Phát khóc vì mẹ chồng cổ hủ

Theo Viêtnamnt,
Chia sẻ

Nhiều bà mẹ chồng cả đời sống với quan niệm cũ đã làm nhiều cô con dâu không khỏi cảm thấy khó chịu và bất tiện.

“Thời trang thập niên 70”
 
Ngọc Anh, nhân viên công ty tư vấn luật ở Cầu Giấy, Hà Nội kết hôn đã nửa năm mà vẫn chưa thể hòa hợp được với mẹ chồng. Nhiều khi tâm sự với chị em làm cùng công ty cô chỉ biết lắc đầu: “Mẹ chồng tớ cổ lỗ sĩ lắm”.
 
Chị kể, nhiều lần lĩnh lương, thưởng mấy chị em lại rủ nhau đi mua sắm. Có những cái váy chị thích thật mua về nhưng chỉ mặc một, hai lần rồi để đấy. Mẹ chồng chị biết thì xót của và mắng con dâu là lãng phí. Đến bữa cơm bà “mặt nặng mày nhẹ”: “Vải còn tốt, mới mặc vài lần thì sao không dùng đến lúc nào hỏng thì hãy bỏ đi. Ngày xưa, chúng tôi quần áo chẳng có mà mặc, đến Tết được bộ áo mới là sướng đến quên cả ăn cả ngủ”.

Bà tiếp tục: “Đến đôi dép nhựa đứt còn lấy miếng sắt nung đỏ để hàn lại mà đi nữa là…”, rồi bà ngao ngán lắc đầu. Chị ăn miếng cơm thấy đắng ngắt. Mẹ chồng chị ở quê có một anh con trai duy nhất là chồng chị bây giờ. Khi anh học xong thì ở lại Hà Nội lập nghiệp, mua nhà rồi đón mẹ từ quê lên để tiện phụng dưỡng. Bà ở Hà Nội nhưng mọi phong tục, tập quán vẫn giữ nguyên như hồi ở quê.

Không chỉ thế những lần đưa mẹ chồng đi mua sắm quần áo, chị tiện thể cũng “tự thưởng” cho mình chiếc váy thì bà sa sầm nét mặt: “Gái có chồng mà ăn mặc thế này người ta cười cho, chỉ còn nước lấy mo mà che mặt thôi con ạ”. Ngay sau đó, bà chọn ngay mấy cái áo kín cổng cao tường, cái thì hồng cái thì hoa văn rồi nhấn vào xe đẩy của con dâu.
 

“Tiếng bấc tiếng chì” vì cái tóc

Hoàng Hải (Trương Định, Hà Nội) cũng nhăn nhó: "Mình muốn làm đầu xoăn mà mẹ chồng mình ngăn cản ra mặt. Bà bảo mình có phải ca sĩ đâu, bày vẽ tóc tai làm gì".

Thấy con dâu suốt ngày đổi kiểu tóc hết ép rồi lại xoăn, nhuộm này nhuộm nọ mẹ chồng chị cũng chóng hết cả mặt. Bà bảo: “Ngày xưa tao toàn gội lá bưởi, sả, nửa quả chanh cũng sạch cái đầu mày làm thế vừa tốn tiền có khi rước bệnh vào người thì khổ con ạ”.
 
Mẹ chồng chị Hải ở Thái Bình lên chơi được nửa tháng nay thì cuộc sống gia đình chị cũng đảo lộn từng ấy thời gian với kiểu phát ngôn của bà: “Ngày xưa thế này… ngày xưa thế nọ…”.

Chị chỉ biết nhăn mặt: “Mẹ cổ (cổ lỗ sĩ) quá”, bà nghe không rõ còn gắng hỏi cho ra nhé: “Lỗ lãi cái gì?”

Từ hôm mẹ chồng dưới quê lên chơi, Huế (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng than thở: "Trước mình đi làm toàn mặc váy, ở nhà cũng thoải mái với áo mỏng, mẹ chồng thấy thế lúc đầu còn tròn mắt sau lại “nói bóng nói gió” phát mệt lên được”.

Để lên đối sách đối phó với mẹ chồng, Huế hăm hở đi làm sớm với bộ quần áo kín đáo, phẳng phiu để “qua mắt” mẹ chồng. Sau đó, lên đến công ty chị lại phi ngay vào phòng vệ sinh thay những bộ cánh hợp mốt nhất. Đến chiều lại chịu khó về muộn để thay đồ, ăn vận như lúc mới rời khỏi nhà.

Nhờ chiêu thức này, chị không còn khiến mẹ chồng cảm thấy “nóng mắt” nữa.

Mẹ chồng cổ lỗ sĩ hay con dâu "thoáng" quá đà?

Nhiều bà mẹ chồng cả đời sống với quan niệm cũ và lấy những giá trị đạo đức chuẩn mực ngày xưa để làm thước đo cho hiện tại đã làm nhiều cô con dâu không khỏi cảm thấy khó chịu và bất tiện.

Nhưng cũng có không cô con dâu tự cho mình có lối sống hiện đại, phóng khoáng mà quên đi phép tắc, lễ nghĩa từ xưa để lại. Nhưng thời nào cũng vậy, người phụ nữ càng có trình độ nhận thức, càng phải biết cách cư xử, sống có văn hóa và luôn tôn trọng kế thừa những chuẩn mực, truyền thống tốt đẹp mà thế hệ trước đã để lại. Đó cũng là bí quyết để giữ lửa cho gia đình thời hiện đại.

Nếu sinh hoạt gia đình bỗng dưng bị đảo lộn vì mẹ chồng, con dâu cũng không nên vì thế mà gia tăng khoảng cách. Nên hiểu rằng, mẹ chồng cũng cần cơ hội và thời gian để hiểu thêm về con dâu. Vì vậy, nếu không chung sống thường xuyên với mẹ chồng, con dâu nên coi những dịp mẹ chồng lên chơi là “cơ hội vàng” để gần gũi, thân thiết với mẹ chồng hơn.
Chia sẻ