Ngày đông hanh hao nắng, nhất định phải rủ nhau lên phố thưởng thức món xôi chè 70 năm tuổi
Nếu thèm một nơi có thứ quà chiều giản dị, ngon lành, nóng hổi, hợp để ngồi nhâm nhi tán gẫu với nhau giữa mùa đông, hãy tìm đến hàng xôi chè ngay ngã tư Hàng Bồ - Bát Đàn để trải nghiệm hương vị gia truyền từ thế kỷ trước.
Hà Nội cuối tuần dịu mát, nắng nhàn nhạt, mặc chiếc váy len mỏng là đủ dạo chơi hết ngày. Khắp nơi rộn ràng không khí tấp nập, vui tươi, tiếng còi xe inh ỏi giờ tắc đường, tiếng loa phường trên chiếc cột điện cũ, tiếng trò chuyện í ới… khiến phố cổ như một chiếc tivi phóng to, yêu thương quá. Nếu đi chán, mệt, muốn nghỉ chân, hãy tìm ở góc ngã tư Hàng Bồ - Bát Đàn có hai quán chè nho nhỏ tên giống nhau nằm 2 bên đường, với biển tên đỏ rực nổi nhất phố, tuy hơi chật, chỗ để xe cũng ít, nhưng luôn đông nghịt khách ra vào ngồi ăn.
Hàng xôi chè nổi tiếng cuối phố Hàng Bồ
Quán chè ấy quen thuộc với rất nhiều người dân Hà Nội, đặc biệt là ở quanh khu phố cổ. Ở đây bán các loại chè ăn chung với xôi vò, bánh trôi tàu… mang “thương hiệu” Xôi chè bà Thìn. Có lẽ thực khách nhớ đến hương vị ngon lành của món chè số 95 Hàng Bồ nhiều hơn là lịch sử ra đời của nó. Ít ai biết, hàng chè này đã trải qua 4 thế hệ nối tiếp nhau, từ năm 1954 đến nay đã “thọ” gần 70 tuổi.
Bên kia ngã tư còn một hàng chè nữa cùng thuộc một chủ
Chật vật mãi mới nhét được xe lên vỉa hè, tôi thong thả ngồi gọi một cốc chè sen lót dạ. Quán bên Hàng Bồ rộng chỉ khoảng 15m2, trước cửa là chiếc bàn to xếp đầy những khay thạch, âu nhựa đựng cốt dừa, đỗ xanh, nước đường, trân châu, thúng xôi… để khách đến ăn có thể thoải mái chọn món mình yêu thích. Phía sau bàn là nồi trôi tàu nghi ngút khói, cùng với bát, cốc linh tinh phục vụ cho việc bán hàng. Giữa mớ đồ ăn đầy hương thơm hấp dẫn ấy, cô chủ quán có gương mặt hiền hậu ngồi một mình, luôn tay làm chè cho khách. Món chủ đạo trong thực đơn của quán là xôi vò, ăn kèm với nó là các loại chè, cho vào chung một bát, khi ăn trộn đều lên tạo thành hương vị ngon lành đến lạ.
Quán chè Hàng Bồ khá nhỏ, nhưng sạch sẽ gọn gàng, rất đông khách ghé qua mỗi ngày
Mùa đông lạnh, mọi người thích ăn quà chiều nóng hổi, ấm bụng như mấy món xôi chè độc đáo ở đây
Cô chủ quán đã ngoài 50 nhưng phục vụ khách rất nhanh chóng, chu đáo
Khách đến ăn chè đông không tả được, già trẻ lớn bé ai cũng tìm được món ăn phù hợp ở đây, từ truyền thống như chè đỗ đen, kho đỗ xanh, hạt sen, bánh trôi tàu… đến những món độc đáo như chè con ong, cốm xào. Trong số đó, có một món làm nên tên tuổi cho quán, hầu như ai tới ăn cũng gọi, đó là chè bà cốt. Nghe lạ tai quá đúng không, nhưng thực ra nó là tên gọi của một thức quà dân dã được ông bà ta sáng tạo ra từ hàng trăm năm rồi.
