Ô tô điện thông minh tự nâng cấp cả tiếng khiến thai phụ phải mổ cấp cứu
Thai phụ đau đẻ cần đến bệnh viện gấp nhưng chiếc ô tô điện không thể dừng quá trình nâng cấp gần 1 giờ, khiến cô phải đi bộ gọi taxi và sau đó phải mổ cấp cứu.
Ngày 5/12, một người đàn ông sống ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đăng một video lên mạng xã hội Douyin cho biết, trong khi vợ anh đau đẻ cần đến bệnh viện thì phát hiện ô tô của họ cần phải cập nhật qua mạng (OTA) trong 51 phút và không thể khởi động cho đến khi quá trình này hoàn tất.
Ô tô của họ là một chiếc SUV của Li Auto, nhà sản xuất xe điện thông minh của Trung Quốc, có giá trung bình khoảng 300 nghìn nhân dân tệ (hơn 1 tỷ đồng).
Người đàn ông giấu tên này giải thích rằng, anh đã vô tình kích hoạt tính năng nâng cấp hệ thống được nhắc nhở trên màn hình xe. Khi gọi đến bộ phận chăm sóc khách hàng của Li Auto để hủy nâng cấp, anh được thông báo rằng quá trình này không thể dừng lại.
Do lối đi riêng của gia đình bị nhiều xe khác chặn và xe cứu thương không thể vào được, hai vợ chồng phải đi bộ ra khỏi khu dân cư trong thời tiết giá lạnh và cuối cùng bắt được một chiếc taxi để đến bệnh viện. Video cho thấy người vợ phải chịu đựng cơn đau dữ dội khi đi bộ. Cô nói: "Tôi có ô tô, nhưng tôi phải đi bộ trong cơn đau đớn khi cổ tử cung giãn nở chỉ để gọi taxi. Mỗi bước đi đều đau đớn khủng khiếp".
Người đàn ông nói rằng, do vợ đi bộ nhanh nên nhịp tim của thai nhi tăng cao. Vì thế khi họ đến bệnh viện, các bác sỹ phải thực hiện ca mổ lấy thai khẩn cấp.
Ngày 9/12, người chồng đăng một bài viết cập nhật tình hình, xác nhận rằng cả vợ và con gái anh đều đã an toàn. Sự việc này nhanh chóng thu hút sự chú ý trên mạng xã hội Trung Quốc, với 35 triệu lượt xem trên Weibo.
Một số người cho rằng người chồng có lỗi: “Rõ ràng đây là lỗi của người chồng. Anh ta hoảng sợ và nhấn nhầm nút để xác nhận nâng cấp. Bây giờ anh ta đổ lỗi cho công ty xe hơi".
Tuy nhiên nhiều người khác cho rằng việc không thể dừng, hủy quá trình nâng cấp xe khi chủ cần đi gấp là vấn đề cần khắc phục. "Một khi quá trình nâng cấp hệ thống xe hơi bắt đầu, nó không thể dừng lại được. Điều này là vô lý, nó không tính đến các trường hợp khẩn cấp mà chủ xe có thể gặp phải", một người dùng mạng viết.
Chủ chiếc xe cho biết, những lời chỉ trích nhắm vào Li Auto và gia đình đã gây ra căng thẳng đáng kể cho vợ anh, khiến anh phải báo cảnh sát. Trong video của mình, anh tuyên bố: "Tôi không nghĩ và không bao giờ nói rằng xe của tôi là vấn đề. Tôi chỉ ghi lại tình huống khó xử khi đưa vợ tôi đến bệnh viện".
Nhân viên của hãng Li Auto cho biết vụ việc đang được điều tra. Một người đại diện giải thích rằng, chủ xe được thông báo trước khi nâng cấp và có thể chọn lên lịch ngay lập tức hoặc trì hoãn. "Sau khi nâng cấp OTA bắt đầu, không thể dừng lại vì lý do an toàn", người đại diện nói.
Tính đến thời điểm viết bài này, công ty chưa cho biết họ có đưa ra khoản bồi thường nào hay không. Luật sư Fu Jian thuộc Công ty luật Zejin ở tỉnh Hà Nam chia sẻ với giới truyền thông rằng, nhà sản xuất ô tô có thể không chịu trách nhiệm, nhưng cặp đôi này có thể tìm cách bồi thường thiệt hại kinh tế, chẳng hạn như tiền cước taxi, do lỗi thiết kế xe.
Đây không phải là lần đầu tiên việc nâng cấp hệ thống trên xe điện bị chỉ trích vì gây bất tiện. Trên nền tảng Xiaohongshu, một người dùng từng than phiền về việc không thể mở cốp hoặc đèn báo nguy hiểm khi dừng xe giữa đường để đón con do bản nâng cấp OTA.
Thị trường xe điện của Trung Quốc đang tăng mạnh. Từ tháng 1 đến tháng 10, các nhà sản xuất đã cung cấp 9,75 triệu xe điện cho người mua, đánh dấu mức tăng trưởng 34% so với năm trước.
Nguồn: SCMP