Phụ huynh ở Hà Nội kể chuyện làm “mẹ lười có mưu kế” và mánh dạy con học không bị… tăng xông, hội cha mẹ thả tim nhiệt liệt

Hạ Uyên,
Chia sẻ

Tự nhận là "bà mẹ lười của những đứa con" nhưng nhờ lười có chọn lọc, có kỹ năng và có "mánh" nên thành quả bước đầu của chị Ngọc Bích vô cùng khả quan.

- Bốn đoạn thẳng bằng nhau dài 36cm, vậy 1 đoạn thẳng dài bao nhiêu con? 

33 mẹ ạ.

Ủa, làm nào ra 33?

- Thì 36 - 4 = 33 mẹ (khổ thân em không).

- Con đọc lại bài đi nào, 4 đoạn bằng nhau, vậy 1 đoạn là bao nhiêu?

- À, 79 mẹ!

- Rồi sao ra 79?

- 36 - 3 = 33 rồi 33 + 36 = 79 còn gì mẹ???

Đó là 1 trong những đoạn hội thoại "điển hình" giữa chị Phạm Ngọc Bích (chuyên viên nhân sự) ở Hà Nội và con gái. Toán với bạn lớn nhà chị Bích là điểm yếu nên chị thường cho con học theo dạng bài, lặp đi lặp lại để con quen, tuy vậy mỗi buổi học Toán là một buổi tấu hài đỉnh cao.

Phụ huynh ở Hà Nội kể chuyện làm “mẹ lười có thủ đoạn” và mánh dạy con học không bị… tăng xông, hội cha mẹ thả tim nhiệt liệt - Ảnh 1.

Chị Bích tự nhận là "bà mẹ lười của những đứa con".

Thay vì giận dữ, lên "tăng xông", mỗi lần như thế chị Bích lại bình tĩnh và cười xòa. Chị cho rằng bí quyết chẳng có gì ghê gớm, đơn giản chị luôn tâm niệm những điều sau đây: 

1. Đầu tiên là phụ huynh hãy nghĩ thật kỹ xem, ngày xưa mình đi học có từng ngớ ngẩn như thế này không? Mình không giỏi -> con mình không giỏi –> chuyện quá bình thường. Con mình có ngơ ngác không làm nổi bài cũng bình thường nốt. Chúng ta không việc gì phải tăng xông khi nó không làm được bài.

2. Thứ hai, các anh chị hãy nghĩ xem, con mình có khả năng gì? Toán, Văn, Ngoại ngữ, L‎ý, Hóa... cái nào là thế mạnh? Môn nào thế mạnh thì thôi khỏi bàn, môn nào không phải thế mạnh cũng bình thường nốt. Cái gì cũng biết thì thành thần đồng hoặc giáo sư biết tuốt rồi, khỏi phải học.

3. Sau đó, các anh chị hãy xem lại và điều chỉnh mục tiêu kỳ vọng cho từng giai đoạn của con cho phù hợp. Ví dụ như em, hết lớp 1 chỉ mong đọc thông viết thạo, biết cộng trừ, nên khi nó đọc được 1 bài hoàn chỉnh (dù có vấp váp đôi chỗ), em cũng thấy hài lòng lắm rồi. Chữ con có xấu tí nhưng bù lại ít sai chính tả, mẹ vẫn đọc được, thế cũng mừng lắm rồi. Đừng kỳ vọng quá vào trẻ, hãy nhìn nhận đúng năng lực và sở trường của con mà điều chỉnh kỳ vọng của cha mẹ cho phù hợp để không bị bực mình mỗi khi con không đạt được điều bố mẹ mong.

4. Thứ 4, sau khi đã làm được 3 việc trên rồi, các anh chị dạy con hãy nhớ rằng, càng quát mắng trẻ càng cuống, càng vặn vẹo nhiều trẻ càng bối rối. Hãy để con tự làm bài trong một khoảng thời gian nhất định. Việc của mình là kiểm tra lại, chỗ nào con đúng thì khen: Con làm đúng rồi đây này, tốt lắm; chỗ nào con sai thì đánh dấu bảo: Con suy nghĩ lại thử xem nên làm thế nào cho đúng nhé.

Hãy dành cho trẻ một khoảng thời gian nhất định để con tập suy nghĩ xem sao, gợi ý bằng cách đặt các câu hỏi xung quanh bài, khi con trả lời sai, hãy cười với con vì các anh chị cứ để ý mà xem, chúng nó trả lời siêu ngây ngô và buồn cười.

5. Thứ 5, hãy nói thẳng cho trẻ biết cảm xúc của bố mẹ: Bố mẹ đang rất cố gắng kiên nhẫn/ đang cố giữ bình tĩnh để giảng lại bài này cho con đấy, nên con và bố mẹ cũng cố nhé.

6. Thứ 6, bất cứ khi nào cảm thấy mất bình tĩnh với con, ngửa mặt lên trời, hít thật sâu và mỉm cười với cái đứa đang ngơ ngác nhìn mình chuẩn bị mắng: Thôi đi ngủ con ạ, lúc khác chúng ta giải lại bài này. Thường thì em sẽ nhờ cô giáo nó giảng lại, hoặc em sẽ ngồi mày mò lại cách học của con để giảng lại vào một lúc khác khi cả em và con đều vui vẻ và thoải mái.

