Tình yêu vượt thời gian!
Bà tôi là người phụ nữ tuyệt vời dám sống và yêu hết lòng, dám hy sinh bản thân vì hạnh phúc gia đình. Bà cũng là tấm gương cho sự cố gắng làm giàu quê hương, làm giàu đất nước và tôi thần tượng bà biết bao.
Một minh chứng cho tình yêu đích thực vượt lên tất cả nghịch cảnh và thăng trầm của cuộc sống. Trong đó nổi bật là hình ảnh của bà tôi, một người luôn luôn thể hiện được tứ đức ngàn đời của người phụ nữ Việt Nam.
Tình yêu của cô tiểu thư bá hộ và chàng tá điền mồ côi…
Ông bà tôi năm nay đã gần tròn trăm tuổi và trong suốt sáu mươi năm gắn bó nghĩa phu thê, mối tình của hai người là cả một thiên truyện khó tin! Khó tin vì nó xuất phát ở hoàn cảnh lịch sử đất nước ta vẫn còn ở chế độ phong kiến của những năm 30 đầu thế kỷ 20, vì những hủ tục về môn đăng hộ đối còn rất nặng nề và trên hết là đã có rất nhiều bài học đau xót bởi sức mạnh của quyền lực, tiền bạc chi phối đời sống con người.
Ngày đó, bà tôi xuất thân là một tiểu thư lá ngọc cành vàng, con của một bá hộ có ruộng vườn cò bay thẳng cánh. Bà lại là con út nên được cưng chiều như báu vật, nếu chúng ta thường xem những bộ phim nói về đời sống đài các của các tiểu thư quyền quý như thế nào, thì có thể khẳng định bà tôi cũng không kém cạnh. Cụ cố nhà tôi giàu tiền bạc và những mối quan hệ của cụ đều là các quan lớn đầy quyền lực. Chính vì thế cô con gái út được “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Bà tôi được chăm chút từng ly từng tý, được học hành đến nơi đến chốn với kỳ vọng sẽ lấy một vị quan cao chức trọng mới xứng đáng với gia thế của nhà cụ cố.
Bà - Thần tượng của tôi...
Vậy nhưng chẳng hiểu trời xui đất khiến sao bà lại nảy sinh tình yêu với chính chàng tá điền làm công của nhà mình, đó là ông tôi. Nói về ông tôi thì đó là sự tương phản hoàn toàn với bà ở mọi góc cạnh dù là nhỏ nhất. Ông mồ côi cha mẹ từ nhỏ, rồi đi ở đợ hết nhà chủ điền này đến nhà khác để kiếm miếng cơm manh áo. Năm ông mười lăm tuổi thì được cụ cố mua về, ông được giao việc dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc vườn trái cây và đàn trâu cả trăm con. Bà nói ngày xưa, cụ cố chọn mua ông về làm trong nhà là vì ông tôi rất khỏe mạnh, thân hình cường tráng và vì ông dễ bảo, ngoan ngoãn.
Ông và bà là hai thế giới đối lập, là mối quan hệ chủ - tớ, họ sinh ra vốn đã không chung một con đường nên tình yêu đôi lứa có khác gì một câu truyện cổ tích. Thành ra khi hai người sống bằng những cảm xúc thật là hành động điên rồ, ngày bị cụ cố phát hiện là một sự kiện động trời. Thời điểm đó chuyện tiểu thư bá hộ Hoàng yêu anh Lãm tá điền mồ côi cả cha lẫn mẹ lan truyền khắp miền đồng bằng Bắc Bộ là vậy.
Chuyện tình không được chấp nhận này chịu những sức ép và cản trở nặng nề. Ngay lập tức bà tôi bị nhốt vào một ngôi nhà riêng có người canh giữ ngày đêm, nó chẳng khác gì lãnh cung của vua chúa Trung Hoa ngày xưa là mấy. Còn ông thì bị giải lên quan, đánh cho một trận thừa sống thiếu chết rồi bị đuổi khỏi xứ, cấm không bao giờ được quay về nếu muốn được sống.
Có lẽ nếu vào hoàn cảnh như vậy chúng ta chẳng mấy ai dám mơ mộng đến một kết thúc đẹp mà ta vẫn thấy trên những bộ phim tình cảm lãng mạn. Vậy nhưng trong tận cùng của sự ngăn cách, của đau khổ bà tôi đã làm nên chuyện.
Bà tôi năm đó 15 tuổi, còn ông hơn bà ba tuổi, xét ở thời này là sớm nhưng ngày xưa thì đó là lứa tuổi của dựng vợ gả chồng. Bị cụ cố buộc phải lấy một trong những con quan lớn mà người chọn, nhưng bà nhất quyết không chịu, bà thà ở vậy cả đời còn nếu bắt lấy người mà bà không có tình cảm thì sẽ là cái chết để giữ tiết hạnh. Cụ cố giận lắm, không làm thay đổi được quyết định con gái nên giữ bà sống trong cảnh bị coi giữ hơn 10 năm trời, quãng thời gian mà có lẽ ít ai chịu đựng được. Còn ông tôi sau khi bị đuổi biệt xứ, ông đi làm thuê rồi học nghề đóng gạch ở tận Lạng Sơn, nhờ chăm chỉ ông mua được đất, xây được nhà cửa cho mình. Có điều ông không quên được bà, chẳng hiểu sao trong gần hai mươi năm trời sau cái ngày định mệnh ông vẫn ở một mình.
