Bà - "cô giáo trường đời" đáng kính của tôi

hell.wavetau,
Chia sẻ

“Không phải cứ giàu có và nổi tiếng mới là thành công. Sống tốt cũng là thành công” - Bà vẫn thường nói với tôi như vậy.

Sáng nào bà cũng tập thể dục ở đền Voi Phục (Thụy Khuê - Tây Hồ - Hà Nội), Nhìn bà, chắc nhiều người không tin bà đã 80 tuổi vì dáng vẻ nhanh nhẹn và vui tươi của bà. Bà hô “một, hai, ba…” rất dõng dạc. Động tác vung kiếm dứt khoát và mạnh mẽ không kém gì một nữ tướng. Tôi nhìn bà múa kiếm đến mê mẩn “phim chưởng cũng chỉ đẹp đến thế này thôi”. Bà luôn căn dặn tôi phải chăm tập thể dục, khi tôi lười không tập, bà chỉ nói: "lười tập thì khi về già khổ lắm, cháu xem, may mà bà chăm tập nên sức khỏe vẫn tốt thế này đấy”. Nhờ bà đôn đốc, nhắc nhở nên tôi đã hình thành thói quen tập thể dục từ bé.

 Bà hoạt động cách mạng từ rất sớm. Thời trẻ, bà đã đi khắp miền Nam, cống hiến tuổi xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Với vai trò là giáo viên và cán bộ giáo dục, bà đã đem kiến thức đến cho rất nhiều người ở vùng sông nước Nam Bộ. Hai mươi năm lăn lộn với cách mạng cũng là hai mươi năm bà phải xa chồng. Đọc cuốn hồi ký của bà, tôi chợt nhận ra:”Chỉ có sức mạnh của ý chí và niềm tin mới có thể làm bà kiên cường như vậy”. Bà luôn bảo tôi rằng:”dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không được mất niềm tin”.

Bà -

 Bà sống tiết kiệm lắm. Tiết kiệm từ cây kim, sợi chỉ đến tờ lịch cũ. Tôi xé lịch vứt đi, bà không cho, bà bảo để bà làm giấy nháp. Bà làm thật. Bà dùng lịch để làm thơ. Thơ bà rất hay. Như tôi dốt văn mà đọc vẫn thấy hay. Bà thường làm thơ lục bát, đọc lên vừa xuôi tai vừa có ý nghĩa, phê phán thói hư tật xấu:

                          Tệ nhất tham nhũng phong bì,

                          Trước mặt giấu kín, sau thì mở ngay.

                          Tiền đó rượu chè no say,

                          Hãy mau dừng lại kẻo bay cuộc đời! 

Tôi nhậu với bạn về muộn, bà đưa ngay cho tôi tờ lịch có bài thơ:

                          Công chức cũng có mấy ông,

                          No say phè phỡn rồi dông về nhà

                          Chỉ khổ cho phận các bà,

                          Phải còng lưng cõng, dọn nhà cho ông.

“Choáng” quá, tôi không dám nhậu về muộn nữa.

Bà thích trồng rau “để nhà có rau sạch ăn”. Nhưng lí do chính vẫn là “ngồi không buồn chân tay lắm”. Tôi hay dậy muộn, bà bắt dậy sớm tưới rau “vừa giảm béo vừa có rau ăn, chẳng sướng à?”. Tôi đành nghe theo, nhưng phải công nhận là hiệu quả trông thấy.

Bà tham gia hội phụ nữ, hội người cao tuổi, tổ chức sinh hoạt khu phố, tổ chức hội thơ, văn nghệ cho các cụ và các cháu thiếu nhi. Có người nói vui bà là “phó thường dân vác tù và hàng tổng”, bà không giận mà còn thấy vui “cả xóm vui thì tôi cũng vui chứ, lợi người lợi mình mà”. Có vụ xích mích nào, bà ra nói hợp lí hợp tình nên ai cũng nghe. Chẳng ai bắt bẻ bà được điều gì . “Quan trọng  là thiện ý của mình, nếu mọi người thấy được điều đó, họ sẽ tin và làm theo” - bà thường nói với tôi như vậy.

Bà dễ tính, nhưng khi giận thì rất “đáng sợ”. Tôi mắc lỗi nhẹ do vô ý, bà chỉ nhắc “vô ý đôi khi còn đáng trách hơn cố tình”. Một lần tôi trông nhà rồi chuồn ra ngoài chơi, hộp tiền của bà bị trộm khoắng sạch. Tôi cúi đầu chờ cơn giận của bà nhưng bà chỉ nói “Cháu có thương bà không? Nếu thương thì đừng làm bà thất vọng như thế này nữa”, rồi bà khóc. Tôi quỳ ngay xuống xin lỗi bà và không dám ham chơi nữa.

Bà luôn đề cao sự hiếu thảo, lễ nghĩa gia đình: “Kính trên nhường dưới, toàn gia một lòng, giữ gìn hạnh phúc”. Nhờ có bà uốn nắn từ bé, anh em chúng tôi luôn hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Gia đình tôi có bốn thế hệ với chín người cùng chung sống trong một mái nhà. Tôi là con trưởng trong thế hệ thứ ba. Sau hơn 50 năm, chúng tôi vẫn đoàn kết và hạnh phúc.

Tôi chưa phải là người thành công, nhưng chắc chắn tôi đang sống tốt, vì có một cô giáo trường đời như bà đã truyền cảm hứng cho tôi từ những điều giản dị nhất trong cuộc sống.

Chia sẻ