Ông lão 80 tuổi bán xôi nuôi vợ bệnh ở Sài Gòn: "Tình yêu ngày xưa bình dị lắm con ơi!"
Từ ngày vợ phát bệnh không thể buôn bán được, ông Hoà thay bà nấu xôi đi bán để nuôi 2 vợ chồng già. Khó khăn, vất vả nhưng ông bà chưa bao giờ để đánh mất sự lạc quan và tình cảm của mình ở tuổi xế chiều.
Đã hơn 10h tối, ông Hoà vẫn cặm cụi dưới bếp với những nồi xôi nghi ngút khói. Ông cụ hóm hỉnh kể công: "Từ hồi bả bệnh, bố lo hết, từ chuyện vo nếp, nhúm lửa, nấu xôi rồi đem đi bán...". Bà Ảnh quay sang bĩu môi: "Thôi ông ơi!!! Làm có bây nhiều mà kể công miết, hồi xưa tui làm biết chừng nào, có kể đâu". Ông nhìn bà rồi cười hì hì.
Dù đã lớn tuổi nhưng ông bà vẫn luôn yêu đời.
"Bà nghỉ đi, cứ để đó tôi làm"
Ông Lê Thành Hoà (81 tuổi) và bà Trần Thị Ảnh (73 tuổi) cưới nhau cũng đã hơn 50 năm, họ có với nhau 10 người con và hiện đang sinh sống tại trong con một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Khoái (quận 4, TP.HCM). Theo lời bà kể thì trước đây kinh tế gia đình khá ổn định, ông thì đạp xích lô, bà thì bán xôi, buôn bán khấm khá nên cũng cất được ngôi nhà nhỏ trên mảnh đất cha mẹ để lại.
Ông bà Ảnh sống trong một ngôi nhà cũ kỹ tại quận 4.
Mấy năm trước, bà Ảnh đổ bệnh nặng, bà bị phát hiện mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp và suy tim. Số tiền dành dụm bao năm đem đổ hết vào thuốc thang cũng không đủ. Ông Hoà phải vay thêm ở bên ngoài để lo cho vợ.
Bà Ảnh bị bệnh nặng, không thể làm việc nặng nên ông Hoà phải gánh mọi công việc để có tiền trang trải cuộc sống.
Cũng từ thời điểm đó, bà Ảnh không còn đủ sức khoẻ để đi bán mỗi ngày. Ông Hoà sức cũng yếu dần nên nghỉ chạy xích lô chuyển sang bán xôi thay bà. Mỗi ngày, ông cụ bắt đầu công việc của từ 8h tối, ông vo nếp, nấu xôi cho đến tận 2h sáng rồi mới chợp mắt tí xíu để 5h dậy chuẩn bị đi bán.
Mỗi đêm ông Hoà gần như thức trắng để nấu xôi.
Gian bếp nhỏ ẩm thấp là nơi ông Hoà phải làm việc suốt mấy năm qua.
Góc đường Hai Bà Trưng – Mạc Thị Bưởi (quận 1) trước đây là nơi bà vẫn thường ngồi bán, nay ông ngồi thay bà. Xôi giá bình dân, mỗi gói 10.000 đồng, ai muốn nhiều hơn thì mua gói 15.000 đồng. Bán cả buổi sáng, nhưng ông Hoà cũng chỉ lời được hơn 100.000 đồng. Số tiền lời ít ỏi đó còn phải chi gần 70.000 đồng cho tiền xe ôm chở gánh xôi vừa đi vừa về, thành ra lời cũng chẳng còn bao nhiêu.
Nhà thiếu xe máy nên ông Hoà đi bán cũng bằng xe ôm.
"Tiền lời đủ tiền đi chợ, ngày nào ế quá thì con nó đem đồ ăn qua cho" - bà Ảnh tâm sự. Cuộc sống khó khăn là thế, nhưng điều đáng quý là ông bà chẳng ba giờ mất sự lạc quan. Ông rất hay cười và bà cũng thế. Họ cười không chỉ vì hạnh phúc khi còn được ở cạnh nhau, mà đôi khi cười để quên đi cái khổ đang trải qua.
"Và thời ấy bình dị lắm con ơi! Chạm tay nhau một giây thôi là nhớ nhau cả đời..."
Tôi hỏi nhỏ: "Hồi đó ông bà quen nhau như thế nào?". Bà cười tít mắt: "Yêu đương, hẹn hò gì đâu con, ngày xưa cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Bữa đó bà đi cấy mạ, về tới nhà người dính đầy bùn đất thì gặp ổng. Bà không để ý, vì cũng không biết ổng là ai. Sau này mới biết là bữa đó ổng qua nhà xem mắt. 2 bên gia đình đồng ý thì ông bà cưới nhau. Vậy đó mà thương nhau đến tận bây giờ".
Ông bà quen nhau nhờ mai mối của cha mẹ.
Ông Hoà chẳng bao giờ nói chữ yêu, với ông yêu có nghĩa là thương. Ông Thương bà Ảnh, đơn giản vì bà đã sinh cho ông 10 người con, bà tần tảo bao năm qua chăm lo cho gia đình không một lời than vãn, và vì bà cũng thương ông. "Cưới bả về bố chưa một lần đánh bả. Giận cỡ nào cũng nhịn, bực quá thì nói: Tui nhịn bà 5 phút đó, bà ưng nói gì thì nói. Dại gì đánh bả, bả giận không nấu cơm cho ăn là đói luôn" - ông Hoà quay sang nhìn bà cười.
Ông Hoà chưa một lần lớn tiếng với vợ, vì đơn giản ông thương bà.
Bệnh tật khiến sức khoẻ bà không còn như xưa, nhưng bà vẫn cố gắng giúp ông được lúc nào hay lúc nấy. Sáng ông đi bán, bà ở nhà lo cơm nước, tối ông thức khuya nấu xôi bà cũng "thay ca" giúp ông vài giờ đồng hồ để ông được ngả lưng.
Mỗi đêm bà Ảnh vẫn thường thức canh nồi xôi vài tiếng cho ông Hoà đi nghỉ ngơi trước khi đi bán.
Con cái giờ đã lớn cả, hầu như ai cũng có gia đình riêng. Khi tôi có ý định hỏi về chuyện chu cấp của các con, bà Ảnh tâm sự: "Tụi nó lớn hết rồi, đứa nào cũng nghèo, mình già đâu nuôi nổi nữa". Bố mẹ vẫn luôn thế, lúc nào cũng nghĩ cho con, chứ chẳng bao giờ đòi hỏi được phụng dưỡng, nước mắt thì luôn chảy xuôi.
Phải làm tất cả công việc thay bà, ông chẳng bao giờ than vãn.
53 năm đã trôi qua, ông vẫn luôn bên bà, dù đã đánh đổi cả gia tài để cứu bà, dù phải làm lụng vất vả những ngày cuối đời, ông vẫn không than trách. "Sông dài cá lội biệt tăm, phải duyên chồng vợ ngàn năm vẫn chờ", trong ngôi nhà này nghĩa vợ chồng đôi khi còn lớn hơn cái mà người ta vẫn gọi là tình yêu.
"Ông có bao giờ mua quà tặng cho bà không?" - tôi hỏi. Ông móm mém trả lời: "Đi làm rồi đưa tiền cho bả, bả thích mua gì thì mua".
Tôi chợt nhớ đến câu hát: "Ôi tình yêu ngày xưa đẹp lắm con ơi! Những dòng thư tay viết vội, những lời ngây ngô đầu môi. Và thời ấy bình dị lắm con ơi! Chạm tay nhau một giây thôi là nhớ nhau cả đời..."