Phản cảm clip săn bắt động vật rừng đầy rẫy trên mạng xã hội
Nhiều đoạn video săn bắt thú rừng, chim rừng, rắn độc… đăng tải trên mạng xã hội thu hút hàng triệu lượt xem, cả nghìn bình luận bức xúc với vấn nạn này.
Trong 2 năm qua, kênh YouTube Ca Cường TV đã đăng nhiều video về hoạt động săn bắt thú rừng, chim rừng, rắn độc ở nhiều tỉnh thành khác nhau tại phía Nam. Trong đó có những video đạt cả triệu view nhờ những nội dung như vậy. Trên kênh này, những video săn bắt chồn hương, kỳ đà, rắn hổ, chim rừng dường như là công việc thường nhật của chủ kênh YouTube.

Video săn bắt chim rừng lan truyền trên nhiều nền tảng mạng xã hội như Youtube, Facebook thu hút cả triệu lượt xem với hàng nghìn bình luận bức xúc.
Mới đây, mạng xã hội Facebook lại “dậy sóng” khi đăng lại clip bắt chim rừng của kênh Ca Cường TV. Một con chim rừng nặng khoảng 2 kg bị dính bẫy của Cường và bạn đồng hành. Chú chim có màu sắc sặc sỡ, vùng vẫy trong chiếc bẫy đến gãy chân. Chủ kênh và bạn đồng hành hả hê với chiến tích của mình.
Cường cho biết, đây là video chim diệc lửa dính bẫy được quay cách đây 2 năm tại Kiên Giang.
Nhìn hình ảnh do PV Báo điện tử VTC News cung cấp, ông Trần Phú Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm An Giang cho biết, diệc lửa không có tên trong danh mục IB, IIB loài động vật quý hiếm theo Nghị định 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm.
Đối với trường hợp người dân săn bắt chim diệc lửa sẽ xử lý theo Nghị định 35/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Điều 21 của Nghị định 35/2019 nêu rõ, hành vi săn bắt động vật rừng trái quy định sẽ bị xử phạt từ 5 - 15 triệu đồng đối với động vật rừng thông thường trị giá dưới 10 triệu đồng. Mức phạt này có thể lên tới 300 - 400 triệu đồng nếu đó là động vật rừng thuộc danh mục nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB với số lượng 2 cá thể lớp thú hoặc từ 5-6 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 6-9 cá thể động vật lớp khác.
Như vậy, nếu chiếu theo quy định, người bắt chim diệc lửa có thể sẽ đối mặt với mức phạt từ 5-15 triệu đồng. Chủ kênh YouTube cũng còn rất nhiều video bắt rắn hổ, chồn hương, kỳ đà trong suốt thời gian dài vừa qua và kiếm tiền từ những nội dung này trên mạng xã hội.

Chủ kênh Ca Cường TV chia sẻ nhiều video săn bắt chồn, kỳ đà, rắn hổ trên mạng xã hội.
Nhiều người dùng trên mạng xã hội Facebook đã liên tục bình luận tỏ ra bức xúc với nội dung đoạn clip được đăng tải và yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý nghiêm.
"Phải trừng trị nghiêm, không thể để những hành động thế này làm ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên" , một người đọc trên mạng xã hội viết.
"Yêu cầu thả những con thú hoang dã trở lại môi trường. Không thể chấp nhận cách câu views rẻ tiền như thế này. Cần tẩy chay những nội dung bẩn độc hại thế này trên YouTube" , một bạn đọc khác phẫn nộ.
Rất nhiều người chung quan điểm rằng, những video dạng xấu, độc này sẽ cổ suý cho phong trào săn bắt thú rừng, động vật hoang dã, góp tay "tận diệt" những loài vật trong thiên nhiên.
Luật sư Lê Hữu Nghĩa, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, theo quy định tại Điều 21 Nghị định 35/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 12 Điều 1 Nghị định 07/2022/NĐ-CP), hành vi săn, bắt, giết, nuôi, nhốt động vật rừng trái quy định của pháp luật bị phạt tiền từ 1 triệu đồng trở lên.
Tuỳ thuộc vào từng loài, giá trị, số lượng của động vật rừng bị săn bắt mà sẽ có mức xử phạt tương ứng. Theo luật sư Nghĩa, giá trị của động vật rừng bị săn bắt càng cao thì mức xử phạt sẽ càng tăng.
Đặc biệt, nếu động vật bị săn bắt thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thì mức xử phạt sẽ rất nặng. Mức xử phạt cao nhất đối với hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt động vật hoang dã trái quy định của pháp luật lên đến 400 triệu đồng. Thậm chí, người giăng bẫy, săn, bắt, mua, bán còn có nguy cơ bị xử lý hình sự (nếu bẫy trúng những loài động vật nguy cấp, quý, hiếm).
Theo luật sư Nghĩa, đối với trường hợp của chủ kênh Ca Cường TV, nếu hành vi săn bắt chim rừng, thú rừng diễn ra trong vòng 2 năm thì cơ quan chức năng vẫn xử phạt vi phạm hành chính bình thường. Nếu quá 2 năm thì việc xử phạt hành chính hết hiệu lực.