Phụ nữ thoải mái để ngực trần bơi như đàn ông: Thủ đô nước Đức ra thông báo chưa từng có tiền lệ và thứ "đam mê" không dễ xóa nhòa
Phụ nữ ở thủ đô Berlin (Đức) giờ đây có thể để ngực trần giống như đàn ông khi bơi trong các bể bơi công cộng của thành phố nếu họ muốn.
Thông báo này được chính quyền thành phố Berlin đưa ra hồi giữa tháng 3 này sau khi một người phụ nữ cho biết mình bị một trong những hồ bơi của thành phố cấm cửa vì để ngực trần.
Động thái này của thủ đô nước Đức không chỉ được xem như bước tiến mới cho nỗ lực bình đẳng giới ở thủ đô nước Đức, mà còn thể tình yêu của người Đức đối với Freikoerperkultur - được dịch theo nghĩa đen là "văn hóa cơ thể tự do" - bắt nguồn từ cuối thế kỷ 19.
Động thái thúc đẩy bình đẳng giới được hoan nghênh
Các nhà chức trách Berlin đã có phản ứng sau khi một nữ vận động viên bơi lội cho biết cô đã bị ngăn không cho đến một trong những hồ bơi của thành phố mà không che ngực vào tháng 12 năm 2022.
Bức xúc vì bị phân biệt, người phụ nữ này đã gửi đơn khiếu nại tới văn phòng thanh tra của thành phố tại Ủy ban Tư pháp, Đa dạng và Chống phân biệt đối xử của Thượng viện Đức.
Các nhà chức trách đồng ý rằng người phụ nữ này là nạn nhân của sự phân biệt đối xử và cho phép tất cả du khách đến các bể bơi ở Berlin, bao gồm cả phụ nữ và những người xác định là phi nhị giới (không xác định mình là nam hay nữ), được phép... để ngực trần.
Trước đó, một sự cố tương tự đã xảy ra tại một công viên nước ở Berlin vào mùa hè năm 2021. Người phụ nữ Pháp tên Gabrielle Lebreton đã đề nghị được bồi thường tài chính sau khi nhân viên an ninh yêu cầu cô rời khỏi công viên vì cô từ chối che ngực. Gabrielle đang ở cùng đứa con trai 5 tuổi khi vụ việc xảy ra.
Trả lời phỏng vấn tờ tin tức Die Zeit của Đức vào thời điểm đó về lý do tại sao cô tin rằng đó là sự phân biệt giới tính, Gabrielle nói: "Theo quan điểm của tôi - và tôi cũng dạy điều này cho con trai mình - không thể có sự khác biệt như thế. Đối với cả nam giới và phụ nữ, bộ ngực là một đặc tính sinh dục phụ nhưng đàn ông có quyền tự do cởi bỏ quần áo khi trời nóng còn phụ nữ thì không".
Chính quyền Berlin đã xác nhận động thái này trong một thông cáo báo chí hôm 9/3. "Do khiếu nại phân biệt đối xử thành công, các bể bơi ở Berlin trong tương lai sẽ áp dụng các quy định về nhà tắm của họ theo nguyên tắc bình đẳng giới", tuyên bố viết.
Người đứng đầu văn phòng thanh tra Berlin, Tiến sĩ Doris Liebscher, ca ngợi động thái này là một bước tiến cho bình đẳng giới trong thành phố.
Bà nói: “Đây là động thái đáng hoan nghênh vì nó tạo ra quyền bình đẳng cho tất cả người dân Berlin, bất kể là nam, nữ hay không thuộc giới tính nào và vì nó cũng tạo ra sự chắc chắn về mặt pháp lý cho nhân viên làm việc trong các bể bơi, nhà tắm công cộng”.
Một cư dân Berlin tên Ida cũng bày tỏ sự hoan nghênh việc nới lỏng các hạn chế. "Thật tuyệt vời khi một khiếu nại đơn giản đã giúp việc tự do để ngực trần thành hiện thực ở Berlin. Tuy nhiên, tôi không chắc chính xác điều này giúp ích như thể nào trong thúc đẩy bình đẳng giới", cô nói với CNN.
"Phụ nữ, nếu cảm thấy thoải mái với cơ thể của chính mình và đôi khi khiến người lạ tròn mắt, sẽ không gặp vấn đề gì khi phô diễn phần thân trên của họ trong bất kỳ trường hợp nào".
Ida cũng hoài nghi về việc phụ nữ sẽ áp dụng quy tắc mới rộng rãi như thế nào. "Tôi đã từng ở một bể bơi ở quận Pankow và giữa đám đông như thế, tôi sẽ không để ngực trần ở đó. Người Đức, theo quy định, rất trung lập về vấn đề đó và sẽ không bận tâm, nhưng liệu điều đó có được thực hiện tốt hay không, chúng ta chỉ có thể chờ xem", cô nói.
