Phương pháp "đặc biệt" ôn thi tốt nghiệp THPT
Sau khi kết thúc chương trình học, nhiều cơ sở giáo dục vẫn mở cửa, giáo viên tiếp tục công việc của mình để hỗ trợ tốt nhất cho HS trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Việc HS ôn tập tại trường hoàn toàn theo tinh thần tự nguyện.
Cách ôn tập đặc biệt
Từ nhiều năm nay, Trường THPT Thanh Thủy (Phú Thọ) triển khai cách ôn tập khá đặc biệt: Ngoài thực hiện đại trà, nhà trường còn phân nhóm HS có học lực tốt hơn hẳn và nhóm HS học lực yếu để có biện pháp phù hợp.
"Chúng tôi gọi là "nhóm đầu cao", hoặc "nhóm 24+" với những HS được lựa chọn trên cơ sở điểm bài khảo sát có 3 môn theo tổ hợp xét tuyển truyền thống đạt 24 điểm trở lên.
Tương tự, nhà trường chọn ra "nhóm 3+" là HS có điểm môn Khoa học tự nhiên và tiếng Anh rất thấp; "nhóm 5+" - HS có điểm môn Khoa học xã hội rất thấp. Nhóm này được giáo viên tập trung ôn tập trong khoảng 1 tiếng mỗi buổi, sau khi ôn tập đại trà.
Hoạt động phụ đạo cho nhóm "đầu cao" và "đầu thấp" được nhà trường thực hiện hoàn toàn miễn phí" – thầy Nguyễn Văn Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Thủy chia sẻ.
Là trường có đầu vào cao, HS học lực tốt, Trường THPT Tây Sơn (Hà Nội) chủ yếu tăng cường hướng dẫn các em tự ôn tập trong thời gian nghỉ hè.
Với những HS có kết quả chưa cao, hoặc có nhu cầu, thầy cô luôn sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ. Giáo viên cũng trực tiếp thông báo với cha mẹ HS để có giải pháp riêng cho con em mình.
"HS Trường THPT Tây Sơn vẫn đang học để hoàn thành chương trình vào 10/7. Công tác ôn tập được triển khai đồng thời với việc dạy học cả tháng qua", cô Lương Quỳnh Lan – Hiệu trưởng Trường THPT Tây Sơn chia sẻ.
Việc tham gia các lớp ôn tập tại Trường THPT Thanh Thủy do HS đăng ký tự nguyện, nhằm duy trì nhịp độ học tập. Mỗi buổi sáng, trường bố trí ôn tập 2 môn, mỗi môn 2 tiết; buổi chiều chủ yếu dành cho phụ đạo. Hoạt động này dự kiến kéo dài đến đầu tháng 8, nhưng mật độ sẽ giãn dần để HS có thời gian nghỉ ngơi và tăng cường tự học tại nhà.
"Hiệu quả của cách làm này rất rõ rệt. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, hầu hết HS ở "nhóm 24+" đều đạt 24 điểm trở lên, nhiều em đạt 26, 27 điểm.
Đợt khảo sát toàn tỉnh vừa rồi, tất cả tổ hợp, nhóm này đều có HS đạt trên 27 điểm, thậm chí có em đạt 27 điểm ở cả 3 khối. Với "nhóm 3+", "nhóm 5+", HS có thay đổi rõ rệt. Các em đều đạt từ 5 điểm trở lên khi tham gia khảo sát toàn tỉnh" – thầy Nguyễn Văn Thắng cho hay.
Trường THPT Nguyễn Trường Thúy (Nam Định) tổng kết năm học vào ngày 6/7 theo lịch chung của sở GD&ĐT. Với HS lớp 12, việc ôn tập thi tốt nghiệp THPT thực hiện theo kế hoạch xây dựng từ đầu năm học. Trong thời gian nghỉ hè, trường vẫn tổ chức ôn tập cho HS trên cơ sở thống nhất thoả thuận với cha mẹ HS.