Tò mò về món đó nên tôi đã trò chuyện với cô Mùi chủ quán, cô rất vui vẻ giải đáp thắc mắc của tôi, và còn tiết lộ rất nhiều điều thú vị về hàng chè cổ xưa này. Cô bảo: “Chè bà cốt thực ra là xôi vò ăn với nước bà cốt đặc biệt, làm từ gạo nếp xay nhuyễn, mật mía, gừng… Từ xưa các cụ đã đặt như vậy, giờ nhiều nơi gọi khác, hoặc thay thế bằng nước cốt dừa”. Món chè này vừa đơn giản vừa ngon miệng, từng hạt xôi dẻo thơm hòa quyện vị giác với thứ nước đặc sệt màu trắng, thơm lừng, nóng hổi, ngọt đến tận cuống họng, kiểu thanh thanh chứ không ngọt sắc gây ngán.
Người phụ nữ trung niên này lần đầu tiên nếm thử xôi chè ở quán, cảm thấy hài lòng vì đồ ăn khá ngon
Nhiều bạn trẻ tới đây ăn thường xuyên, nhưng cũng không biết rằng món chè này có tuổi đời gần 1 thế kỷ
Xôi chè bà cốt rất thích hợp ăn vào mùa đông, vừa no vừa ấm bụng, nhâm nhi quà chiều thì không còn gì tuyệt vời hơn. Chẳng thế mà biết bao nhiêu người “nghiện” món đó, dù nhà có xa đến mấy cũng nhất quyết lặn lội đến tận Hàng Bồ, ngồi ăn đúng quán cạnh ngã tư mới thôi. Như chị Giang (35 tuổi) đã gắn bó với hàng chè suốt 15 năm nay chia sẻ: “Nhà mình ở tận Bách Khoa, chẳng gần tí nào nhưng một tuần phải đến đây ăn vài lần, mùa đông gọi xôi chè, hè thì gọi đỗ đen. Chẳng nhớ sao lại biết quán này, nhưng mình ăn từ hồi cô chủ còn bán rong cơ, sau cố định một chỗ thì mình thường xuyên đi cùng bố mẹ, chồng con, bạn bè tới như địa điểm quen thuộc yêu thích”.
Nhìn từ ngoài vào thì quán rất sạch sẽ, chẳng có bàn, toàn ghế la liệt để khách ngồi ăn cho gọn, thực đơn dán quanh tường cho khách dễ chọn, nom y như những quán chè khác. Tuy nhiên, cái hồn tinh túy nhất, lâu đời nhất nằm ở những chiếc khay, bát đựng chè do cô Mùi tự tay nấu mỗi sáng sớm. Mỗi món chè ở đây đều là huyền thoại từ thế kỷ trước.
Mỗi thứ nguyên liệu đều được cô Mùi tự tay chuẩn bị với bí quyết gia truyền riêng
Khách thích ăn gì chỉ việc đứng gọi, cô chủ quán làm rất nhanh, chỉ 2 phút là được bưng trên tay bát chè nóng hổi
Ngoài chè trộn với xôi thì ở quán còn có các loại chè truyền thống như hạt sen, đỗ đen, tào phớ, bánh trôi tàu...
Ba loại chè ăn chung xôi vò làm nên tên tuổi của quán: hoa cau, đỗ đen, bà cốt
Cô chủ quán hiền lành tâm sự: “Tôi làm dâu con trong nhà từ cách đây 30 năm, được mẹ chồng tận tình truyền nghề lại, mọi bí quyết nấu chè đều do bà dạy tôi. Bà mất lâu rồi, nghe bà kể thì gia đình chồng tôi chuyên bán chè từ thời cụ kị, đến con gái tôi là 4 đời nối tiếp nhau. Cái tên quán bây giờ là tên của mẹ chồng tôi. Hồi xưa nhà tôi bán rong đấy chứ, ngồi ở con ngõ nhỏ ngay cạnh đây này, chiều chiều lại mang thúng mẹt ra chờ khách. Sau thì thuê nhà để bán, từ số 93 Hàng Bồ chuyển sang số 95. Khách đông quá nên tôi thuê thêm cả bên số 1 Bát Đàn, 2 con gái tôi thay phiên nhau ngồi bán. Cũng vất vả lắm, nhưng nhiều người thích ăn ở đây nên tôi chẳng muốn nghỉ ngày nào”.
