Phụ nữ cần biết 4 phương pháp tự kiểm tra này để biết bản thân có mắc bệnh hay không

Hà Vũ,
Chia sẻ

Ngày nay, số phụ nữ mắc bệnh phụ khoa ngày càng nhiều. Do đó, ngoài việc khám sức khỏe tổng thể tại bệnh viện hàng năm, chị em cần biết cách tự kiểm tra sức khỏe của mình.

Bác sĩ Lâm Xảo Trĩ, trưởng Khoa Phụ sản thuộc Bệnh viện Đại học y Bắc Kinh chia sẻ 4 phương pháp mà phụ nữ nhất định phải biết để tự kiểm tra sức khỏe, giúp phụ nữ tránh xa bệnh tật.

1. Tự kiểm tra vú

Phụ nữ cần biết 4 phương pháp tự kiểm tra này để biết bản thân có mắc bệnh hay không - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Thông qua việc tự kiểm tra vú, bạn có thể phát hiện sớm có cục u ở vú hay không. Mặc dù hầu hết các khối u ở vú là lành tính nhưng một số lại là dấu hiệu của ung thư vú. Việc phát hiện và điều trị sớm có thể làm tăng tỷ lệ chữa khỏi bệnh ung thư vú. Việc tự khám vú hàng tháng là rất quan trọng đối với phụ nữ, và thời điểm tốt nhất là trong vòng 7 đến 10 ngày sau khi hành kinh.

Tự kiểm tra vú bao gồm nhìn kiểm tra và sờ nắn:

Bước 1: Cởi áo phần trên thắt lưng, để hai tay xuôi theo người, đứng trước gương để quan sát: hai bên vú có đối xứng không, da vùng ngực có bị nhăn nheo, sần sùi hay thay đổi màu sắc không, núm vú có bị lõm xuống, tiết dịch bất thường không?

Bước 2: Dùng ngón tay cái và ngón trỏ vê nhẹ đầu vú. Ấn nhẹ đầu vú xem có phát hiện khối u không. Bóp nhẹ núm vú xem có dịch tiết bất thường chảy ra không.

Bước 3: Dùng 4 ngón tay nhẹ nhàng kiểm tra toàn bộ vùng vú theo hướng xoắn ốc, xoa theo chiều kim đồng hồ, từ núm vú ra bên ngoài hoặc từ khoang vú bên ngoài xoa vào núm vú, xoa cả hai bên sườn gần nách. Dùng phần mềm ở đầu ngón tay để ấn nhẹ, miết trên vùng da vú xem có u, hạch bất thường không.

Nếu thấy vú có các triệu chứng như u cục hoặc co rút thì có thể bạn đang bị tăng sản vú, u xơ vú và các bệnh khác. Vú có triệu chứng sưng đỏ, đau nhức, có thể bạn bị viêm vú. Một khi xuất hiện những biểu hiện bất thường ở vú, hãy nhớ đến bệnh viện để khám và điều trị càng sớm càng tốt.

2. Tự kiểm tra kinh nguyệt

Phụ nữ cần biết 4 phương pháp tự kiểm tra này để biết bản thân có mắc bệnh hay không - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Các triệu chứng báo trước của nhiều bệnh được biểu hiện trong kỳ kinh nguyệt. Do đó, việc tự kiểm tra kinh nguyệt là một cách quan trọng để phản ánh sức khỏe của phụ nữ. Tự kiểm tra kinh nguyệt bao gồm 4 mục: Chu kỳ kinh, thời gian kinh nguyệt, lượng máu kinh nguyệt và màu máu kinh nguyệt.

- Khoảng thời gian giữa hai ngày đầu tiên của hai kỳ kinh nguyệt được gọi là chu kỳ kinh nguyệt, bình thường là 20 đến 35 ngày.

- Thời kỳ ra máu âm đạo được gọi là kỳ kinh nguyệt, thời gian hành kinh bình thường kéo dài từ 3 đến 7 ngày.

- Lượng máu kinh nguyệt của mỗi phụ nữ là khác nhau và thường được coi là bình thường khi thay băng vệ sinh 3 đến 5 lần một ngày.

