Phát hiện thêm loài muỗi mới có khả năng lây nhiễm Zika
Thậm chí loài muỗi mới còn nhiều gấp 20 lần loài muỗi Aedes từng được xác định có khả năng lây virus Zika sang người.
Từ khi Zika bùng phát tại Nam Mỹ, loài muỗi Aedes aegypti được xác định là tác nhân chính lây nhiễm loại virus này. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các nhà khoa học đã xác định thêm một loài muỗi mới cũng có thể mang virus Zika.
Theo các nhà khoa học Brazil, loài muỗi mới được xác định có thể lây nhiễm Zika là loài Culex quinquefasciatus. Thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy, virus Zika có thể tồn tại trong cơ thể muỗi Culex và hoàn toàn có khả năng truyền sang người.
Điều đáng lo ngại hơn là muỗi Culex phổ biến hơn gấp 20 lần muỗi Aedes. Hiện các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu xem muỗi Culex có thể mang nguồn virus Zika từ tự nhiên hay phải bị lây nhiễm.
Muỗi Culex có khả năng mang virus Zika và có thể truyền sang người.
Hiện virus Zika được xác định có liên quan đến các triệu chứng như sốt, phát ban, đau cơ, đau khớp và viêm kết mạc. Ngoài ra, virus Zika cũng được cho là nguyên nhân gây ra bệnh đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, một hội chứng trẻ có kích thước đầu nhỏ hơn bình thường và não không phát triển đúng cách. Zika cũng được là có liên quan đến hội chứng Guillain-Barre gây ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và hệ thần kinh. WHO đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu với dịch Zika.
Các nhà khoa học đã tiêm thử máu thỏ nhiễm Zika vào 200 con muỗi Culex. Virus này lưu thông khắp cơ thể muỗi, đến cả tuyến nước bọt, đồng nghĩa với việc nếu muỗi đốt, chúng có thể truyền Zika.
Bên cạnh muỗi Culex và muỗi Aedes, các nhà khoa học cũng xác định muỗi Aedes albopictus cũng truyền virus nhưng với số lượng nhỏ hơn. Ngoài ra, khoảng 20 loài muỗi khác ở châu Phi có khả năng mang nguồn bệnh nhưng chưa xác định được có truyền bệnh cho con người hay không?
Brazil đã ra chiến dịch bắt muỗi Culex tại khu Recife, nơi Zika bùng phát mạnh, để tiếp tục nghiên cứu.
Nếu thực sự muỗi Culex có thể lây bệnh thì việc chống lại dịch Zika sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Hiện vẫn còn rất nhiều điều cần giải thích về virus Zika, trong đó vấn đề bệnh đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh được nhiều bà mẹ quan tâm nhất.
Hầu hết các ca nhiễm bệnh đầu nhỏ đều có liên quan đến các bà mẹ nhiễm Zika khiến nhiều người cho rằng loại virus này là nguyên nhân.
Muỗi Celux quiquefasciatus thường sống ở khu vực có khí hậu ôn hòa như miền nam Hoa Kỳ. Chúng có thể sống qua mùa đông. Khác với muỗi Aedes, muỗi Culex có thể giữ virus Zika trong người ngay khi trong thời tiết giá lạnh.
Thông thường muỗi Culex chỉ đốt chim, gia cầm,… nhưng cũng có trường hợp muỗi Culex đốt người.
Trong khi muỗi Aedes thường sống ở vùng thấp, vùng trũng thì muỗi Culex có thể sinh sống ở vùng cao hơn.
Nguồn: Dailymail