Phố phường Hà Nội xưa
Hà Nội từng được gọi là 36 phố phường, thực ra con số 36 là con số tượng trưng, ước lệ như 36 chước, 36 kế... Thời phong kiến, người ta đã đếm được hơn bảy chục phố.
Cách đây một thế kỷ đã có trên trăm phố và ngày nay Hà Nội liên tục được mở rộng, phát triển thành hơn 500 phố.
May thay, nhiều phố mới dài rộng thì ta vẫn còn nhiều phố cổ của Băm sáu phố phường xưa cũ, còn nhiều di tích, nhiều kỷ niệm, nhiều giá trị quý báu. Thay đổi là quy luật đương nhiên. Không có gì chỉ đứng im một chỗ mà tồn tại vượt thời gian được. Phố xá cũng vậy. Có nhiều thay đổi còn nhận ra dấu vết nhưng cũng nhiều thay đổi xóa nhoà quá khứ khiến có lúc nao lòng.
Tại sao Hà Nội từng có đến trên 80 phố có chữ Hàng và nay còn bao nhiêu ? Chữ Hàng ấy là nghề nghiệp hay mặt hàng phố ấy từng chuyên doanh, nghĩa là chuyên mua chuyên bán, ai cần thứ ấy cứ đến phố ấy sẽ có. Ví dụ: Hàng Bồ từng bán bồ, cót, rổ rá, dây thừng, đòn gánh, tóm lại là sản phẩm từ cây tre như chiếc bồ bằng nan tre. Các bà các chị đi chợ Đồng Xuân sắm tết, rẽ vào đây mua chiếc bồ nho nhỏ, móc sẵn bốn sợi thừng để tiện tay xách (thời đó làm gì có túi nylông)... phố này về sau còn nổi tiếng mỗi dịp Tết đến có nhiều cụ đồ áo the khăn xếp đến vỉa hè này viết câu đối thuê bằng mực tàu trên giấy đỏ mà bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên sẽ là tấm ảnh ghi lại còn mãi mãi với thời gian.
Phố Hàng Dầu đang bán giày dép, vào những năm năm mươi thế kỷ XX phố này còn rất nhiều nhà bán sơn ta, dầu ta như dầu trẩu, dầu vừng, dầu lạc để nhà chùa làm thức ăn, để pha vào sơn, để làm quang dầu và nhiều việc khác. Sơn và dầu không đựng trong thùng mà trong cái "nải" nhỏ hơn cái thúng, đan bằng tre, sảm bằng sơn ta, đậy bằng vỉ buồm...
Còn phố Hàng Mã vẫn làm vàng mã, chứ phố Hàng Đàn từng làm đàn và bán đàn như đàn nhị, đàn tam, đàn tứ, song loan, mõ, trống khẩu, đàn bầu, đàn đáy... đã hoàn toàn chìm lấp, thay vào đó là phố Hàng Quạt, không làm không bán quạt mà bán đối trướng, đồ thờ... Còn Hàng Quạt cũ thì cũng không còn dấu vết mà đã thành phố Lương Văn Can.
Phố Hàng Bài từng là nơi làm bài lá như tam cúc, tổ tôm... đến nay phố này hoàn toàn đổi khác. Phố có trường nữ học Đồng Khánh nổi tiếng sau đổi thành trường Trưng Vương đến tận bây giờ. Phố Hàng Gai đúng là từng bán dây gai, dây đay, lưới cá, vó bắt cá dệt bằng dây gai. Khu vực Cầu Gỗ sau Hàng Đào từng có chiếc hồ to rộng gọi là Hồ Hàng Đào hoặc hồ Thái Cực, dân nghèo Hà Nội đánh cá, phải đến Hàng Gai mua ngư cụ. Nay phố này không một nhà nào bán mặt hàng cũ, mà phần lớn bán tơ lụa cho du khách nước ngoài, nhan nhản tên Tây.
Ngõ Hàng Chỉ ở đâu ? Đó là chiếc ngõ nhỏ nằm phía sau và song song với phố Hàng Gai, từng có xưởng làm chỉ mấy thời. Hàng Hòm cũng không còn ai bán hòm. Hàng Mành gần như hết người dệt mành bằng tre, bằng nứa, khung dệt đơn sơ, người dệt đứng, cứ lẳng từng cục gạch có buộc dây từ bên này sang bên kia, chỉ một lúc đã có chiếc mành, to thì che ngoài hiên, nhỏ thì che cửa sổ, nhỏ nữa vẽ xanh đỏ che bàn thờ...
Hàng Thiếc làm hàng thiếc, ấm đun nước, bình tưới, đồ chơi tháng tám như chiếc tàu thủy, con thỏ đánh trống, chiếc trống ếch v.v... nay làm bể treo, cắt kính, gò ống máng... đi qua đây lúc nào cũng nghe tiếng búa ầm ầm.
