Phép màu của tình yêu

Theo NLD,
Chia sẻ

Dù chưa chính thức làm vợ nhưng nhờ tình thương yêu vô bờ của người yêu, chị đã phục hồi sau khi bị liệt nửa người.

Họ gặp nhau ở tuổi muộn màng. Chưa kịp làm mâm cơm ra mắt hai họ thì chị đổ bệnh, liệt nửa người. Anh xin phép gia đình rước chị về chăm sóc.

Bệnh nặng, vẫn cưu mang

Chị mở đầu câu chuyện bằng câu nói: “Tôi sống nhờ hai trái tim nhân hậu, của chồng và của chú Năm - em chồng tôi”.

Ngày ấy, người con gái hiền lành, chăm chỉ Trần Kim Khoa (SN 1960) ở Củ Chi, cứ mải mê bươn chải lo gia đình, quên cả tuổi thanh xuân. Khi tuổi gần 40, chị gặp anh ở khu nhà trọ đang sống một mình tại quận 12 trong những lần anh giao cây kiểng. Anh ly dị vợ, có con trai 6 tuổi. Thương chị cần cù, chăm chỉ, anh làm quen, năng lui tới thăm hỏi rồi hứa hẹn: “Nếu thương tôi, bà ráng đợi thằng nhỏ qua 10 tuổi sẽ tính chuyện nghen”.
 
Sau 6 năm quen biết, năm 2004, khi anh chị quyết định làm mâm cơm ra mắt họ hàng hai bên thì chị đột nhiên đổ bệnh, liệt nửa người bên phải, không thể nói chuyện được. Hàng xóm lần theo những thông tin lúc trước chị Khoa kể về anh - người đàn ông tên Hoàng Vân, khoảng 50 tuổi, chạy xe lam, dừng đón khách ở đối diện Bệnh viện Nhân dân Gia Định - để tìm đến báo tin. Anh tức tốc chạy đến bệnh viện, chạy vạy khắp nơi để có số tiền hơn 100 triệu đồng điều trị căn bệnh tai biến cho chị và thuê một người nuôi bệnh với giá 50.000 đồng/ngày.
 
Để có tiền trả nợ và chăm sóc chị, ngoài chạy xe lam ban ngày, ai thuê gì anh cũng làm, từ trồng cây kiểng đến bỏ phân, chăm sóc cây. Tối đến, anh vào bệnh viện xoa bóp tay chân, kể chuyện vui cho chị nghe. “Hồi ấy, cứ ít ngày là ảnh phải mua hộp sữa dinh dưỡng hơn 200.000  đồng. Khi không có tiền, anh lẳng lặng đi cầm chiếc điện thoại để mua sữa. Hơn 3 tháng tôi nằm viện, tóc anh bạc nhiều, đồng hồ, điện thoại, nhẫn vàng… anh cũng bán dần để lo cho tôi. Có đêm, anh ngủ gật trên giường bệnh, tôi muốn nắm bàn tay và nói lời cảm ơn nhưng đành bất lực, nước mắt cứ chảy…”- chị kể.
 

Những trái tim nhân hậu

Khi tình trạng bệnh của chị khá hơn, anh xin phép mẹ đưa chị về nhà chăm sóc. Căn nhà chưa đầy 50 m2 nằm trên đường số 8, phường 16, quận Gò Vấp đã có đến 10 người sống chung. Vậy mà họ vẫn rộng lòng đón chị. Việc làm lạ này khiến xóm nhỏ ngạc nhiên và nhớ mãi hình ảnh chị về làm dâu trên chiếc xe lăn với nửa bên người không cử động được. Mỗi sáng sớm, anh lại bồng chị ra ghế bố ngồi, nhẫn nại đút chị ăn sáng từng muỗng nhỏ; chiều đến, lại bồng chị vô nhà làm vệ sinh, đút ăn… Có hôm, tiếng cười giòn tan của anh còn vang khắp xóm.

Anh càng cư xử tốt, chị càng cảm thấy mặc cảm. “Những ngày bất động trên giường, nói ngọng nghịu, việc gì cũng phải nhờ người nhà anh ấy, tôi thấy mình như cục nợ, đã làm khổ gia đình chồng nên chỉ ước đi được mấy bước để tìm đến bờ sông nhảy xuống!”- chị Khoa tâm sự. Vậy mà, anh đoán được ý chị và hỏi trách: “Nếu sau này, anh bệnh giống em, em sẽ bỏ anh đi à?”, chị trả lời ngay: “Không đâu!”. Từ đó, chị thôi ý định tự tử, có thêm nghị lực và bắt đầu gượng dậy.

Người thứ hai giúp chị “đứng” lên là chú Năm – em chồng chị. “Ngoài giờ chạy xích lô, cứ rảnh là chú về nhà giúp tôi bám tường tập đi. Chú cho những sợi dây dù móc lên cây bàng để tập kéo tay và kéo chân cho tôi; lấy tre nẹp chân bị liệt cho thẳng, giúp tôi giữ thăng bằng khi đi, rồi còn tìm giày ống cho chân tôi vào… Có khi đau quá, tôi giận chú, không nói chuyện, chú liền động viên hãy thương anh Vân và gia đình mà cố tập. Vậy là tôi gượng dậy, tập tiếp. Hơn 5 năm kiên trì, chân phải của tôi đã tập tễnh đi được và đã nói tròn vành, rõ chữ hơn”- chị khoe.

Nhờ tình yêu thương và trái tim nhân hậu của anh Vân và gia đình chồng, chị Khoa đã tự “đứng” lên. Hơn 2  năm nay, chị nhận kết cườm trên áo dài và thấy cuộc sống của mình thật ý nghĩa. Chị hãnh diện nói rằng: “Tôi may mắn đã gặp được anh. Không có anh, có lẽ tôi đã nằm trong trại dành cho người neo đơn rồi...”.
 

Yêu thương giúp vơi khổ đau

Ngày ngày, anh Hoàng Vân cặm cụi chạy xe kiếm tiền trả số nợ hơn 30 triệu đồng còn lại sau 7 năm chữa chạy cho chị Khoa. Tuy nhiều lo toan, vất vả  nhưng anh vẫn luôn lạc quan, hy vọng.

Anh nói: “Tôi đã giúp nhiều người lúc sa cơ lỡ vận, bà ấy cũng vậy thôi. Khi ngã bệnh, nếu có người chìa tay ra giúp đỡ, người ta sẽ vơi đi rất nhiều khổ đau. Tôi và chú Năm đã nghĩ vậy nên quyết tâm cùng bà ấy đứng lên. Nợ nần thì tích cóp dần rồi cũng sẽ trả hết. Tình cảm mới là quan trọng”.

Chia sẻ