Ôn thi Tiếng Anh vào lớp 10, các nội dung cần tập trung nhất
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội chính thức diễn ra vào 10-14/6/2021. Đối với các bạn không học chắc môn Tiếng Anh, đây sẽ là một thử thách trong thời gian ôn thi còn lại.
Để giúp các bạn học sinh làm bài thi môn Tiếng Anh vào lớp 10 tốt nhất, thầy Đỗ Minh Trung - một giáo viên Tiếng Anh giàu kinh nghiệm - đã chia sẻ những điều cần lưu ý tập trung khi ôn luyện:
Hiểu rõ cấu trúc đề thi
Đề thi sẽ có tất cả 40 câu, bao gồm phần trọng âm, phát âm, đồng nghĩa, trái nghĩa, câu hỏi giao tiếp, điền từ, bài đọc,viết lại câu, câu hỏi phần ngữ pháp... Nội dung chủ yếu sẽ tập trung vào kiến thức của lớp 8 và lớp 9. Tuy nhiên, học sinh cần lưu ý cả một số cấu trúc ngữ pháp lớp 7.
Ôn kỹ từng dạng bài tập
- Phát âm và trọng âm
Để làm phần này, học sinh cần xem kỹ các từ mới trong sách giáo khoa và sách bài tập. Đặc biệt, các em nên học cách phát âm đuôi “s” và “ed”, cũng như một số mẹo đối với các từ 2, 3 âm tiết hoặc có kết thúc đuôi như “-ion”, “ment”…
- Điền từ và bài đọc
Khi làm các bài ôn luyện do giáo viên giao, các em cần phải tập cho mình thói quen đọc thật kĩ câu hỏi và câu trả lời, gạch dưới mỗi từ khóa (keyword), tập trung vào các từ khóa trong bài đọc để tìm ra câu trả lời
Kể cả khi đã tìm được câu trả lời, học sinh cũng cần đối chiếu lại với phần bài đọc một lần nữa, xem câu trả lời có nằm trong nội dung bài không, nếu có thì nằm ở đâu.
- Ngữ pháp và từ vựng
Tuy phần này rất rộng, nhưng có một số phần nhất định các em cần ôn kỹ: Các thì (hiện tại thường, quá khứ thường, hiện tại tiếp diễn, quá khứ tiếp diễn, hiện tại hoàn thành và tương lai), câu hỏi đuôi, danh từ, động từ, giới từ, mạo từ… Ngoài ra, việc học thuộc phần gerunds and infinitives trong sách giáo khoa lớp 8 và lớp 9 là một lợi thế cho việc làm trắc nghiệm phần ngữ pháp, đồng thời nó cũng giúp các em làm giàu vốn từ vựng để hiểu tốt nội dung của bài đọc và bài điền từ khi các em làm bài.
Phần từ vựng, các em cần mở phần glossary ở phần cuối sách giáo khoa lớp 8, lớp 9 để ôn lại. Cần thiết phải ghi chú lại các từ, cụ từ hoặc cụm động từ mà chúng ta còn chưa nhớ, điều này sẽ giúp các em nhớ chính xác hơn. Thêm vào đó, việc này cũng sẽ giúp các em có một vốn từ nhất định theo chủ điểm để tự tin khi làm bài đọc và bài điền từ.
- Viết lại câu
Đây là phần dễ mất điểm nhất. Ngoài việc học kỹ cấu trúc, học sinh cần phải viết lại câu cẩn thận với độ chính xác tuyệt đối. để làm tốt phần này, học sinh cần phải nắm chắc các cấu trúc cơ bản như:
Cấu trúc viết lại câu của thì hiện tại hoàn thành.
Cấu trúc câu mong ước “wish” và cấu trúc “used to”.
Cấu trúc trực tiếp - gián tiếp.
Cấu trúc bị động, bao gồm cấu trúc “have something done” và “get something done”.
Cấu trúc câu so sánh bằng, so sánh hơn, so sánh kép...
Cấu trúc mệnh đề quan hệ.
Câu điều kiện loại 1, loại 2.
Cấu trúc liên quan đến các từ chỉ mục đích như: in order to, in order that..
Học kỹ phần từ nối (linking words), như: because, although, though, but, so, so that, therefore…
- Sửa lỗi sai
Học sinh cần nắm chắc ngữ pháp, đặc biệt là các thì. Ngoài ra, học một số mẹo làm bài sẽ giúp các em tăng khả năng chọn được đáp án chính xác khi làm bài.
- Từ đồng nghĩa và trái nghĩa
Loại bài này có rất nhiều bài tập ôn luyện, học sinh cần tự làm lại để nắm chắc, đồng thời tự bổ sung thêm vốn từ vựng. Khi học từ, các em nên viết luôn từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa ở bên cạnh để ghi nhớ dễ hơn.
Ngoài ra, học sinh cần lưu ý thêm các thành ngữ mà thầy cô đã dạy trên lớp.
- Câu hỏi giao tiếp
Phần này không khó nên chỉ cần ôn kỹ phần Speaking trong sách giáo khoa. Ngoài ra, các em có thể nhờ giáo viên ôn lại cho cách đặt câu hỏi và câu trả lời đối với các dạng: lợi mời, gợi ý, yêu cầu, khuyên nhủ, khen ngợi…
Chúc các em học sinh ôn luyện và làm bài thi thành công!