Phát ớn vì chồng ngày đêm rao giảng bài ca tiết kiệm

Tử Đằng,
Chia sẻ

Ngày đầu tiên sau khi cưới, chồng bắt vợ ngồi im nghe chồng rao giảng một bài về đức tính tiết kiệm. Và rằng chồng bảo ghét nhất người phụ nữ nào không biết tiết kiệm, vun vén cho gia đình, ăn hoang tiêu hoang, phá gia chi tử.

Ngày xưa chồng chọn người yêu kĩ lắm. Anh em, bạn bè xúm vào giục giã chồng thì chồng tức tối quát cho họ một trận: “Tưởng lấy vợ dễ lắm à? Không lựa chọn kỹ, lấy phải đứa ăn tàn phá hại thì tiêu đời...”.

Khi vợ yêu chồng, thấy chồng tiết kiệm, vợ cũng mừng thầm vì tìm được người chồng biết lo xa, tính toán, lại chịu khó, trung thực. Vợ cũng là người chi tiêu có tính toán, nhưng nhiều khi ở bên chồng, vợ vẫn cảm thấy mình biến thành người hoang phí.

Về chung một nhà, cái đức tính “quý báu” ấy của chồng thực sự làm vợ hãi hùng khi nó không những không giảm đi mà còn tăng thêm vài bậc.

Chồng bảo tiền lương của 2 vợ chồng phải dành dụm vào mua nhà, mua xe. Lương vợ được bao nhiêu phải nộp hết cho chồng. (Nghe buồn cười chồng nhỉ, nhà khác thì toàn các ông chồng nộp lương cho vợ?). Mỗi tháng chồng chỉ đưa vợ một khoản cố định để chi tiêu còn lại mình chồng ôm hết gửi tiết kiệm. Vấn đề là cái khoản chồng đưa cho vợ để chi tiêu ấy ít đến thảm hại và đáng thương.

Tháng đầu tiên vợ tiêu bị thiếu thảm hại, mới được nửa tháng mà đã hết quỹ. Vợ xin thêm chồng thì lại nghe một bài ca về đức tính tiết kiệm. Không cháy túi sao được khi chồng luôn thích ăn ngon. Không có món ngon, không liên tục đổi món là chồng lại ca bài ca khác: bài ca về sự đảm đang, khéo léo của người phụ nữ.

Cứ cách vài ngày, chồng lại bắt vợ dậy từ 4 giờ sáng lên chợ đầu mối mua thức ăn cho rẻ và để tủ lạnh ăn dần. Trời mùa đông rét cắt da cắt thịt, chồng cũng không tha cho vợ. Vợ không đi thì thể nào cũng lại nghe một bài ca của chồng về đức tính cần cù. Thôi thà vợ đi còn hơn.

Cứ mỗi lần thấy vợ đi đâu với bạn bè là chồng lại bóng gió rào đón trước sau, không muốn vợ giao lưu với ai vì sợ tốn kém.

Vợ vào nhà tắm, đi ra quên không tắt điện, chồng mà bắt gặp là thể nào cũng om nhà lên. Vợ lại phải ngồi hàng giờ nghe chồng giảng bài ca tiết kiệm. Đến mức nhiều khi vợ bị ám ảnh, tắm xong đi ra rồi mà cứ phải lượn lại vài vòng xem chắc chắn mình đã tắt điện hay chưa.

Máy giặt hỏng, giục chồng mỏi mồm chồng cũng không gọi thợ sửa, chỉ thản nhiên nói: “Giặt tay cho dẻo tay, càng tiết kiệm điện!”. Vợ mỏi tay, đau ê ẩm người chồng cũng chẳng quan tâm, chồng chỉ đang hân hoan vì đã thực hiện được một phương án tiết kiệm mà thôi.

Vợ bị ngã xe, chân bước tập tễnh mới lê được về nhà, chồng chẳng thèm quan tâm xem vợ đau ra sao. Chồng chạy ngay xa cái xe xem xét, thương xót cho thương tích của nó, còn thương tích của vợ thì để vợ tự xót xa.

