Ô nhiễm không khí: Vấn nạn của xã hội hiện đại độc hại chẳng kém gì thừa cân, béo phì
Hít thở trong không khí chứa hàm lượng muối và những phần tử nhỏ xíu khác từ nhiên liệu hóa thạch gây tác hại tương tự tình trạng thừa cân đến sức khỏe tim mạch.
Sống ở khu vực có môi trường ô nhiễm sẽ ẩn chứa nguy cơ đối với huyết áp của bạn. Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng, giới hạn hiện tại theo quy định của EU về mức độ ô nhiễm không khí chưa đủ thấp để bảo vệ sức khỏe người dân một cách thích đáng. Ở nhiều vùng miền của nước Anh, những quy định này liên tục bị vi phạm. Nhiều đơn kiện đã được gửi đến tòa án nhằm mục đích buộc Chính phủ Anh phải đưa ra các biện pháp giải quyết vấn nạn ô nhiễm không khí.
Theo số liệu chính thức, khoảng 40.000 người chết sớm mỗi năm ở Anh chỉ vì chất lượng không khí họ hít thở quá kém. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, ô nhiễm không khí “đang tàn phá sức khỏe con người”. Trong khi đó, các nhà tổ chức chiến dịch vì môi trường đã mô tả khí thải diesel là “hiểm họa lớn nhất đối với sức khỏe kể từ "Cái chết Đen" (Black Death chỉ bệnh dịch hạch hoành hành vào thế kỷ 14).
Nghiên cứu mới này cũng điều tra tác động của không khí ô nhiễm và tiếng ồn giao thông trên 41.000 người thuộc 5 quốc gia khác nhau gồm Tây Ban Nha, Đức, Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch, trong vòng 9 năm.
Khi nghiên cứu bắt đầu, không ai trong số 41.000 người trên bị huyết áp cao. Nhưng hơn 6.200 trường hợp được xác nhận là đã mắc bệnh hoặc bắt đầu dùng thuốc nhằm giảm huyết áp cao trong khoảng thời gian 9 năm tiến hành nghiên cứu. Các nhà khoa học cũng phát hiện ra, những người sống ở khu vực ô nhiễm nhất trong một thành phố có nguy cơ cao bị huyết áp cao so với người sống ở khu vực ít ô nhiễm hơn. Nguy cơ này tương đương với khả năng bị cao huyết áp của người có chỉ số cơ thể bình thường bỗng chuyển sang giai đoạn thừa cân.
Tiếng ồn giao thông cũng là một yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe: Những người sống ở khu vực có cường độ âm thanh về đêm trung bình khoảng 50 decibel – tương đương với âm lượng một cuộc trò chuyện trong gia đình – tăng nguy cơ bị cao huyết áp lên 6% so với người sống ở khu vực có cường độ âm thanh trung bình khoảng 40 decibel – tương đương âm lượng trong một thư viện.
Giảng viên Barbara Hoffmann, đến từ trường Đại học Heinrich-Heine ở Đức, người chủ trì nghiên cứu trên, cho biết: “Trên thực tế, mọi người đều tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong suốt cuộc đời mình. Điều này dẫn tới số lượng ca mắc bệnh huyết áp cao ngày càng gia tăng, tạo áp lực lớn lên mỗi cá nhân và toàn xã hội.
Một khía cạnh vô cùng quan trọng là, tình trạng trên cũng xuất hiện ở những người đang sống dưới mức tiêu chuẩn về không khí ô nhiễm do EU quy định. Điều đó đồng nghĩa với việc, luật pháp hiện tại đã không bảo vệ được người dân EU khỏi tác hại của ô nhiễm không khí. Xét về mặt không khí hiện diện ở khắp mọi nơi và tầm quan trọng của cao huyết áp – yếu tố nguy cơ quan trọng nhất gây ra các bệnh tim mạch - kết quả nghiên cứu trên cho thấy hậu quả nghiêm trọng với sức khỏe cộng đồng và kêu gọi thắt chặt thêm các quy định về chất lượng không khí”.