- Máu kinh bình thường không đông, có màu đỏ sẫm.

Thật tuyệt vời nếu "ngày đèn đỏ" của bạn vẫn xuất hiện đều đặn. Tuy nhiên, một số phụ nữ sẽ gặp phải những tình trạng như kinh ra quá nhiều hay quá ít, kinh không đều, đau bụng kinh dữ dội hay mất kinh. Những điều này là dấu hiệu bất thường của kinh nguyệt và bạn cần đi khám bác sĩ.

3. Tự kiểm tra dịch tiết âm đạo

Phụ nữ cần biết 4 phương pháp tự kiểm tra này để biết bản thân có mắc bệnh hay không - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Khi cơ quan sinh sản của nữ giới bị viêm nhiễm do vi khuẩn hoặc mắc các bệnh phụ khoa thường biểu hiện trên dịch âm đạo. Do đó, phụ nữ có thể thông qua quá trình tự kiểm tra dịch tiết âm đạo để phát hiện xem bản thân có mắc bệnh hay không.

Dịch âm đạo bình thường luôn ở trạng thái loãng, dịch âm đạo thời kỳ rụng trứng sẽ có hiện tượng kéo tơ. Lúc bình thường, dịch tiết âm đạo tương đối ít, đến kỳ rụng trứng sẽ tăng lên. Dịch tiết âm đạo khỏe mạnh không màu hoặc hơi vàng và không có mùi vị. Tình trạng dịch âm đạo không tốt có thể liên quan đến các bệnh như viêm âm đạo do vi khuẩn, viêm cổ tử cung.

4. Tự kiểm tra âm hộ

Phụ nữ cần biết 4 phương pháp tự kiểm tra này để biết bản thân có mắc bệnh hay không - Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Để thực hiện tự kiểm tra vùng kín tại nhà, bạn nên chuẩn bị những vật dụng hỗ trợ sau: Gương, gối, đèn pin nhỏ, găng tay sạch.

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ, bạn hãy thực hiện theo các bước sau:

- Rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước, hoặc đeo găng tay.

- Cởi quần, đặt gương dưới chân. Ngồi dựa lưng vào tường, lót gối sau lưng cho êm. Khụy gối, co bàn chân lại gần mông, ngả người nhẹ ra sau và dang rộng đầu gối từ từ cho đến khi có thể nhìn thấy âm hộ trong gương. Cố gắng giữ cho cơ xương thư giãn. Điều này sẽ giúp bạn luôn thoải mái.

- Bạn có thể cần sử dụng đèn pin để nhìn rõ hơn. Tiếp theo, nhẹ nhàng kéo môi âm đạo bằng một tay và cầm đèn pin hoặc gương bằng tay kia.

- Nhẹ nhàng đưa một ngón tay vào âm đạo, kiểm tra âm hộ xem có các vết xước, vết loét hoặc mụn nào tăng trưởng dọc theo thành âm đạo không. Nếu có, hãy đi khám ngay.

- Nhẹ nhàng rút ngón tay ra khỏi âm đạo và kiểm tra lượng khí hư, nếu chúng ra nhiều bất thường và có màu sắc khác lạ như vàng, xanh, trắng đục, nâu,... hoặc mùi hôi, hãy đi khám ngay.

Bạn có thể tự kiểm tra vùng kín một lần mỗi tháng và tránh thời điểm đang bị hành kinh. Hãy nhớ rằng, âm hộ có thể thay đổi một chút trong tháng. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi nào khiến bạn băn khoăn, hãy đi khám để yên tâm hơn. Sau khi tự kiểm tra vùng kín, hãy rửa sạch tay và vệ sinh vùng kín bằng dung dịch vệ sinh phụ nữ.

Tóm lại, việc chăm sóc sức khỏe bản thân thật tốt là điều vô cùng quan trọng đối với phụ nữ, việc khám sức khỏe và tự kiểm tra sức khỏe thường xuyên cũng là điều cần thiết.

Nguồn: Sohu

Chia sẻ