Hàng Rươi không còn ai buôn rươi nữa. Ngõ Chè Chai đổi thành phố Hàng Chai, đúng ra để tên cũ hay hơn vì nó gợi một thời các bà buôn đồng nát, chè chai, lông vịt, chiều chiều họp nhau nơi ngõ nhỏ này để đổi trao, mua bán... Phố này ngày nay vào dịp Tết cũng góp phần vào chợ Hoa Hàng Lược, dù phố Hàng Lược không còn nhà nào làm lược thưa, lược bí, mà buôn đồ nhôm là chủ yếu.
Hàng Đũa cũng không còn ai vót đũa, nay là phố Ngô Sĩ Liên có chùa Tàu khá đẹp và ra ga xe lửa Trần Quý Cáp cũng khá gần. Hàng Cót không ai buôn cót nữa. Hàng Giấy có thời kỳ toàn là các cửa hàng buôn giấy bút, bán cho các sĩ tử đi thi, đó là mực tàu, giấy bản, bút lông... mà các nàng con gái cấm cung vừa bán hàng cũng là vừa để kén rể, chọn trong số sĩ tử kia ai sẽ là cậu Tú, bác Cử, ông Nghè... Cạnh đó là Hàng Khoai, Hàng Đậu cũng hoàn toàn buôn bán mặt hàng khác. Hàng Buồm cũng vậy. Không còn một nhà Hoa kiều nào bán thịt quay, người bán hàng cởi trần, lộ cái bụng to và chiếc rốn khổng lồ, đứng sau cái thớt to bằng chiếc sàng và dầy đến gần nửa thước tây hoặc bán những chiếc vỉ buồm có thể che cửa sổ, khâu lại thành cánh buồm, dùng để lót xôi giã bánh dầy... Nay là thực phẩm đóng hộp, là rượu các loại, thay cho nhiều cửa hàng Cơm Tám giò chả bán cả lòng lợn tiết canh...
Đầu phố Hàng Buồm là ngõ Hàng Thịt, gần Hàng Bột là phố Hàng Cháo, cạnh chợ Đồng Xuân là phố Hàng Khoai, phố Hàng Sơn đã thành phố Chả Cá, phố Hàng Cá và phố Hàng Cân dọc theo đấy cũng không còn ai buôn bán mặt hàng này. Mới chỉ khoảng 40 năm, qua phố Hàng Cân còn thấy nhiều người thợ mặc áo nâu cặm cụi khoan những chiếc cán cân bằng gỗ, khảm những chấm đồng thau vào đấy làm ra những chiếc cân ta, có "hoa", có lạng, có cân... Nay phố này buôn bán giấy thếp, giấy ram, bìa, vở là nhiều.
Hàng Ngang có món Ngang không ? Thực ra tên xưa là phố Đường Nhân, phố đông Hoa kiều, nhất là người Quảng Đông, sau người Pháp dịch ra là phố Người Quảng Đông (Rue du Cantonnais hoặc có thuyết khác nói rằng phố này có chiếc cổng đồ sộ chắn ngang phố để canh gác, ngày mở đêm đóng...). Hàng Ngang chuyên buôn bán tơ lụa không như Hàng Đường chuyên làm mứt kẹo, nay các phố này cũng buôn bán nhiều thứ khác nhau, không hẳn chuyên một thứ nào. Có lẽ Hàng Chiếu còn một số đông người buôn chiếu, buôn luôn cả võng đay, dây đay, dây tơ nhựa, túi màng mỏng, thảm chùi chân và cũng không ngoại lệ, còn nhiều mặt hàng khác...
Còn nhiều lắm. Có phố mất tên như Hàng Lọng (phố Lê Duẩn), Hàng Bột (Tôn Đức Thắng), Nam Đồng (Nguyễn Lương Bằng), Hàng Đẫy (Nguyễn Thái Học), Sinh Từ (Nguyễn Khuyến), Hàng Chè (cuối phố Cầu Gỗ), Hàng Cau (đầu phố Hàng Bè), Hàng Giò còn gọi là Gia Long (Bà Triệu), phố Lê Lợi (cũng là phố Bà Triệu từ ngã 5 Nguyễn Du về phía Nam), Hàng Thêu (Hàng Trống) Hàng Mụn - mụn để vá (phố Hàng Bút), Hàng Bừa (phố Lò Rèn), Duy Tân (Phố Huế), Bắc Ninh (Nguyễn Hữu Huân)... lại còn Hàng Chĩnh, Hàng Mắm, Hàng Muối, Hàng Trứng những phố ngắn chưa đầy trăm thước Tây...
Phố Hồ Hoàn Kiếm ngày cạnh Hồ Gươm thông sang Cầu Gỗ là phố ngắn nhất, chỉ 52 thước, có món quà thịt bò khô nổi tiếng, ai từng là học trò chắc không thể nào không từng ăn nó... nay cạnh đấy có rạp múa rối.
Nếu đi hết các phố Hà Nội chắc chắn chúng ta sẽ thu nhận được rất nhiều hình ảnh và chuyện cũ đầy hứng thú... mà một bài viết ngắn mới chỉ là "cưỡi ngựa xem phố" nói được một vài phần.
Theo hanoi36phophuong