Phát ớn vì chồng ngày đêm rao giảng bài ca tiết kiệm 1
Sống với chồng chưa đầy 2 năm mà vợ đã trở thành bà cô căn ke tính toán thành thần (Ảnh minh họa).

Thấy vợ mặc đồ gì mới trên người là chồng hết soi ra soi vào lại hạnh họe vợ, có phải lập “quỹ đen” để chi tiêu một mình hay không. Vợ đến dở khóc dở cười với chồng.

Chồng thắt chặt chi tiêu của vợ đến mức tối đa, nhưng về nhà chồng lại ngang nhiên kể lể với vợ: “Mấy em ở công ty anh ăn mặc thời trang lắm, nhìn trẻ trung bắt mắt vô cùng. Sao nhìn vợ mình ăn mặc chán thế?”. Nghĩ mà ức, vợ gân cổ lên “bật” lại chồng: “Đưa thêm tiền đây, đảm bảo vợ còn xinh hơn bọn họ!”. Thế là chồng mới “ngậm tăm” đấy.

Sống với chồng chưa đầy 2 năm mà vợ đã trở thành bà cô căn ke tính toán thành thần, cân đo đong đếm đến từng nghìn lẻ một. Không biết vợ có nên cảm ơn chồng vì đã đào tạo nên phẩm chất ấy cho vợ không?

Con gái nhỏ chào đời, chi tiêu tăng vọt. Chồng miễn cưỡng đáp ứng đề đạt “tăng lương” của vợ. Nhưng khi vợ đòi thuê ô sin thì chồng gạt đi, đón ngay mẹ chồng lên chăm con để vợ đi làm.

Đến lúc này vợ đã biết, mẹ chồng chính là thầy dạy chồng tính tiết kiệm ấy, “trình” tiết kiệm của mẹ chỉ có hơn chồng chứ không kém.

Mẹ chồng mang từ quê lên bao nhiêu quần áo cũ xin được để bé con nhà mình mặc. Vợ mở ra xem thì toàn đồ cũ xì, nhăn nheo, sắp thành màu cháo lòng hết lượt rồi. Vợ tỏ ý không muốn dùng thì chồng với mẹ “chung tay” mắng cho vợ một trận. Cả 2 “hợp âm” giảng cho vợ một bài nữa về đức tính tiết kiệm.

Thế là vợ đành ấm ức mua thuốc tẩy, tiệt trùng về giặt lại mấy lần đống đồ đó trong ấm ức. Nhà mình đâu đến mức nghèo vậy hả chồng?

Thuê ô sin không cho thuê, nhưng chồng lại về khoe với vợ: “Công ty anh các cô năng động lắm, đi học thêm bao nhiêu thứ. Sao em không đi học thêm cái gì nhỉ?”. Vợ sôi máu lên: “Ai trông con, ai làm việc nhà cho em đi học? Anh làm đi, hay thuê ô sin đi, em sẽ đi học!”. Nghe vậy chồng mới “tắt điện” đấy.

Hôm trước, con gái lên cơn sốt giữa đêm. Vợ định bế con đi viện thì chồng ngăn lại, moi ở đâu ra vỉ thuốc cảm bảo vợ cho con uống. Chồng bảo: “Ốm xoàng thôi mà, nửa đêm nửa hôm đi viện làm gì!”.

Con uống xong mấy tiếng sau không đỡ, mà còn sốt nặng hơn. Vợ mặc kệ chồng nói gì thì nói, vợ vẫn đưa con đi. Bác sĩ bảo may mà đưa đến kịp, ở nhà uống mấy viên thuốc hạ sốt thì làm sao ăn thua với bệnh viêm phổi.

Vợ biết chồng cũng là vì tương lai của gia đình, cũng yêu vợ thương con, chịu khó làm việc, không bao giờ đàn đúm chơi bời. Nhưng nhiều khi tính tiết kiệm của chồng quả thật đã quá mức chịu đựng của vợ. 



Ngay cả nỗi đau về hạnh phúc gia đình không trọn vẹn của cô Nam cũng quy ra để tiết kiệm thì thật chẳng còn gì để nói.
Phát ớn vì chồng ngày đêm rao giảng bài ca tiết kiệm 2
Chia sẻ