Độc đáo 2 dãy núi đá cánh cung ôm ấp ngôi chùa cổ, địa điểm du xuân kết hợp trải nghiệm leo núi thu hút đông đảo người dân dịp Tết Nguyên đán
Chùa Tiên là nơi lưu giữ truyền thuyết chàng Từ Thức gặp nàng tiên Giáng Hương. Hồ Đồng Vụa ở sau chùa là một hồ thiên nhiên rộng hàng chục héc ta, được bao bọc bởi hai dãy núi đá chạy vòng cung thành một không gian sơn thủy sinh động.
Chùa Tiên (hay còn gọi là chùa Mậu Nam) là ngôi chùa cổ được xây dựng từ những năm 1931-1932 vào cuối đời nhà Nguyễn, tọa lạc ở thôn 6, Xã Nga An, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa; cách thành phố Thanh Hóa chừng 45km.
Nếu đi theo QL10, qua con sông (cầu Điền Hộ) ngôi chùa nằm giáp với địa danh huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Đây cũng là địa chỉ lý tưởng đối với người dân hai tỉnh giáp ranh vào mỗi dịp lễ hội đến tham quan du lịch và trải nghiệm leo núi.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa, năm 2002, chùa Tiên đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng Di tích cấp quốc gia.
Chùa Tiên - Hồ Đồng Vụa - Động phủ Thông là một cụm di tích thắng cảnh huyền thoại đầy kỳ thú. Cả ba điểm thắng cảnh này đều nằm trong phạm vi vườn đào tiên theo truyền thuyết.
Chùa Tiên là trung tâm của thắng cảnh của truyền thuyết chàng Từ Thức gặp nàng tiên Giáng Hương. Hồ Đồng Vụa ở sau chùa Tiên, là một hồ thiên tạo rộng hàng chục ha, được ôm bọc trong lũng hai dãy núi đá chạy vòng cung thành một không gian sơn thủy rất sinh động.
Năm Bảo Đại thứ XI (Tân Mùi - 1931), sư cụ Diệu Hằng đã bỏ 60 đồng ra để xây dựng lại ngôi chùa trên nền chùa cũ.
Theo bia ký chùa, ngày 01 tháng 10 năm Bảo Đại thứ VII (1932), Thiền sư Lã Thị Hậu, hiệu Diệu Hằng, đạo danh Ngọc Hiếu sáng lập và trụ trì chùa Mậu Nam thôn Nhân sơn tổng Dân Phong, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Như vậy ngôi chùa tồn tại đến ngày nay là ngôi chùa xây dựng vào những năm 1931-1932 vào cuối đời nhà Nguyễn.
Di tích chùa Tiên có tổng diện tích 66,7ha trên vùng đất cao ráo, mặt trước hướng Đông Bắc là cánh đồng lúa và hoa màu rộng lớn, phía sau hướng Tây dựa sát vào dãy núi Nhà Bà, cách chùa 50m là hồ Đồng Vụa. Trên đỉnh núi Nhà Bà, có bàn đá thiên tạo rất rộng, được gọi là Bàn cờ Tiên. Dừng trên đỉnh núi có thể nhìn bao quát toàn cảnh hồ và cảnh chùa bên dưới.
Ngôi chùa hiện tại có kiến trúc thời Nguyễn với lối cấu trúc vòm cả tiền đường, hậu cung, trên mái lợp ngói mũi bình thường. Ba cửa ra vào cũng làm theo kiểu hình cuốn. Bên ngoài tiền đường là hiên chùa chính (rộng 2,10m x 10,20m).
Nhà Tiền Đường chỉ rộng 3,80m x 10,20m và hậu cung dài 4,80m, rộng 2,5m. Phía ngoài mặt trước được nối liền bằng một gác chuông 3 tầng mái. Với lối cấu trúc như vậy, từ xa nhìn vào ta có cảm giác kiến trúc của chùa rất bề thế, hài hòa và cân đối.
Ngoài chùa chính, ở đây còn có phủ Mẫu cũng được xây theo kiểu cuốn vòm, lợp ngói mũi ở ngay cạnh chùa. Đường vào chùa có 2 hàng nhãn cổ thụ đã được 70 năm càng làm cho chùa Tiên thêm cổ kính. Xưa kia, quanh chùa là rừng đào và hoa mẫu đơn. Riêng mẫu đơn có loại màu đỏ, vàng, phớt hồng, tím. Hiện nay, chùa đang xây dựng lại vườn cảnh với nhiều loại đào, mẫu đơn để biến nơi đay trở thành nơi tiên cảnh như ngày xưa.