Phim cổ trang của Lưu Thi Thi dính nghi án “đạo nhái” Hàn Quốc
Phim truyền hình cổ trang “Nữ Y Minh Phi Truyện” do Lưu Thi Thi, Hoắc Kiến Hoa đóng chính vừa lên sóng đã gây ra những cuộc tranh luận trái chiều.
Phim truyền hình cổ trang Nữ Y Minh Phi Truyện do Hoắc Kiến Hoa, Lưu Thi Thi đóng chính đã bắt đầu lên sóng từ ngày 13/2. Tính đến thời điểm hiện tại, rating phim chỉ đạt mức trung bình, không “nổi đình nổi đám” như kỳ vọng ban đầu của nhà sản xuất. Ở đài Đông Phương, Nữ Y Minh Phi Truyện đứng vị trí thứ ba với 0,893. Ở đài Giang Tô, phim tụt xuống vị trí thứu 5 cùng 0,782.
Hoắc Kiến Hoa
Lưu Thi Thi
Hoàng Hiên
Lý giải về nguyên nhân rating Nữ Y Minh Phi Truyện không cao như mong đợi, giới truyền thông Hoa ngữ cho rằng một phần bởi sự cạnh tranh quyết liệt của loạt phim cổ trang đang cùng được phát sóng. Thời điểm hiện tại, ngoài Nữ Y Minh Phi Truyện còn có Xuân vãn, Thanh Khâu Hồ truyền thuyết, Tân Tiêu Thập Nhất Lang, Thiên Thiên hữu hỉ được phát sóng. Bên cạnh đó, những tranh luận trái chiều quanh nội dung và trang phục phim cũng làm Nữ Y Minh Phi Truyện bị sụt giảm lòng tin từ khán giả.
Nhiều người cho rằng trang phục mà Lưu Thi Thi, Hoắc Kiến Hoa, Hoàng Hiên, Kim Thần khoác lên người khá giống Nàng Dae Jang Geum của Hàn Quốc. Thậm chí có người còn hoài nghi bộ phim đã “đạo nhái” trang phục cổ xứ Hàn vì không tìm được ý tưởng thiết kế trang phục mới lạ. Ngoài ra, các yếu tố liên quan đến chuyện tình tay ba của Đàm Doãn Hiền (Lưu Thi Thi) – Lưu Kỳ Trấn (Hoắc Kiến Hoa) – Lưu Kỳ Ngọc (Hoàng Hiên) cũng bị khán giả “ném đá” tơi bời. Lý do là vì các nhân vật vật trên đều có thật trong lịch sử, tình tiết tình tay ba Nữ Y Minh Phi Truyện đưa ra hoàn toàn sai lệch và hư cấu, gây ảnh hưởng tới nhận thức của giới trẻ.
Đáp lại những chỉ trích hướng vào đoàn phim, đại diện nhà sản xuất đã chia sẻ: “Vì trước đây đã có rất nhiều phim Hàn được trình chiếu, nhiều người bị ấn tượng mạnh về trang phục của họ. Thực ra, Triều Tiên từng là nước phụ thuộc của triều Minh, vì thế trang phục của họ cũng chịu ảnh hưởng của triều Minh. Một phần cũng vì các bộ phim về thời Minh tương đối ít, hai là thiết kế không đúng trang phục thời này, vì thế mới có hiểu lầm như vậy. Những đạo cụ, phục trang, tạo hình trong phim đều đã được tham khảo qua rất nhiều sách sử, chúng tôi đã cố gắng tái tạo lại vẻ đẹp đời sống triều Minh. Đặc biệt về trang phục, những đường nét, sự hoàn mĩ đều đã được thể hiện ra, bao gồm những chi tiết nhỏ như cổ áo, tay áo, váy hay những đường nét trên trang phục”.
Về nội dung phim: “Chúng tôi đã cố gắng xây dựng một câu chuyện hấp dẫn với tình tiết nhanh và dễ hiểu. Đối với lịch sử, chúng tôi đã tham khảo qua nhiều tư liệu và rất thận trọng khi viết kịch bản này”.