Phát hiện ra "bí mật" của những người không cần tập gym, ăn uống thoải mái mà vẫn có dáng thon thả
Trong khi một số người phải tập gym chăm chỉ và tuân thủ chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt để giữ dáng - những người khác có thể giữ dáng thon thả bất kể họ ăn gì.
Giờ đây, các nhà khoa học có thể đã xác định được bí mật của họ. Đó là họ có một gen gọi là "gen gầy". Loại gen này có thể đóng vai trò trong việc chống lại việc tăng cân. Và các nhà khoa học cũng nói rằng loại gen này có thể mở đường cho các phương pháp điều trị béo phì mới.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích cơ sở dữ liệu di truyền của hơn 47.000 người Eston ở độ tuổi từ 20-44 để xác định gen được cho là chìa khóa trong việc giữ cho một người người khỏe mạnh và không tăng cân. Và họ phát hiện ra rằng những người khỏe mạnh và gầy có xu hướng có một số biến thể nhất định của gen ALK.
Josef Penninger, giáo sư khoa di truyền y học tại Đại học British Columbia, người đứng đầu nghiên cứu cho biết: Có khoảng 1% dân số có gen này. Họ có thể ăn bất cứ thứ gì mình muốn, không tập squats mọi lúc mà vẫn không tăng cân.
Đặc biệt, thông qua các thí nghiệm trên chuột và ruồi giấm, Giáo sư Penninger phát hiện ra rằng gen ALK đóng vai trò tác động các tế bào thần kinh ở vùng dưới đồi của não. Nó dường như ảnh hưởng đến một phần của hệ thống thần kinh giao cảm và dẫn đến những thay đổi trong việc dự trữ chất béo ở các nơi trong cơ thể, giúp điều chỉnh sự thèm ăn.
Hiện tại, béo phì đang trở thành một trong những bệnh được quan tâm hàng đầu trong cuộc sống hiện đại. Các nhà nghiên cứu liên tục tìm kiếm các phương pháp mới để điều trị bệnh béo phì, nhất là sau khi nhiều nghiên cứu tiết lộ một điều rằng béo phì làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc COVID-19.
Giáo sư Penninger tin rằng một ngày nào đó gen ALK có thể được sử dụng để tạo ra "thuốc" giúp mọi người có khả năng giữ cân tốt hơn. Gen này cũng đã được chứng minh là có vai trò trong việc làm giảm hoạt động của bệnh ung thư.
Trong bài báo của mình, được công bố trên tạp chí Cell, giáo sư Penninger nói rằng: "Thực tế là có thể tắt hoặc giảm chức năng của gen ALK để xem liệu chúng ta có gầy đi không. Các chất ức chế ALK đã được sử dụng trong điều trị ung thư và chúng tôi thực sự sẽ cố gắng làm điều này trong tương lai".
Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu khác cảnh báo rằng việc mày mò với ALK có thể có tác dụng phụ không mong muốn. Vì vậy, theo các nhà khoa học, bước tiếp theo cần thực hiện là "phân tích tổng hợp". Tức là, gộp dữ liệu từ các ngân hàng dữ liệu khác, bao gồm cả Biobank (ngân hàng sinh học) của Anh, nắm giữ thông tin di truyền trên nửa triệu người Anh, để xem liệu họ có nhận được kết quả tương tự hay không.
Giáo sư Penninger nói: "Bạn học được rất nhiều từ biobanks. Nhưng nó không phải là câu trả lời cuối cùng cho cuộc sống. Mặc dù vậy chúng là điểm khởi đầu và rất tốt để xác nhận, liên kết các vấn đề rất quan trọng đối với sức khỏe con người".
Làm thế nào để biết nếu bạn béo phì hay không?
Phương pháp được sử dụng rộng rãi nhất để kiểm tra xem bạn có cân nặng khỏe mạnh hay không là chỉ số khối cơ thể (BMI).BMI là thước đo xem bạn có cân nặng khỏe mạnh tương ứng với chiều cao của mình hay không.
Công thức tính BMI như sau: BMI = Cân nặng/(Chiều cao x Chiều cao)
Kết quả: So sánh chỉ số BMI của bạn trong nhóm kết quả sau:
- 18,5-24,9 có nghĩa là bạn có cân nặng khỏe mạnh.
- 25-29.9 có nghĩa là bạn thừa cân.
- 30-39,9 có nghĩa là bạn béo phì.
- 40 trở lên có nghĩa là bạn bị béo phì nặng.
BMI không được sử dụng để chẩn đoán béo phì vì những người rất cơ bắp có thể có chỉ số BMI cao mà không có nhiều chất béo.
Một biện pháp tốt hơn để xác định bạn có dư thừa chất béo hay không là xem kích thước vòng eo. Đây có thể được sử dụng như một biện pháp bổ sung ở những người thừa cân (với BMI từ 25-29,9) hoặc béo phì vừa phải (với BMI từ 30-34,9).Thông thường, đàn ông có kích thước vòng eo từ 94cm trở lên và phụ nữ có kích thước vòng eo từ 80cm trở lên có nhiều khả năng phát triển các vấn đề sức khỏe liên quan đến béo phì.
Nguồn: Thesun