Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú là đối tượng trì hoãn tiêm chủng Covid-19, hiểu sao cho đúng?

TH,
Chia sẻ

Nhiều người nghĩ rằng phụ nữ mang thai và cho con bú nằm trong đối tượng trì hoãn tiêm chủng tức là vắc-xin không thật sự an toàn. Bác sĩ chuyên khoa Nhi khẳng định, sự thật không phải như vậy.

Mới đây, trên Tiktok, BSCKII Hoàng Quốc Tưởng (giảng viên bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TP.HCM, Bệnh viện Nhi Đồng 2) chia sẻ một video ngắn gọn, dễ nhớ gửi đến những mẹ bầu, mẹ bỉm đang trong thời gian cho con bú. Video liên quan đến vấn đề mẹ bầu, mẹ cho con bú có nên tiêm vắc-xin Covid-19 hay không. Không cần giải thích dài dòng, BS Tưởng chỉ làm một vài động tác mô tả là đủ hiểu. 

Theo video của BS Tưởng, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú có thể tiêm vắc-xin Covid-19 bình thường. Đối với trường hợp mẹ cho con bú, sau khi đi tiêm về cũng không cần thiết phải vắt sữa đi như nhiều người đang đồn thổi.

Phụ nữ mang thai, cho con bú có tiêm vaccine Covid-19 được không?

Trong khi đó, ở thời điểm hiện tại, Bộ Y tế vẫn đưa đối tượng phụ nữ mang thai và đang cho con bú là đối tượng trì hoãn tiêm ngừa Covid-19.

Vậy phải hiểu thế nào?

"Trì hoãn là chưa được ưu tiên trong đợt tiêm chủng này. Điều này không đồng nghĩa với việc vắc-xin ngừa Covid-19 gây hại đến thai nhi hay sản phụ như nhiều người nghĩ", BS Hoàng Quốc Tưởng nói.

Để giải thích rõ hơn liên quan đến việc tiêm vắc-xin Covid-19 ở nhóm đối tượng này, BS Tưởng đã chia sẻ như sau:

Đối với phụ nữ mang thai

Theo BS Tưởng, có nhiều bằng chứng cho thấy phụ nữ mang thai mắc Covid-19 vào 6 tháng cuối thai kỳ có nguy cơ bị nặng hơn so với phụ nữ không mang thai trong độ tuổi sinh đẻ. 

Covid-19 trong thai kỳ cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ sinh non và tăng nguy cơ trẻ sơ sinh cần được chăm sóc đặc biệt. Phụ nữ mang thai ≥ 35 tuổi hoặc thừa cân béo phì, tiểu đường, kèm tăng huyết tăng nguy cơ dẫn đến những kết cục nghiêm trọng do mắc Covid-19. 

WHO khuyến cáo sử dụng vắc xin COVID-19 ở phụ nữ mang thai khi lợi ích của việc tiêm chủng cho phụ nữ mang thai lớn hơn nguy cơ tiềm ẩn.

Dữ liệu từ những nghiên cứu nhỏ khác cũng cho thấy vắc-xin Covid-19 mRNA có khả năng sinh miễn dịch ở phụ nữ mang thai, có thể truyền kháng thể qua thai nhi và qua sữa mẹ, từ đó cho thấy khả năng bảo vệ cho cả mẹ và bé.

Ngoài ra, WHO cũng khuyến cáo không cần làm test thử thai trước tiêm chủng cũng như không trì hoãn việc mang thai hoặc bỏ thai kỳ vì lý do tiêm chủng vắc-xin. Cần tư vấn đầy đủ cho thai phụ trước khi tiêm chủng. 

Hiệp hội sản phụ khoa Mỹ cũng khuyến cáo tương tự nên chích ngừa vắc-xin cho tất cả phụ nữ mang thai. Loại vắc-xin được khuyến cáo bao gồm Pfizer, Moderna, Janssen.

Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú là đối tượng trì hoãn tiêm chủng Covid-19, hiểu sao cho đúng? - Ảnh 3.

Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú là đối tượng trì hoãn tiêm chủng Covid-19, hiểu sao cho đúng? - Ảnh 4.

Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú là đối tượng trì hoãn tiêm chủng Covid-19, hiểu sao cho đúng? - Ảnh 5.

Đối với phụ nữ đang cho con bú

Bản chất của vắc-xin Covid-19 không phải là virus sống mà chỉ là các vật liệu di truyền mRNA. Các vật liệu này không gây tác động vào DNA của người và cũng bị phân huỷ nhanh chóng. Do đó về mặt sinh học, vắc-xin này không có khả năng gây nguy hại cho trẻ đang bú mẹ. 

"Hiệu quả của vắc-xin được kỳ vọng là tương tự như ở những phụ nữ khác không cho con bú", BS Tưởng cho hay.

Các báo cáo gần đây đã chỉ ra rằng phụ nữ đang cho con bú đã được tiêm vắc-xin Covid-19 (Pfizer, Moderna, Astrazeneca) có kháng thể trong sữa mẹ, được kỳ vọng là có thể giúp bảo vệ trẻ. 

Cập nhật đến 30/7/2021, WHO và CDC khuyến cáo có thể tiêm ngừa cho phụ nữ đang cho con bú giống như những người khác. WHO khuyến cáo không dừng cho con bú sữa mẹ chỉ vì lý do tiêm chủng vắc-xin.

BS Hoàng Quốc Tưởng: Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú là đối tượng trì hoãn tiêm chủng Covid-19, hiểu sao cho đúng? - Ảnh 8.

"Tóm lại, theo tôi, đối tượng phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú là những đối tượng nên được khuyến cáo tiêm ngừa vắc xin Covid-19, nhất là những người ở ngay trong vùng dịch. Thời gian tới mong rằng sẽ có những chỉ dẫn rõ ràng, cập nhật hơn từ Bộ Y tế cho nhóm đối tượng này khi có nhiều dữ liệu hơn", BS Hoàng Quốc Tưởng nói.

Độc giả có thể đọc thêm các bài của bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng TẠI ĐÂY.