Phát hiện mới: Những người có 2 đặc điểm này sẽ có nguy cơ mắc ung thư đại tràng cao hơn
Một nghiên cứu mới đã phát hiện, đặc điểm của cơ thể cũng dự đoán được nguy cơ mắc ung thư đại tràng cao hay thấp.
Đó là nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Science Advances. Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã tìm hiểu hình dáng cơ thể có liên quan tới nguy cơ mắc ung thư đại tràng hay không. Kết quả cho thấy, những người có thân hình béo phì và những người cao nhưng có nhiều mỡ vùng eo, hông sẽ có nguy cơ phát triển ung thư đại tràng cao hơn.
Vị trí tích tụ mỡ và nguy cơ phát triển ung thư đại tràng
Trước đây, đã có nghiên cứu tìm hiểu mối liên hệ giữa vị trí tích tụ mỡ trên cơ thể và nguy cơ phát triển ung thư đại tràng. Đó là nghiên cứu đăng tải trên British Journal of Cancer vào năm 2022. Nghiên cứu này chỉ ra rằng, những người béo phì và những người cao nhưng tích tụ mỡ tại vùng trung tâm của cơ thể có nguy cơ phát triển ung thư đại tràng cao hơn. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, những người tham gia đều là người gốc châu Âu.
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học mở rộng đối tượng tham gia nghiên cứu bao gồm cả người da trắng, người gốc Phi và gốc Á.
Tiến sĩ Heinz Freisling, chuyên gia dịch tễ học của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế, đồng thời là một tác giả của nghiên cứu, cho biết: "Thông thường, nguy cơ ung thư chỉ được xét trên chỉ số khối cơ thể (BMI) nói chung. Thế nhưng, chỉ số này không phân biệt cân nặng dư thừa đang dồn vào vị trí nào trên cơ thể, chẳng hạn như ở eo hay ở hông".
Nghiên cứu của tiến sĩ Freisling cùng các cộng sự đã thu thập dữ liệu từ 329.828 người từ Ngân hàng Sinh học Vương Quốc Anh. Họ xem xét chỉ số BMI, chiều cao, cân nặng, tỷ lệ eo-hông cũng như chu vi vòng eo và hông của người tham gia để chia họ thành bốn nhóm. Bốn nhóm này gồm: béo phì nói chung; cao và lượng mỡ phân bổ đều khắp cơ thể; cao và mỡ tích tụ nhiều ở vùng trung tâm cơ thể; thấp hơn và có hông, eo nhỏ hơn nhưng cân nặng và BMI cao.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, nhóm người cao và béo phì vùng trung tâm cơ thể có nguy cơ mắc ung thư đại tràng cao hơn 12% và những người béo phì nói chung có nguy cơ mắc căn bệnh này cao hơn 10%.
Các nhóm còn lại có sự gia tăng nhỏ nhưng không đáng kể về nguy cơ mắc ung thư đại tràng. Đặc biệt, các mức nguy cơ cao nhất xảy ra ở tất cả các nhóm người da trắng, gốc Phi và gốc Á.
Có mối liên hệ giữa chiều cao và bệnh ung thư?
Một nghiên cứu năm 2019 trên 23 triệu người trưởng thành ở Hàn Quốc cho thấy, những người có hình thể cao hơn sẽ có nguy cơ mắc mọi bệnh ung thư trong danh sách được nghiên cứu cao hơn, trừ ung thư thực quản.
Một nghiên cứu khác cho thấy nguy cơ mắc 8 bệnh ung thư, bao gồm cả ung thư đại tràng, tăng lên khi chiều cao tăng thêm khoảng 10cm.
PGS Anam Khan, Khoa Tiêu hóa, Gan mật và Dinh dưỡng tại Trung tâm Ung thư Anderson của Đại học Texas (Mỹ), cho biết: "Người ta cho rằng những người cao hơn có thể có đại tràng dài hơn. Do đó, ung thư có nhiều cơ hội để phát triển hơn".
Ngoài ra, PGS Khan nói thêm rằng, các yếu tố khác như mất cân bằng nội tiết tố, chế độ ăn uống và lối sống cũng có thể đóng một vai trò nào đó trong nguy cơ phát triển ung thư đại tràng. Ví dụ, những người cao hơn có thể ăn nhiều hơn, từ đó có khả năng cao hơn tiếp xúc với các chất gây ung thư.
Làm gì để giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng?
Mặc dù giảm cân có thể giúp ngăn ngừa sự tích tụ mỡ nhưng không phải lúc nào bạn cũng có thể thay đổi hoàn toàn kiểu hình dáng của cơ thể của mình. Hình dáng cơ thể chủ yếu là kết quả của gene di truyền. Tuy nhiên, tin tốt là có nhiều cách khác để giảm nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng. Các cách này bao gồm hạn chế tiêu thụ đồ uống có cồn, tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc và kiểm soát căng thẳng.
Theo chuyên trang sức khỏe Health, dinh dưỡng cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa ung thư đại tràng. Ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu đồng thời hạn chế ăn thịt chế biến sẵn và thịt đỏ có thể giúp giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng.
Đặc biệt, những người có nguy cơ nên bắt đầu sàng lọc ung thư đại tràng khi bước sang tuổi 45.