Ở tuổi 40, tôi chấp nhận đi thuê nhà cả đời còn hơn bắt con cái phải ăn tằn uống tiện trong căn nhà trả góp không biết đến bao giờ mới xong!
"Ăn mì tôm trong nhà mình còn hơn ăn sơn hào trong nhà thuê": Nên chọn an cư hay chất lượng cuộc sống?
Trong xã hội ngày nay, vấn đề "tiết kiệm để mua nhà" hay "sống thoải mái nhưng ở nhà thuê" là một đề tài được nhiều người quan tâm và tranh luận. Có nhiều người cho rằng "ăn mì tôm trong chính căn nhà của mình còn hơn ăn sơn hào hải vị ở nhà thuê", tôi không nhận xét quan điểm sống của bất kỳ ai vì mỗi người đều có 1 cách nghĩ và hoàn cảnh khác nhau, tuy nhiên nếu hỏi tôi có ngồi húp mì tôm trong căn nhà trả góp hay không thì câu trả lời chắc chắn sẽ là KHÔNG.
Tôi phải nhấn mạnh rằng quan điểm "an cư lạc nghiệp" không hề sai, xuất phát từ tư tưởng truyền thống vốn coi trọng việc sở hữu một mái ấm là mục tiêu quan trọng trong đời người, là biểu hiện của sự ổn định và thành đạt. Mua nhà không chỉ giúp con người có được cảm giác an tâm mà còn là đầu tư dài hạn, là tài sản có giá trị gia tăng theo thời gian.
Phải nhìn nhận đúng rằng bất động sản là tài sản tích lũy an toàn và sẽ có giá trị gia tăng, nhưng với tôi nhà là để ở, không phải sản phẩm để kinh doanh lấy lợi nhuận, khi nào được giá thì ta bán.
Một số người theo quan điểm này sẵn sàng thu hẹp chi tiêu hàng ngày, hạn chế những thú vui nhất thời như ăn uống, giải trí hào nhoáng để dành dụm tiền mua nhà. Họ coi việc ăn uống kham khổ là một sự hy sinh nhỏ để đổi lấy một lợi ích lâu dài và vững chắc.
Đối với họ, việc sở hữu nhà không chỉ đem lại cho họ một không gian sống riêng tư, tự do mà còn giúp họ tránh được những bất ổn từ việc phải chuyển nhà thường xuyên hoặc đối mặt với sự tăng giá thuê nhà không dự đoán trước được.
Tuy nhiên, một số khác cho rằng, việc tận hưởng cuộc sống, không phải từ bỏ những niềm vui hàng ngày như ăn uống, du lịch hay giải trí cũng là điều quan trọng và cần thiết để nâng cao chất lượng sống. Họ coi việc thuê nhà như một lựa chọn linh hoạt, không gắn bó với những nghĩa vụ tài chính lâu dài và có thêm cơ hội khám phá các khu vực sống khác nhau.
Tôi chính là người thuộc nhóm quan điểm này.
Ở tuổi 40, tôi không thất bại đến mức không có nổi tài sản tích lũy gì. Tôi cũng tích lũy bằng cách đầu tư bất động sản và có 2 mảnh đất nho nhỏ mà ngay từ đầu đã xác định mua để đầu tư chứ không phải để ở.
Tôi phân tách rất rõ ràng "nhà" là để ở, là nơi gia đình quay về và trú ngụ sau mỗi ngày vật lộn ngoài xã hội, còn "bất động sản" thì là sản phẩm kinh doanh, cứ hợp lý là tiến hành giao dịch.
2 mảnh đất nói trên tôi mua ở ngoại thành Hà Nội và ở thành phố Hải Phòng với số tiền phù hợp với tiềm lực kinh tế của vợ chồng tôi vào thời điểm đó, ví dụ mảnh đất 60m2 ở Hải Phòng có giá 545 triệu đồng và hiện tại giá trị đã tăng lên không hề nhỏ.
Thế nhưng, nếu muốn mua 1 căn chung cư ở mức trung bình ở Hà Nội thì lại là câu chuyện phức tạp hơn rất nhiều. Thay vì đủng đỉnh mua miếng đất để đấy coi như cất tiền tiết kiệm gửi ngân hàng thì lúc đó lại là câu chuyện vay tiền và trả lãi hàng tháng.
Cũng không ít người nói rằng bán hết 2 miếng đất cùng chiếc xe ô tô của gia đình đi rồi cắm sổ đỏ vay mượn thêm là mua được nhà mà ở rồi. Và đây là những lý do tôi sẽ không mua nhà trả góp như vậy.
1. Nếu mua 1 căn tầm trung để phù hợp với tiềm lực kinh tế của gia đình, ở lụp xụp thì dù là nhà mình đi chăng nữa liệu có thoải mái?
2. Hiện tại hạn mức tôi bỏ ra để thuê nhà là 8 triệu/tháng, nhưng số tiền này sẽ lên đến 12 triệu cho đến 20 triệu/tháng nếu chúng tôi quyết định mua nhà trả góp.
3. Thu nhập không tăng lên nhưng khoản chi cố định tăng vọt dẫn đến việc bắt buộc phải cắt giảm các khoản khác. Đời sống, chất lượng sống đều phải giảm bớt, mình có thể nhịn đói được nhưng con cái vì sao phải ăn uống thòm thèm chỉ để có cái nhà trả góp không biết đến bao giờ mới xong.
Tôi chấp nhận ở nhà thuê cả đời cũng được nhưng tôi không bắt con cái phải ngồi húp mì gói với bố mẹ trong căn nhà trả góp chỉ để thỏa mãn cảm giác "có cái nhà riêng" của người lớn. Trẻ con nó không biết "nhà thuê" và "nhà mình" có gì khác nhau, với chúng nơi nào có bố mẹ và người thân trong gia đình thì đó là NHÀ.
Trên thực tế, mỗi lựa chọn đều có những ưu cũng như nhược điểm riêng và quyết định của mỗi người phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thu nhập, giá cả bất động sản, đặc thù công việc, và quan trọng nhất là quan điểm sống và mục tiêu cá nhân. Việc quyết định tiết kiệm để mua nhà hay sống thoải mái hơn và chấp nhận việc thuê nhà cần được cân nhắc kỹ lưỡng, bởi không có lựa chọn nào là hoàn hảo và phù hợp với tất cả mọi người.
Mỗi chúng ta đều nên tự hỏi: "Điều gì là quan trọng nhất với mình?" và "Mình sẵn lòng hy sinh những gì để đạt được mục tiêu đó?". Cuối cùng, dù lựa chọn ra sao, điều quan trọng là phải tìm kiếm sự cân bằng giữa việc đầu tư cho tương lai và việc hưởng thụ cuộc sống hiện tại.