Vừa kể chuyện, cô Mùi vừa tất bật múc chè phục vụ khách, rồi gói ghém cho người ta mang về. Có khoảng 3-4 người túc trực phụ giúp cô luôn tay, mà lắm lúc khách đông quá không kịp nhớ món. Vất vả là vậy mà chẳng thấy cô cáu gắt khó chịu bao giờ, ngồi bán từ 8h sáng đến tận 10h tối, lúc nào cô cũng cười rất tươi, nhẹ nhàng hỏi khách ăn gì, gặp khách quen còn thêm ít chè, ít xôi vào bát, ân cần như mẹ với bà, nên ai tới đây một lần cũng thấy thoải mái, muốn quay lại nhiều nhiều về sau.
Xôi vò - phần nguyên liệu quan trọng được cô Mùi nấu rất cẩn thận, trộn đều liên tục cho nóng dẻo
Cứ một lớp chè sánh mịn ngọt ngào, lại đến một lớp xôi vàng ươm
Đang trò chuyện thì có một bà cụ tóc bạc phơ, mặc áo chần bông kiểu cũ, tay cầm chiếc bát nhỏ ghé vào hàng. Chắc cụ cũng khoảng 70, gương mặt đầy nếp nhăn, nụ cười móm mém phúc hậu, ngồi xuống ngay cạnh cô Mùi. Cô thân mật nói nhỏ: “Vẫn xôi chè nhiều cốt hả bà Trinh”. Hai người phụ nữ một già, một già hơn, cách nhau cả một thế hệ nhưng cùng yêu mến những món chè từ thời xưa cũ, một người nấu một người thưởng thức, cứ chiều chiều lại hàn huyên với nhau bên bát chè nóng hổi.
Cụ bà hàng xóm ấy đã chứng kiến gần 7 thập kỷ thăng trầm của hàng xôi chè, từ ngày còn vắng khách đến lúc nổi tiếng như bây giờ. Nhìn cụ chậm rãi nếm từng miếng xôi, cảm giác như vị ngon lành mộc mạc ấy chưa từng đổi thay theo năm tháng, hồn cốt của món ẩm thực dân dã được duy trì khá lâu qua bàn tay của những người phụ nữ gốc kinh kỳ tài hoa khéo léo, truyền từ đời này sang đời khác như một cách để lại dấu ấn hàng xưa quán cũ cho mọi người tìm về.
Nụ cười tươi và lòng hiếu khách của cô chủ quán khiến ai đến ăn cũng thấy ấn tượng, thoải mái
Có những vị khách yêu thích món xôi chè lâu năm ở đây đến mức đặt mua cả trăm cốc đem về một lúc
Trong kí ức của nhiều thực khách yêu mến xôi chè bà Thìn, giá cả ở đây bao nhiêu năm vẫn cứ rẻ, từ vài nghìn lên đến 15 - 20 nghìn như bây giờ vẫn phù hợp túi tiền bình dân, ai cũng có cơ hội thưởng thức. Có những người đến đặt mua về cả trăm cốc chè cùng lúc, nên một ngày cô Mùi bán hết cả nghìn cốc là chuyện bình thường. Điều mà cô tự hào nhất là các loại xôi, chè do cô tự tay làm luôn đảm bảo chất lượng, với nhiều bí quyết riêng, chỉ là nêm nếm thôi nhưng cũng để lại dư vị khó quên trong lòng thực khách. Bao nhiêu mùa nắng mưa phai mòn trên mái phố, nhưng góc ngã tư ấy vẫn tồn tại hàng xôi chè sở hữu hương vị ngon lành không hề mai một. Ấy là may mắn, cũng là niềm vui giản dị của người Hà thành. Thăm phố cổ mà không ghé qua hàng chè ấy, sẽ tiếc nuối rất nhiều.