Ông bà ngoại hơn 80 tuổi vẫn phải đi thuê nhà ở dù có đến 3 cuốn sổ đỏ giá trị không hề nhỏ
Thật ra nếu không phải vì điều kiện kinh tế mỗi nhà mỗi khác thì ai mà lại không thích đông con nhiều cháu cơ chứ! Nhất là các ông các bà khi về già lại càng thích con cháu tụ họp đông đủ. Niềm vui tuổi già đôi khi chỉ đơn giản là vui vầy con cháu mà thôi.
Ông bà ngoại tôi có đến 5 người con, 1 trai và 4 gái. Mẹ tôi là chị cả. Hiện tại, ngoại trừ cậu tôi và dì út thì ai cũng đã có gia đình riêng cả rồi. Đến tôi là đứa cháu lớn nhất của ông bà thì cũng đã có gia đình riêng rồi.
Mà từ bao đời nay, thuyền theo lái, gái theo chồng, ai đã có cuộc sống riêng rồi thì chỉ mỗi lo toan cho những bộn bề của gia đình riêng cũng đã quá đủ để choán hết tâm trí của con người ta. Cuối cùng, mẹ tôi và hai dì chỉ có thể tháng đôi ba lần về thăm hỏi ông bà ngoại mà thôi.
Hơn nữa, việc can thiệp quá nhiều vào nhà ngoại cũng là chuyện tế nhị khi ông bà ngoại tôi còn đang sống chung với cậu tôi nữa. Tính cách của cậu có phần lập dị, nhất là sau khi cuộc hôn nhân của cậu đổ bể.
Khác hoàn toàn với không khí trước đây, giờ mỗi lần sang thăm ông bà ngoại, tôi cảm nhận được rõ ràng không gian tù túng và bí bách mà từng thành viên sống trong căn nhà ấy họ dành cho nhau. Nó ngạt thở đến độ tôi đành mang cái tiếng cháu chắt vô tâm cả năm về chơi với ông bà được số lần đếm trên đầu ngón tay nhưng chẳng thể qua lại căn nhà của ông bà vô tư như ngày trước.
Phải công nhận một điều, ông bà ngoại tôi có ba cô con gái không chê được vào đâu. Mẹ tôi và 2 dì lớn sau khi lấy chồng, dù biết tài sản của ông bà không hề ít nhưng chẳng bao giờ tơ hào lấy một hào một xu. Cuộc sống vất vả thì có nhưng dần dà đâu đều vào đó cả.
Thế nhưng chỉ là có 3 trong tổng số 5 người con của ông bà không bận tâm đến của nả ông bà có mà thôi. Cậu tôi và dì út thì lại là câu chuyện khác.
Ông bà ngoại tôi có 3 căn nhà. Vài năm trước, ông bà quyết định sẽ sang tên đứt cho dì út một căn nhà và cuộc chiến bắt đầu nổ ra từ đó. Cậu tôi không đồng ý vì hà cớ gì cậu là con trai duy nhất nhưng không được cái gì mà ông bà lại thản nhiên cho con gái út nguyên một căn nhà?
Để thỏa hiệp với cậu, ông bà đồng ý sang tên một căn nhà khác cho cậu, với điều kiện cậu phải chấp nhận việc ông bà cho con gái út căn nhà kia.
Căn nhà còn lại vốn là nơi để thờ của dòng họ đã được các cụ để lại từ đời này đến đời khác. Về lý mà nói, cậu tôi là người chịu trách nhiệm thờ cúng nên khi ngồi xuống chia ra thì phải chia cho cậu phần nhiều hơn, còn lại thì chia đều cho các con gái còn lại.
Tuy nhiên, mẹ tôi và hai dì lớn không cần. Họ đồng thuận nhường lại suất của mình cho cậu vì nói gì thì nói phận là con gái đã ăn lộc nhà chồng rồi, không thể tham của cải nơi thờ cúng của tổ tiên. Cuối cùng, gần như chốt lại rằng đất đó cứ theo các cụ, không bán không chia mà tiếp tục sang tên cho cậu để cậu tiếp tục lo thờ tự. Cậu tôi có chút khác người nhưng lại rất chấp niệm muốn lưu giữ nhà thờ tổ.
Tưởng rằng như vậy là ổn thỏa rồi, thế nhưng dì út của tôi lại nhất định không chịu.
- Các chị không lấy phần là việc của các chị, còn phần của con con vẫn lấy! Anh Hưng muốn đứng tên cái nhà ấy thì phải trả lại con đúng phần của con.
Mẹ tôi là chị cả, nghe vậy liền lên tiếng.
- Mày đã được bố mẹ cho hẳn một miếng đất rồi còn gì nữa? Kia là nơi thờ tự mà mày cũng muốn tham sao?
Dì út coi lời mẹ tôi nói như gió thoảng bên tai, quyết tâm dọn quần áo vào thẳng căn nhà kia để “giữ phần”. Hằng ngày, dì út và cậu tôi liên tục cãi vã, chửi bới nhau. Đêm đến thì người đập cửa rầm rầm, người bật loa đài to ầm ĩ…
Cuối cùng, hai ông bà già hơn 80 tuổi không chịu nổi, vừa mệt mỏi thể xác vừa áp lực tinh thần nên quyết định ra ngoài thuê nhà ở.
Sáng hôm trước mới 6h ông ngoại tôi gọi điện tâm sự. Tôi là phận cháu chẳng thể can thiệp gì nhiều, chỉ có thể lắng nghe câu chuyện của ông bà. Dường như mọi chuyện đã lệch đường ray từ rất lâu rồi, giờ thật khó để nó quay trở lại quỹ đạo đúng đắn.
Cuộc gọi lúc sáng sớm tinh mơ ấy của ông ngoại khiến tôi thương ông bà nhưng lại chẳng biết phải làm sao.