Cho tới khi cụ cố tôi già yếu, con gái út yêu quý bước sang tuổi ba mươi hơn các cụ mới yếu lòng. Có lẽ sự kiên định và chung tình của con gái khiến cho cụ cố nhận thức được mình đã sai lầm. Ông cho người đi dò la tin tức, biết được ông tôi vẫn chưa có hôn ước, cụ chấp nhận để hai người đến với nhau. Điều kiện đặt ra là bà sẽ không được chia bất kỳ gia sản gì, ông và bà phải tự kiếm sống, cụ cố xem như từ mặt con gái!
…Và hai bàn tay trắng tạo nên cơ nghiệp
Ông với bà đến với nhau sau gần hai mươi năm xa cách, hai người đã già so với những đôi vợ chồng son đôi mươi thời đó. Thế nhưng hạnh phúc là khi người ta được sống với người mình yêu thương, cùng xây đắp một mái ấm riêng lúc nào cũng thật ngọt ngào!
Một minh chứng của Tình yêu vượt thời gian
Ông với bà sinh được năm người con gồm ba trai và hai gái, ông tôi tiếp tục nghề đóng gạch, bà tôi từ tiểu thư mềm yếu bắt đầu bươn chải vì chồng con. Bà rất giỏi nấu ăn và bà buôn bán món chả giò gia truyền, tiếng lành đồn xa, món chả giò Ước Lễ của bà được nhiều người, nhiều vùng biết đến. Sau này cứ nhắc đến làng Ước Lễ thì ai cũng biết đây là nơi làm giò chả có tiếng lâu đời, có tiếng khắp miền Bắc lẫn Nam là vậy.
Hai ông bà nuôi năm người con ăn học nên người đàng hoàng và khi các cụ cố già yếu, thời thế thay đổi thì chính bà là người phụng dưỡng cha mẹ mình. Bà tôi từng tâm sự “Ông cháu là người bà yêu đầu tiên và duy nhất trong cả cuộc đời. Nhưng dù đến được với nhau thì bà vẫn rất buồn phiền vì làm đau lòng bố mẹ, bà cảm thấy mình bất hiếu lắm cháu ạ”.
Tôi thực sự không hiểu nhiều nhưng tôi vẫn luôn nghĩ được sống và lấy người mình yêu là hạnh phúc nhất. Nếu bà lấy người bà không yêu rồi cả đời đau khổ như ý các cụ cố thì đó cũng khác gì bất hiếu, các cụ làm sao nhắm mắt khi về với ông bà. Khi về già, khi thời thế thay đổi bà đón về chăm sóc cụ cố một cuộc sống đủ đầy là báo hiệu, là hiếu đạo đó thôi. Bố mẹ kể lại ngày xưa nhiều lần bà làm cụ cố rơi lệ vì cảm phục đứa con gái út cứng đầu ngày nào.
Một tay bà quán xuyến nuôi dạy năm người con, từ một tiểu thư lá ngọc cành vàng bà bươn chải khắp chợ làng, chợ huyện và nhiều miền khác nhau. Mỗi ngày từ ba bốn giờ sáng bà dậy làm giò, làm chả mang đi khắp các chợ làng, chợ huyện gần xa rao bán, đó là cả một sự cố gắng hết mình vì gia đình. Các chú các bác nhà tôi khi học hành cao ở tỉnh đều một tay bà khăn gói đưa đi. Mỗi tháng chính bà lên tiếp tế tiền bạc, chu cấp từng cân gạo và từng đồng nhu yếu phẩm. Tôi không phải tự khen bà mình nhưng cuộc đời tôi luôn lấy bà làm tấm gương sáng của đức hy sinh, còn tình yêu của ông bà là hình mẫu mà con cháu đều mong ước đạt được.
Ông bà tuy già nhưng vẫn còn minh mẫn, vẫn yêu thương nhau như thuở ban đầu. Bà vẫn giữ trọng trách dâu trưởng mỗi lần giỗ chạp, lễ. Bà vừa chỉ dẫn, vừa phụ giúp con cháu công nặng việc nhẹ mà không nề hà mình là người bề trên, người lớn tuổi. Món giò chả Ước Lễ gia truyền được bà lưu giữ cho con cái, nhà tôi giờ đây có bốn cửa hàng chuyên bán món hàng ăn này, đời sống gia đình rất ổn định.
Bà tôi còn được bà con xóm làng kính trọng vì biết bao thế hệ theo học nghề món giò, món chả Ước Lễ của bà. Bà không giấu nghề mà sẵn sàng truyền dạy, chỉ bảo với mong muốn món ngon này ai cũng có thể làm, nhà nào cũng có cơ hội thưởng thức.
Cả ông và bà đã gần bách niên giai lão trong đời sống vợ chồng, câu nói “trăm năm hạnh phúc” quả là không sai với ông bà tôi. Bà tôi là người phụ nữ tuyệt vời dám sống và yêu hết lòng, dám hy sinh bản thân vì hạnh phúc gia đình. Bà cũng là tấm gương cho sự cố gắng làm giàu quê hương, làm giàu đất nước và tôi thần tượng bà biết bao.
Cuộc sống hiện đại có những khác biệt không như ngày xưa, song tứ đức công – dung – ngôn - hạnh vẫn luôn như thế. Người phụ nữ Việt Nam lúc nào cũng thật đẹp vì luôn biết cách chăm chồng chăm con và luôn là người hy sinh vì gia đình hết lòng. Phụ nữ chuẩn 10 của thời hiện đại là phải sống thật đẹp trong tình yêu, chiến đấu để đạt được hạnh phúc đích thực và biết chèo lái để tạo nên một gia đình ấm no, sung túc, được mọi người yêu mến.
Cuối cùng, dù ông bà không đọc được những lời này của cháu thì cháu vẫn muốn nói “Cháu yêu ông, yêu bà hết lòng”