Động thái này không phải là chưa từng có đối với nước Đức. Thành phố Goettingen ở miền Trung là địa phương đầu tiên ở nước này cho phép phụ nữ để ngực trần bơi trong các bể bơi công cộng vào mùa hè năm ngoái.
Chính quyền thành phố đã đưa ra quyết định sau một tranh cãi về nhận dạng giới tính khi một vận động viên bơi lội được yêu cầu che thân tại một hồ bơi địa phương. Theo một báo cáo của đài truyền hình công cộng Deutsche Welle của Đức, vận động viên bơi lội đã từ chối với lý do anh ta xác định là nam và sau đó bị cấm vào cơ sở.
Một cách sống khác
Ngoài thúc đẩy bình đẳng giới, động thái này của Berlin cũng được xem như minh chứng cho tình yêu của người Đức đối với Freikoerperkultur (FKK) hay còn gọi là văn hóa cơ thể tự do - có nguồn gốc từ hàng thế kỷ trước.
Thay vì gợi dục hóa cơ thể con người khỏa thân, phong trào này nhấn mạnh vào lợi ích sức khỏe của việc khỏa thân ngoài trời khi tập thể dục hoặc hòa mình vào thiên nhiên.
Keon West, giáo sư tâm lý học xã hội tại Goldsmiths, Đại học London, đã điều tra thái độ đối với ảnh khoả thân ở nhiều quốc gia châu Âu cũng như nhiều nơi khác trên thế giới. "Hầu hết mọi người đều hiểu rằng người Đức thoải mái hơn nhiều về ảnh khoả thân so với người Anh hay người Mỹ", ông nói với CNN.
Ông giải thích rằng điều này là do ở Đức, những người "khỏa thân ở nơi công cộng không bị coi là nguy hiểm hoặc lệch lạc. Họ có xu hướng để mọi người làm điều đó và rất thoải mái với nó".
"Niềm đam mê" không mặc quần áo của người Đức bắt nguồn từ những thói quen chăm sóc sức khỏe vào cuối thế kỷ 19 khi cởi hết đồ được coi là một phần của lộ trình rèn luyện sức khỏe và tắm nắng có thể chữa được bệnh lao và thấp khớp.
Vào năm 1920, trong khi ở phần còn lại của châu Âu vẫn "phát sốt" với kiểu trang phục dài quá mắt cá chân thì người Đức đã thành lập bãi biển khỏa thân đầu tiên trên đảo Sylt.
Chỉ một thập kỷ sau, Trường khỏa thân Berlin được thành lập để khuyến khích các bài tập thể dục ngoài trời cho giới tính hỗn hợp (tức cả nam và nữ cùng khỏa thân), và người Đức cũng đã tổ chức đại hội khỏa thân quốc tế đầu tiên trên thế giới.
Năm 1926, Alfred Koch đã thành lập Trường Khỏa thân Berlin để khuyến khích thực hành khỏa thân hỗn hợp nam nữ, giữ vững niềm tin rằng khỏa thân ngoài trời thúc đẩy sự hòa hợp với thiên nhiên và có lợi cho sức khỏe.
Vào thời kỳ Đức Quốc xã, ban đầu FKK bị cấm vì văn hóa này bị coi là sự nảy nở của tính phi đạo đức. Tuy nhiên, đến năm 1942, các lệnh cấm khỏa thân nơi công cộng đã được nới lỏng nhưng vẫn phải tuân theo những định kiến của Đức Quốc xã vốn tập trung vào người Do Thái.
Sau chiến tranh, chủ nghĩa khỏa thân phổ biến như nhau ở cả hai vùng của Đức (Đông Đức và Tây Đức). Ngay cả khi đất nước bị chia cắt vào năm 1949, một số người ở phương Tây vẫn bận rộn thành lập Hiệp hội Văn hóa Cơ thể Tự do - một tổ chức ngày nay là một phần của Liên đoàn Thể thao Olympic Đức và là thành viên lớn nhất của Liên đoàn Naturist Quốc tế.
Chủ nghĩa khỏa thân đặc biệt phổ biến ở Đông Đức. Người Đông Đức được tự do thực hành chủ nghĩa khỏa thân và làm như vậy ở bất cứ đâu có thể: tại các hồ nước, bãi biển và khu cắm trại FKK lớn.
Ít ai biết rằng cảnh khỏa thân trong các bộ phim của Đức đã xuất hiện rất lâu trước khi những người khỏa thân đầu tiên xuất hiện trong các bộ phim của Hollywood.
Phong trào văn hóa vẫn phổ biến ở Đức hiện đại. Ngày nay, có khoảng 600.000 người Đức đăng ký tham gia hơn 300 câu lạc bộ khỏa thân và hơn 14 câu lạc bộ trực thuộc ở Áo.
Nguồn: CNN