, phó giám đốc KCDC nhận định. "Một kẻ thù rất mạnh và đầy thách thức."

Giả thuyết: Dương tính do tàn dư của virus và đó không phải tái nhiễm

Giả thuyết phổ biến nhất cho câu chuyện "tái dương tính" có vẻ là vì các bộ xét nghiệm đã thu nhặt tàn dư của virus trong cơ thể người bệnh. Kwon cho biết, KCDC đã tiến hành điều tra lại trường hợp một gia đình 3 thành viên có người tái dương tính sau khi phục hồi. Với mỗi trường hợp, họ đều thử "ủ" virus, nhưng không có dấu hiệu phát triển. Điều này có nghĩa rằng virus không có khả năng gây nguy hiểm nữa - ít nhất là trong thử nghiệm của họ.

Giống như các quốc gia khác, Hàn Quốc sử dụng phản ứng RT-PCR (đảo ngược sao chép chuỗi polymerase) để xét nghiệm virus. Loại xét nghiệm này cho phép tìm ra bằng chứng virus thông qua các thông tin di truyền từ mẫu bệnh phẩm của người nhiễm. Tuy nhiên theo Kwon, bộ xét nghiệm này rất nhạy cảm, nên có khả năng nó đã lấy một phần ARN của tàn dư virus, dù người bệnh đã phục hồi.

"Đây là lời giải thích khả thi và hợp lý nhất lúc này," - ông cho biết.

Một trong những chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc - ông Chung Nam Sơn cũng đưa ra nhận định tương tự tại buổi họp báo tuần qua. Ông cho biết, người đã khỏi bệnh tái dương tính với virus có nhiều khả năng là vì một phần tàn dư mầm bệnh vẫn còn sót lại mà thôi.

"Tôi không quá lo lắng về các trường hợp đó," - chuyên gia Chung nhận xét.

Những lời giải thích khác

Một số giả thuyết được khác cũng được đưa ra, bao gồm: bộ xét nghiệm bị lỗi, hoặc virus trong cơ thể tái hoạt động. Tuy nhiên mỗi giả thuyết đều có vấn đề riêng.

Nếu bộ xét nghiệm bị lỗi, nghĩa là kết quả có thể là âm tính hoặc dương tính giả. Có nhiều lý do để điều này xảy ra, bao gồm các hóa chất dùng để xét nghiệm, và khả năng virus đã đột biến khiến cho bộ xét nghiệm không thể nhận ra nó nữa.

Tuy nhiên trong một cuộc họp báo, Kwon nhận xét có rất ít khả năng bộ xét nghiệm bị lỗi. Tuy nhiên, ông cho biết các nhà khoa học vẫn đang kiểm tra những bệnh nhân tái dương tính, nhằm đảm bảo kết quả ấy không phải do lỗi. Hiện tại, KCDC đang rà soát toàn bộ để có kết luận chuẩn xác nhất.

 - Ảnh 3.

Kết quả tái dương tính cũng đang khiến các bệnh nhân cảm thấy lo lắng. Jin Kim - bệnh nhân tại Daejeon được xác nhận nhiễm Covid-19 vào ngày 25/3. Trong tuần qua, anh xét nghiệm 2 lần: lần 1 anh âm tính, nhưng sau 1 ngày thì lại dương tính. Kim sẽ phải xét nghiệm thêm 2 lần nữa, để chính thức được xác nhận là khỏi bệnh. Và kể cả sau khi xuất viện, anh cũng sẽ tiếp tục tự cách ly trong 2 tuần, theo chỉ thị của chính phủ.

Bệnh nhân tái dương tính có thể lây nhiễm cho cộng đồng?

Ông Kwon chia sẻ, đến thời điểm hiện tại chưa có bằng chứng nào cho thấy người tái dương tính có khả năng lan truyền dịch bệnh, dù 44% xuất hiện triệu chứng nhẹ. "Chúng tôi cho rằng chưa có nguy hiểm gì về khả năng lan truyền thứ cấp của người tái dương tính."

Bác sĩ Deborah Birx tại Nhà Trắng (Hoa Kỳ) thì cho rằng đây vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. "Hiện tại vẫn chưa thể trả lời rằng người đã phục hồi có thể vẫn tạo ra các chuỗi ARN có tính lây nhiễm hay không," - Birx trả lời CNN .

 - Ảnh 4.

Dẫu vậy thì để giảm bớt nguy cơ, KCDC khuyến cáo bệnh nhân sau khi phục hồi cần tự cách ly trong 2 tuần. Thậm chí như giáo sư dịch tễ ĐH Quốc gia Seoul Sung-Il Cho đề xuất, có thể đưa những người xuất viện vào khu cách ly, nhằm đảm bảo không có hiện tượng virus tái hoạt động.

Người khỏi bệnh có tạo ra kháng thể?

Khi người nhiễm virus phục hồi, cơ thể họ sẽ tạo ra kháng thể. Đây là yếu tố quan trọng, vì nó giúp họ không bị tái nhiễm cùng một loại virus trong một khoảng thời gian, vì cơ thể đã biết cách chống lại chúng. Nhưng đó là lý thuyết! Việc xuất hiện những bệnh nhân "tái dương tính" khi xét nghiệm đã khiến nhiều người băn khoăn về khả năng cơ thể xây dựng hệ miễn dịch cho Covid-19.

Trả lời cho vấn đề này, Birx cho biết bà đã từng chứng kiến bệnh nhân hồi phục và tạo ra kháng thể. Tuy nhiên, luôn tồn tại khả năng sẽ có người không thể tạo ra kháng thể chống virus. "Khả năng ấy có tồn tại, nhưng chúng ta chưa có bằng chứng nào cho thấy nó phổ biến."

 - Ảnh 5.

KCDC hiện tại đang tiến hành thử nghiệm trên 400 người đã phục hồi, để xem liệu có tạo ra được kháng thể để chữa trị cho người khác hay không. Theo Kwon, quá trình này sẽ cần vài tuần.

"Chúng ta vẫn chưa biết quá nhiều về con virus này." - Kwon kết luận.

Nguồn: CNN
Chia sẻ