Nhóm các nhà nghiên cứu cũng khẳng định, họ có thể chứng minh, không khí ô nhiễm và tiếng ồn giao thông đều liên quan tới huyết áp cao. Cơ thể con người bị ảnh hưởng theo nhiều cách khác nhau. Không khí ô nhiễm có thể ảnh hưởng tới mạch máu và tim, gây ra viêm nhiễm, việc tích lũy các phần tử gây hại trong cơ thể và phá vỡ hoạt động bình thường của hệ thần kinh. Tiếng ồn được tin là tác động cả đến hệ thống hormone của con người.
Bình luận về kết quả nghiên cứu trên, Jenny Bates, người tổ chức chiến dịch Friends of the Earth, chia sẻ trên tờ European Heart Journal, bằng chứng về tác động của không khí ô nhiễm lên sức khỏe con người đang tăng lên một cách rõ rệt.
“Nghiên cứu này đã cho thấy tồn tại những nguy cơ với sức khỏe, ngay cả khi hàm lượng các phần tử tốt trong không khí bị ô nhiễm đều dưới tiêu chuẩn pháp lý của EU. Trên thực tế, WHO cũng xác nhận, không có giới hạn an toàn nào cho hiện tượng này. Ô nhiễm không khí dẫn tới 40.000 người thiệt mạng ở tuổi còn quá trẻ ở Anh. Nó là thủ phạm một số căn bệnh như ung thư phổi, góp phần gây ra bệnh hô hấp (bao gồm cả tình trạng nặng lên của hen suyễn) và bệnh tim – chính là mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí với huyết áp cao mà nghiên cứu này đề cập.
Cần thiết phải có những hành động khẩn cấp để loại bỏ những phương tiện chạy bằng động cơ diesel bẩn ra khỏi các con đường và giảm thiểu giao thông đường bộ. Chính phủ Anh cần phải kiên quyết và rõ ràng hơn trong việc đưa ra kế hoạch từng giai đoạn nhằm loại bỏ động cơ diesel, hỗ trợ các khu vực không khí sạch Clean Air Zones trên khắp đất nước và cung cấp những biện pháp thay thế thực tế cho người dân trong vấn đề đi lại, nhằm mục đích cứu sống nhiều mạng người và cải thiện sức khỏe”.
Một nhà lãnh đạo cao cấp của tổ chức Greenpeace, Areeba Hamid, cũng cho biết: “Nước Anh đang phải đối mặt với tình trạng báo động về sức khỏe cộng đồng do ô nhiễm không khí, chủ yếu do ô tô chạy bằng động cơ diesel gây ra. Khi nước Anh bắt đầu quá trình rời khỏi EU, bất cứ quy định luật pháp nào liên quan tới chất lượng không khí nên tận dụng tốt nhất các tiêu chuẩn hiện tại của EU và nâng cấp cho chúng tốt hơn nữa.
3 trong số 5 quốc gia, nơi nghiên cứu này được tiến hành, đã chứng kiến nhiều thành phố dịch chuyển sang hệ thống giao thông và công nghệ sạch hơn. Đã đến lúc nước Anh quyết định mình có nên tham gia vào sự dịch chuyển đó hay tiếp tục chi hàng tỷ bảng cho các nguồn lực y tế nhằm điều trị những căn bệnh do không khí ô nhiễm gây ra”.
Ở nước ta, thực trạng ô nhiễm môi trường cũng đang là vấn đề nóng bỏng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đối tượng gây ô nhiễm môi trường chủ yếu là hoạt động sản xuất của nhà máy trong các khu công nghiệp, hoạt động làng nghề và sinh hoạt tại các đô thị lớn. Vấn đề này ngày càng trầm trọng, không những đe dọa trực tiếp sức khỏe con người mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
(Tổng hợp)