"Việc ôn tập thi tốt nghiệp THPT bảo đảm không quá tải, kết hợp giữa ôn tập trên lớp với hướng dẫn HS tự học ở nhà. Hoạt động ôn tập sẽ kết thúc trước kỳ thi tốt nghiệp khoảng 3 - 4 ngày để HS có thời gian nghỉ ngơi.
Trong khoảng thời gian này, trường cũng dự kiến sẽ tổ chức 2 lần thi thử, 1 lần trực tiếp, theo lịch chung và đề thi chung của sở GD&ĐT; 1 lần trực tuyến theo đề riêng của trường, để từ đó có giải pháp ôn tập cho HS hiệu quả hơn" – thầy Hiệu trưởng Trần Xuân Trà cho biết.
Không gây quá tải, áp lực
Chia sẻ của ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang, đến nay, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành chương trình các môn học và hoạt động giáo dục, chuẩn bị tổng kết năm học.
Theo hướng dẫn, các trường sẽ tổ chức tổng kết năm học từ ngày 11 - 15/7/2020. Đối với HS lớp 12 được ôn tập thi tốt nghiệp THPT từ sau ngày 20/6/2020.
"Tùy theo tình hình thực tế và nhu cầu, hiệu trưởng các trường quyết định thời gian ôn tập. Dự kiến thời gian ôn tập tối thiểu 5 tuần (tính đến tuần đầu tháng 8).
Nội dung ôn tập bám sát vào cấu trúc đề tham khảo (công bố lần 2) của Bộ GD&ĐT, có chú ý phân hóa theo khối thi và trình độ tiếp thu của HS. Qua kiểm tra công tác ôn tập tại các trường, thời gian ôn tập không quá 28 tiết/tuần/HS; chủ yếu học 1 buổi/ngày, thời gian còn lại do HS tự học", ông Trần Tuấn Khanh thông tin.
Để công tác ôn tập cho HS trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT hiệu quả, nhưng không quá áp lực, căng thẳng cho HS, ông Trần Tuấn Khanh cho biết: Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường bố trí giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy, ưu tiên cơ sở vật chất, phòng học cho HS lớp 12, cân đối kinh phí, tài liệu tham khảo.
Các trường cũng chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập xuất phát từ nhu cầu thực tế; bố trí số tiết/môn phù hợp với đặc điểm của nhà trường, tâm lý và năng lực học tập của từng nhóm HS.
Việc bố trí giờ dạy ôn tập/lớp bảo đảm khoa học, không gây quá tải cho người học. Tùy điều kiện cụ thể của nhà trường mà tổ chức ôn tập cho những HS đã hoàn thành chương trình THPT nhưng chưa tốt nghiệp có nguyện vọng ôn tập thi lại.
"Các trường còn phối hợp với lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường để hỗ trợ HS trong thời gian tổ chức ôn tập: Động viên các em có hoàn cảnh khó khăn đến trường ôn tập, hướng dẫn phương pháp tự học; quản lý nền nếp, giờ giấc, sự chuyên cần của HS…
Hằng năm, các trường vùng khó khăn đều phối hợp với nhà hảo tâm vận động mạnh thường quân hỗ trợ nơi ăn nghỉ cho HS, bảo đảm an toàn sức khỏe cho các em trước và trong kỳ thi", ông Trần Tuấn Khanh chia sẻ thêm.
"Kinh phí tổ chức ôn tập cho HS lớp 12 do hiệu trưởng nhà trường cân đối từ ngân sách được giao, hoặc từ nguồn hợp pháp khác trên nguyên tắc tự nguyện, không để xảy ra tình trạng lạm thu. Tuy nhiên, các trường đều có giải pháp nhằm tạo điều kiện cho HS có hoàn cảnh gia đình khó khăn được tham gia ôn tập" - Ông Trần Tuấn Khanh cho biết.