Còn nếu anh chị có trót quát mắng rồi, hãy như em, dịu giọng và thành thật mà nói: "Mẹ xin lỗi em, mẹ sai rồi. Mẹ không nên mắng em như thế, mẹ con mình bình tĩnh để cùng giải lại bài này nhé!". Thường thì những đứa con luôn rất vị tha, sẵn sàng nhoẻn một nụ cười tha thứ cho ông bà bô xấu tính đang chực chờ quát tháo.

Học giỏi không có nghĩa là thành công, cứ để con học bằng sự vui vẻ và háo hức, nó sẽ tiến xa hơn kỳ vọng của anh chị rất nhiều mà khỏi nhọc công quát tháo. 

Phụ huynh ở Hà Nội kể chuyện làm “mẹ lười có thủ đoạn” và mánh dạy con học không bị… tăng xông, hội cha mẹ thả tim nhiệt liệt - Ảnh 2.

Tự nhận mình là "bà mẹ lười của những đứa con"

Luôn tự nhận là "bà mẹ lười của những đứa con" nhưng chị Bích luôn lười có chọn lọc, có kỹ năng và có "mánh". Từ bé, các con của chị Bích đã tập đi bộ. Lúc lẫm chẫm 2-3 tuổi đã theo mẹ đi lê la chơi bời khắp nơi, có những bữa đi cả hơn chục cây số. Mệt quá thì mẹ con ngồi nghỉ một tí lại đi tiếp, "vừa giảm mỡ, vừa đỡ tốn tiền, vừa dẻo chân".

Các bé đi ra đường phải tự chuẩn bị và vác balo đựng quạt sạc cầm tay, bình nước nhỏ, 1 bộ quần áo mỏng, đồ chơi... tóm lại là muốn mang gì thì tự mà chuẩn bị và cầm, mẹ chịu. Mất thì cũng ráng chịu, vì "mẹ có bảo quản đồ của con đâu?".

"Con tự học, em ít khi phải nhắc. Vì em rèn nếp học từ lúc 3-4 tuổi. Lúc bé thì ngồi vô bàn tô chữ, cắt dán... vào một khung giờ cố định. Lúc lớn thì em thỏa thuận việc học bài về nhà là của con, không phải của mẹ, con không làm bị phạt ráng chịu (em còn toàn "xúi" cô giáo phạt thật nặng khi nó chưa hoàn thành bài). 

Bài tập tuần này của con có "writing và debate" nhé, con tự thu xếp hoàn thành, thứ 7 hạn nộp bài mà tối thứ 6 mẹ kiểm tra con chưa có thì con bị phạt. Việc thi cũng là của con nha, cô nhắc thì con phải ghi lại lịch thi", chị Bích chia sẻ.

Phụ huynh ở Hà Nội kể chuyện làm “mẹ lười có thủ đoạn” và mánh dạy con học không bị… tăng xông, hội cha mẹ thả tim nhiệt liệt - Ảnh 3.

Chị Bích luôn cố gắng dạy con thành một người tử tế, giàu lòng yêu thương, tự lập.

Vì "lười" nên chị cũng thường cố gắng tìm cách học nào phù hợp, để con học dễ nhất mà mẹ thì đỡ phải mất thời gian kiểm tra nhất. Ví dụ như bé thích vẽ, đặc biệt học hiệu quả qua sơ đồ mind map, word web... nên từ tiếng Anh đến viết văn,... chị đều khuyến khích nó dùng cái này cho dễ học, dễ nhìn hoặc bé vẽ tranh kể lại bài học để học. 

"Nhiều bố mẹ cầu toàn quá, còn em thì lười, nên để khỏi phải làm, em sẽ hạ tiêu chuẩn xuống cho mình đỡ mệt: Nhà có hơi bừa 1 tí cũng không sao, con chỉ dọn được đến thế (tất nhiên vẫn phải nhắc nhở cách dọn dẹp, hướng dẫn để làm tốt hơn lần sau); bát đũa con rửa có lâu một tí cũng được, còn hơn mẹ còng lưng ra rửa còn con ngồi chơi; ông chồng nấu dở 1 tí cũng kệ. Các anh chị cứ hạ tiêu chuẩn của mình xuống, sẽ thấy làm "bố mẹ lười có thủ đoạn" thật dễ chịu".

Chị Bích cho rằng, nhiều lúc chị cũng thấy bản thân là một bà mẹ hơi "dị thường". Nhưng ngoài những cái dị thường đó ra, chị luôn cố gắng dạy con thành một người tử tế, giàu lòng yêu thương, tự lập. "Con em vẫn nói với em rằng, sống trên đời này, chỉ cần hạnh phúc, và quan trọng, mình là người tử tế mẹ nhỉ", bà mẹ "lười" chia sẻ.

Phụ huynh ở Hà Nội kể chuyện làm “mẹ lười có thủ đoạn” và mánh dạy con học không bị… tăng xông, hội cha mẹ thả tim nhiệt liệt - Ảnh 4.

 

Chia sẻ